Nhân viên y tế phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai tới phát thuốc cho 1 gia đình có bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. (Nguồn: Vietnamnet) |
Hướng dẫn này nêu rõ nhiệm vụ của Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; các Trạm Y tế phường, xã; Mạng lưới thầy thuốc đồng hành và lực lượng mới thành lập theo chỉ đạo của UBND Thành phố là Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19.
Theo đó, Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà có lực lượng nòng cốt là Đoàn thanh niên, được giao nhiệm vụ nhập thông tin F0 lên hệ thống phần mềm sau khi nhận dữ liệu từ y tế cơ sở; chỉnh sửa dữ liệu F0 đã đăng ký trên phần mềm để thông tin chính xác với thực tế.
Bên cạnh đó, hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà biết cách khai báo thông tin sức khỏe hàng ngày vào phần mềm, khai hộ thông tin cho người không có điện thoại thông minh hoặc người già yếu. Liên hệ với F0 để nhắc họ khai báo đúng giờ, đủ thông tin sức khỏe.
Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 cũng có trách nhiệm thông báo ngay cho nhân viên y tế nếu F0 đang theo dõi tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng hoặc triệu chứng bất thường để lực lượng y tế kịp thời vận chuyển F0 đến bệnh viện điều trị Covid-19 theo đúng phân tầng đã quy định.
Sở Y tế cũng cho biết, các Tổ hỗ trợ này sẽ trực tiếp theo dõi nhóm F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà với các nội dung như: phát thuốc, lấy mẫu tại nhà, hướng dẫn F0 biết cách tự chăm sóc tại nhà, hoàn thành hồ sơ hết cách ly, tham gia lưu động hỗ trợ F0 tại nhà,...
Về Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, lực lượng này có nhiệm vụ phân công các y, bác sĩ của Hội để quản lý theo khu vực, hỗ trợ ban lãnh đạo các Trung tâm Y tế trong tham mưu, triển khai thực hiện và cung cấp thông tin ca bệnh cần hỗ trợ y tế khẩn cấp, báo cáo thực hiện hàng tuần.
Ngoài ra, trực tiếp chủ động theo dõi, gọi điện hỗ trợ nhóm F0 có triệu chứng theo phân tầng trên phần mềm, ưu tiên màu Đỏ - Cam - Vàng theo danh sách trên phần mềm.
Phối hợp với nhân viên y tế tại các trạm y tế và trạm y tế lưu động để trao đổi, chia sẻ, cảnh báo khi F0 có dấu hiệu tăng nặng; nhận điện thoại được gọi từ F0 để hỗ trợ hướng dẫn khai báo thông tin sức khỏe trên phần mềm, tư vấn dinh dưỡng, an toàn lây nhiễm, trấn an tinh thần... Mạng lưới thầy thuốc đồng hành cũng sẽ kết hợp với tổng đài 1022 để nhận thông tin hỗ trợ F0 theo dõi tại nhà trên địa bàn Thành phố.
Các Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi F0 tại nhà theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Cung cấp thông tin người nhiễm trên địa bàn cho Đoàn thanh niên (thành viên Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19) thực hiện nhập liệu vào phần mềm để quản lý.
Y tế địa phương thực hiện khám, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà để người dân yên tâm điều trị, tránh gây hoang mang lo lắng. Đối với cán bộ đăng ký số hotline của Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động, thực hiện ngay lập tức việc thăm khám khi có thông báo và đánh giá với các trường hợp người nhiễm theo mức độ phân tầng Xanh, Vàng, Cam, Đỏ. Trường hợp người dân khai báo nhầm, cán bộ y tế cơ sở thực hiện việc cập nhật lại thông tin sau khi đã thăm khám trực tiếp.
Các Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động cũng có trách nhiệm phát hiện kịp thời F0 điều trị tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng (màu cam, màu đỏ trên phần mềm) để chuyển tuyến đến các bệnh viện. Hoàn thành thủ tục hết cách ly cho F0 bằng lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, in ấn giấy tờ hồ sơ theo quy định.
Với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế giao tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý F0. Chủ trì tổ chức tập huấn hoặc mời các chuyên gia tổ chức tập huấn cho Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19.
Trước đó, đại diện một số Trạm Y tế phường ở Hà Nội cho biết, từ khi triển khai điều trị F0 tại nhà, họ phải đảm nhiệm cùng lúc rất nhiều công việc: ngoài theo dõi, chăm sóc F0 điều trị tại nhà còn tiêm vaccine Covid-19; lấy mẫu trường hợp ho sốt cộng đồng; khoanh vùng xử lý ca nhiễm mới; làm các công việc hành chính; quản lý số lượng lớn F1 đang cách ly tại nhà; tiếp nhận và giải đáp, tư vấn rất nhiều thắc mắc cho người dân.
Sự “quá tải” của y tế tuyến phường khiến nhiều F0 phản ánh bị “bỏ quên”, không nhận được thuốc hay sự tư vấn từ nhân viên y tế dù đã có kết quả xét nghiệm dương tính nhiều ngày.
Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần tăng cường nhân lực cho y tế phường, có thể kêu gọi các bệnh viện tư nhân, nhà thuốc, các thầy thuốc nghỉ hưu, tình nguyện viên,… tham gia hỗ trợ. Đồng thời, phân chia đầu việc rõ ràng để lực lượng y tế phường không phải cùng lúc đảm đương quá nhiều nhiệm vụ.