📞

Covid-19 ở Việt Nam: Cuộc chiến mới và sức mạnh của niềm tin

Viết Chung 11:00 | 07/08/2020
TGVN. Với 34 ca lây nhiễm chỉ trong năm ngày, Việt Nam đã chính thức bước vào một cuộc chiến phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mới đầy cam go và thử thách.
Hình ảnh chuyến bay thắm tình đồng bào đưa công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo trở về nước.

Cùng Đà Nẵng phòng chống dịch bệnh

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên tại Đà Nẵng vào ngày 25/7, Đà Nẵng đã kích hoạt đồng loạt mọi biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở mức cao nhất, nỗ lực truy tìm, khoanh vùng và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Tiếp nối Đà Nẵng, một loạt địa phương trên cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… đã ngay lập tức triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Đánh giá về công tác ứng phó dịch Covid-19 của Việt Nam trong những ngày qua, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, việc xuất hiện lại các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam là điều bình thường. Thực tế, nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.

Theo ông, hệ thống giám sát y tế của Việt Nam đã hoạt động hiệu quả nên đã phát hiện sớm, kịp thời các ca bệnh. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại Đà Nẵng, hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng, triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức cách ly, giám sát, truy vết, khoanh vùng dập dịch...

“Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa rồi”, ông Kidong Park bày tỏ.

Ngày 29/7, chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương, bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam và Thừa - Thiên Huế về diễn biến mới của dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đợt dịch lần này khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được dấu F0, tình hình phức tạp hơn, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn. Có nhiều nguy cơ lây nhiễm tại các địa phương, trước mắt là các tỉnh, thành phố xung quanh Đà Nẵng. Số ca lây nhiễm tại Đà Nẵng và các thành phố khác đã lên 34 ca.

“Vì vậy, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này”, Thủ tướng nêu rõ. “Khi tình hình xấu rồi thì sẽ trở tay không kịp”, do đó, không được chủ quan. Các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch để đề cao cảnh giác.

Có lộ trình phù hợp đưa người Việt về nước

Trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh trong nước, công tác bảo hộ công dân, đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước tiếp tục được quan tâm và được ưu tiên là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất. Ngay trong cuộc họp trực tuyến sáng 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải tính toán lại khả năng trong nước để có lộ trình phù hợp tiếp nhận người Việt về nước.

Trao đổi với TG&VN, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan cho biết, công tác bảo hộ công dân tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn được ưu tiên hàng đầu, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đảm bảo sức khỏe cho bà con, đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở về quê hương.

Tính từ ngày 10/4, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Y tế, Giao thông Vận tải, cùng các cơ quan chức năng liên quan, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không của Việt Nam tổ chức 77 chuyến bay đưa hơn 19.000 công dân từ khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.

Chiều 29/7, chuyến bay đưa 210 lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài. Sau chuyến bay tới tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc), chuyến bay đón người lao động trở về từ Guinea Xích đạo và tới đây là chuyến bay từ Uzbekistan đều là những chuyến bay đặc biệt khi có số lượng người nhiễm Covid-19 rất lớn, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong quá trình di chuyển rất cao dù các phương án an toàn đã được đảm bảo ở mức tối đa trước và trong quá trình bay.

Theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, từ khi tiếp nhận thông tin về các công dân này, Bộ Ngoại giao đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan ở trong nước và chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại sở tại, cũng như các Cơ quan đại diện kiêm nhiệm để đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của bà con tại sở tại, có các phương án cách ly để tránh việc lây lan ra dịch bệnh.

“Các phương án và kế hoạch để tổ chức chuyến bay đưa những công dân nêu trên về nước được các bộ, ngành phối hợp và lên phương án cụ thể để làm sao việc đón các công dân về nước được an toàn và giảm thiểu việc lây lan trong quá trình tham gia chuyến bay xuống mức thấp nhất”, bà Lan nhấn mạnh.

Cũng theo bà Lan, ngoài phương án đưa về, việc tiếp nhận và chữa trị cho các công dân bị nhiễm bệnh, những người đi cùng và phi hành đoàn cũng được bố trí rất cẩn thận, chi tiết. Với chuyến bay đón công dân từ Guinea Xích đạo về nước, toàn bộ công dân và phi hành đoàn sau khi về đến Việt Nam sẽ được các phương tiện chuyên dụng đưa về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 điều trị và cách ly. Đối với chuyến bay đón công dân từ Uzbekistan, các công dân và phi hành đoàn dự kiến cũng sẽ về một cơ sở y tế để điều trị, cách ly.

Thông tin về kế hoạch đưa công dân Việt Nam về nước trong tình hình mới, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan khẳng định, Cục Lãnh sự sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan (đặc biệt là các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng) xem xét phù hợp với khả năng cách ly và hỗ trợ y tế trong nước để tiếp tục triển khai các chuyến bay đưa công dân về nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam sẽ kiểm soát được Covid-19

Phun khử khuẩn trong khu vực dân cư tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. (Nguồn: TTXVN)

Ngay khi xuất hiện trở lại các ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, truyền thông quốc tế đã có những bài viết đánh giá cao những phản ứng của Chính phủ Việt Nam, đồng thời tin tưởng Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình nhờ kinh nghiệm và những trang thiết bị sẵn có.

Hãng tin Bloomberg ngày 28/7 đăng bài viết khen ngợi Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai kế hoạch giãn cách xã hội và ban hành trở lại các biện pháp phòng dịch, sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở thành phố Đà Nẵng.

Trong khi đó, trang Nikkei của Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền các địa phương kiểm soát chặt chẽ hơn các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trước đó một ngày, trang mạng The Diplomat nhận định có nhiều yếu tố cho thấy Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình. Theo The Diplomat, khi có báo cáo về ca nhiễm thứ 416 (trường hợp lây lan trong cộng đồng đầu tiên sau hơn ba tháng tại Việt Nam), chính quyền Đà Nẵng đã áp dụng mô hình chống dịch của Hà Nội trước đây.

Đó là phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để thực hiện các biện pháp như truy vết nguồn bệnh một cách quyết liệt, lập các chốt kiểm dịch bắt buộc và tăng cường phun thuốc khử trùng.

Điều này từng giúp chính phủ ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng trước đây và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn trong thời gian phong tỏa.

Đà Nẵng vừa nhận được Chỉ thị 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, theo đó cấm người dân tụ tập nơi công cộng, trong khi chính quyền nỗ lực tiến hành các chiến dịch sàng lọc và khử trùng diện rộng, hạn chế số lượng lớn người ra vào Đà Nẵng.

The Diplomat nhận định, với những hành động quyết liệt này, Đà Nẵng có thể kiểm soát sự lan rộng dịch bệnh trong cộng đồng và Việt Nam có thể xử lý đợt dịch này thông qua việc phong tỏa các địa phương nguy cơ cao như Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, thay vì giãn cách xã hội trên toàn quốc như vài tháng trước.

Trang The Diplomat nhấn mạnh tới yếu tố kinh nghiệm chống đại dịch của Việt Nam trong suốt nửa năm qua kết hợp với việc sở hữu thêm nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến hơn - yếu tố cần thiết để đối phó với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm mới.

“Trang thiết bị tốt hơn cũng được cho là sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng - một yếu tố chính từng giúp Việt Nam chiến thắng Covid-19 thời gian trước”, tờ này bình luận.

(tổng hợp)