Ngày 3/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới ở châu Phi rất có thể là dấu hiệu cho một làn sóng Covid-19 mới bùng phát ở châu lục này. Đáng lo là, châu Phi đang trong tình trạng thiếu hụt kinh phí chống dịch trầm trọng, các cơ sở tiêm chủng cũng bị tê liệt do không đủ nguồn cung so với cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại về làn sóng Covid-19 mới tại châu Phi. (Nguồn: WHO) |
Số ca nhiễm tăng đột biến
WHO cho biết, trong tuần qua, số lượng các ca nhiễm mới tại 14 quốc gia châu Phi đã tăng lên hơn 30%.
Tại Nam Phi, các ca nhiễm mới đang tăng đều đặn, trong đó, có 4 trong số 9 tỉnh của quốc gia này hiện đang phải đối mặt với làn sóng mới. Số trường hợp mắc bệnh ở Uganda cũng gia tăng đáng kể, các bệnh viện hiện chật kín bệnh nhân và chính quyền nước này cũng đang cân nhắc về việc công bố lệnh phong tỏa.
Nói về lý do châu lục này phải đối mặt với một làn sóng dịch mới, WHO cho rằng nguyên nhân chính nằm ở việc người dân chưa thực sự tuân thủ các quy định giãn cách xã hội, vốn còn lỏng lẻo so với những nước khác.
Bên cạnh đó, mùa đông ở miền nam châu Phi cũng là một môi trường lí tưởng cho loại virus này phát triển. Đồng thời, các biến thể virus corona mới xuất hiện và lây lan mạnh cũng là một phần nguyên nhân đằng sau sự bùng phát dịch bệnh trở lại tại đây.
Trong khi các ca nhiễm ở châu Phi chỉ chiếm ít hơn 3% trên tổng số các nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, số lượng ca tử vong của châu lục này lại chiếm 3,7%. Con số này thậm chí còn nhiều hơn trên thực tế vì ở đại đa số các quốc gia châu Phi, hầu hết các trường hợp tử vong vì Covid-19 không được đăng ký chính thức.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết: “Mối đe dọa của làn sóng thứ ba ở châu Phi là có thật và đang xuất hiện rõ nét hơn. Hiện chúng tôi đang cố gắng giúp những người dân châu Phi có nguy cơ mắc bệnh nặng được tiêm vaccine”.
Châu Phi cũng đang trong tình trạng thiếu vaccine Covid-19 trầm trọng. (Nguồn: WHO) |
Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Theo số liệu WHO công bố ngày 3/6, châu Phi có khoảng 1,3 tỷ dân, tuy nhiên chỉ có khoảng 31 triệu người đã được tiêm một liều vaccine ngừa Covid-19 và 7 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ .
Ở Kenya, một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi, mới chỉ có 1.386 người được tiêm 2 liều vaccine trong tổng số hơn 50 triệu dân. Nhờ có chương trình COVAX, Ghana và Rwanda mới thực hiện được quá trình tiêm chủng vaccine đầu tiên, nhưng chưa biết bao giờ mới nhận được đợt cung cấp vaccine cứu trợ thứ hai.
Trong khi đó, tình trạng lãng phí vaccine lại xảy ra ở Malawi và Nam Sudan. Do e ngại những tác dụng phụ của vaccine, Malawi tuyên bố vứt bỏ 16.000 liều vaccine AstraZeneca hết hạn sử dụng hồi tháng 4/2021. Ở Nam Sudan, 43.000 liều vaccine cũng đã không được tiêm theo đúng hạn quy định và phải bỏ đi một cách lãng phí.
Mặt khác, do gặp hạn chế trong khả năng tiêm chủng, cùng với nỗi lo sợ về tình trạng máu đông sau tiêm, Cộng hòa Dân chủ Congo đã quyên góp hàng triệu liều vaccine của nước này cho các quốc gia châu Phi khác trước khi những liều vaccine này hết hạn.
WHO cảnh báo, số lượng các ca bệnh gia tăng đột biến có thể làm sập hệ thống y tế vốn đã quá tải của các quốc gia châu Phi. Các giường chăm sóc đặc biệt hạn chế, oxy và máy thở sẽ không đủ sử dụng nếu làn sóng bùng phát mới này tiếp tục lan rộng.
Để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn diện, TS. Moeti kêu gọi các quốc gia châu Phi “chia sẻ các liều vaccine giúp đỡ lẫn nhau, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo tất cả các đối tượng dễ nhiễm và dễ tử vong được tiêm vaccine trước.”