Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của đất nước. (Nguồn: VTV) |
Dẫn dắt tăng trưởng kinh tế
Cùng kỳ năm trước, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2% đã được đánh giá là ngành đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. 5 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh từ tháng 4, dịch bệnh lan rộng ở nhiều tỉnh có khu công nghiệp quan trọng của đất nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, thì mức tăng 12,6% là sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp (DN) và địa phương.
Mức tăng này đã đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung 9,9% (5 tháng năm 2021) của toàn ngành công nghiệp. Với sự tăng trưởng gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước, một lần nữa khẳng định, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tin liên quan |
Không để đà hồi phục kinh tế bị chặn lại |
Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành tạo ra nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định. Hầu hết các công việc trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào sản xuất. Mặc dù dịch Covid-19 làm gián đoạn không ít chuỗi cung ứng hàng hóa của DN, song số lao động đang làm việc trong các DN ngành này 5 tháng qua tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 1,3% so với tháng 4/2021.
Đáng ghi nhận, thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, như Bình Dương, Quảng Nam, Bắc Ninh, Quảng Ninh…
Được biết, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh Quảng Ninh là 15%; đến năm 2030 đạt 20%. Tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025 đạt 15 - 17%/năm; giai đoạn 2025 - 2030 đạt 17 - 20%/năm.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - ông Nguyễn Trung Tiến: Quốc gia muốn tăng trưởng tốt hay thịnh vượng đều bắt nguồn từ ngành chế biến, chế tạo. Nếu ngành này phát triển thì năng lực quản lý tay nghề của lao động cũng như kết cấu hạ tầng phục vụ ngành chế biến, chế tạo cũng đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao.
"Gỡ" những nút thắt
Dù đã điểm xuyết những gam màu sáng cho "bức tranh" sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm, nhưng vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận: Nội lực của công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước còn nhiều hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài về linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu, dẫn đến nhiều khó khăn cho DN trong nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.
Bên cạnh đó, chúng ta còn nặng về gia công, chế biến, phụ thuộc vào DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này giải thích tại sao trong khi đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của DN FDI ngày càng tăng, thì đóng góp của DN nhà nước ngày càng giảm.
Ví dụ điển hình như dệt may và giày dép. Dù ngành này tạo ra nhiều việc làm nhưng lại có năng suất lao động thấp nhất. Nguyên nhân là do dệt may, da giày Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào DN nước ngoài. Các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao đều do DN nước ngoài nắm giữ. DN trong nước chỉ thực hiện công đoạn sản xuất tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị.
Hay tại một số ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, số lượng DN FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số DN nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các DN này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng ưu đãi về thuế và chi phí đầu vào của Việt Nam.
Tin liên quan |
Doanh nghiệp lữ hành thời Covid: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" |
Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đi vào chiều sâu, phát triển mạnh hơn nữa, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với một số DN FDI đa quốc gia, như Samsung, Toyota... tăng cường tìm kiếm, kết nối DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Về dài hạn, sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các DN công nghiệp nói chung, DN công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo nói riêng. Trong đó, chú trọng đến vấn đề phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho các DN công nghiệp hỗ trợ cũng như DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo…
Một lần nữa vẫn phải nhấn mạnh, bất chấp đại dịch Covid-19, chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp nước ta. Sự tăng trưởng này đã tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường ở trên thế giới và trong nước. Do vậy, vấn đề đặt ra lúc này cho các ngành chức năng, cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể duy trì đà tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm.