Bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị tại bệnh viện. (Nguồn: BVCR) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 635.055 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.455 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 630.661 ca, trong đó có 395.687 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tính từ 17h ngày 13/9 đến 17h ngày 14/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 10.496 ca ghi nhận trong nước tại 33 địa phương, trong đó có 6.740 ca trong cộng đồng.
Như vậy, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 672 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 866 ca, Bình Dương giảm 1.473 ca, Đồng Nai tăng 9 ca, Long An tăng 52 ca, Kiên Giang tăng 80 ca.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 11.918 ca/ngày.
Có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Lào Cai.
Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Quảng Ninh, Ninh Bình.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (309787), Bình Dương (162847), Đồng Nai (36361), Long An (28865), Tiền Giang (12468).
Tình hình điều trị
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 14/9 là 12.683, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 398.461 ca.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.933 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ (3.693); Thở ô xy dòng cao HFNC (1.164); Thở máy không xâm lấn (132); Thở máy xâm lấn (910); ECMO: 34.
Trong ngày 14/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 276 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (199), Bình Dương (41), Đồng Nai (12), Tiền Giang (7), Long An (4), Kiên Giang (4), Đồng Tháp (4), Bình Thuận (2), Cần Thơ (1), Quảng Bình (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 273 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.936 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Hà Nội gợi ý vùng "cam-xanh" sản xuất kinh doanh theo Chỉ thị 15
Tại buổi giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy phòng, chống dịch thành phố với các cơ quan liên quan diễn ra vào chiều 14/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng gợi ý, ngay từ bây giờ, vùng 2 và vùng 3 có thể mạnh dạn triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn theo tinh thần Chỉ thị 15.
Kết luận buổi giao ban, ông Chử Xuân Dũng khẳng định, việc xét nghiệm diện rộng và tiêm phủ vaccine đang được cả hệ thống nỗ lực đêm ngày, vượt khó để hoàn thành mục tiêu mà thành phố đề ra.
Sau khi hoan nghênh những địa phương đã "về đích" trước kế hoạch, ông Dũng đề nghị các địa phương còn lại tăng tốc hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, quá trình triển khai tiêm chủng cũng như xét nghiệm phải đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Đáng chú ý, sau khi nhắc lại việc sau ngày 15/9, thành phố sẽ xem xét nới lỏng một số hoạt động trên tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh, ông Dũng đã gợi ý rằng, ngay từ bây giờ, vùng 2, vùng 3 (tức vùng cam-xanh) có thể mạnh dạn triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn theo tinh thần Chỉ thị 15.
Đối với các khu vực vẫn phát sinh F0, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu phải xét nghiệm thần tốc để sau khi hoàn thành xét nghiệm, tiêm vaccine thì thu hẹp nhất vùng nguy cơ và quản lý chặt chẽ.
Trước đó, báo cáo tại buổi giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, hiện thành phố còn 7 chùm ca bệnh. Riêng ngày 14/9, có thêm một địa điểm phong tỏa, nâng tổng số điểm hiện còn phong tỏa trên toàn thành phố lên 79 điểm.
Đến nay, Hà Nội đã tiêm được 5,7 triệu mũi vaccine Covid-19, trong đó hơn 5,05 triệu mũi 1 và gần 660.000 mũi 2. (Nguồn: TTXVN) |
Không được từ chối tiêm mũi 2 cho người tiêm mũi 1 nơi khác
Ngày 14/9, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh có công văn nhắc nhở các điểm tiêm trên địa bàn không được từ chối tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 ở địa phương khác.
Theo Sở Y tế, qua giám sát thực tế các địa điểm tiêm và phản ánh của người dân, Sở Y tế ghi nhận một số hạn chế như điểm tiêm có số lượng người dân ra tiêm rất ít dẫn đến năng suất đạt mũi tiêm thấp; một số nơi từ chối tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 cho người dân đã tiêm mũi 1 tại địa phương khác.
Qua đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiêm khắc phục các hạn chế, cụ thể như sau:
Lãnh đạo các cơ sở y tế nhắc nhở các đội tiêm được phân công, hỗ trợ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 không được từ chối tiêm mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 đã tiêm ở địa phương khác; tiếp tục duy trì các đội tiêm đã thành lập, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu điều động thêm.
Sở Y tế cũng yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện duy trì và vận hành tốt các điểm tiêm trong và ngoài cơ sở y tế sẵn có; tiếp tục huy động lực lượng thực hiện đảm bảo công suất khoảng 200 - 250 mũi tiêm/ngày/đội tiêm để hoàn tất việc bao phủ vaccine đúng tiến độ kế hoạch.
Thẩm định Nanocovax lần hai
Hôm nay (15/9), Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ họp thẩm định kết quả bổ sung hồ sơ về thử nghiệm lâm sàng và đăng ký vaccine Nanocovax.
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chiều 14/9, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có ba ứng viên vaccine Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến cuối năm 2021 sẽ có ít nhất một vaccine được cấp phép lưu hành.
Cụ thể, sau khi nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu nộp hồ sơ hoàn thiện, bổ sung về thử nghiệm lâm sàng và đăng ký vaccine Nanocovax, dự kiến ngày mai (15/9), Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ họp thẩm định kết quả; sau đó Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ xem xét hồ sơ.
Với vaccine Covivac, cũng trong ngày 15/9, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm thử nghiệm mũi hai giai đoạn hai tại tỉnh Thái Bình. Bộ Y tế đã cho phép triển khai "cuốn chiếu" giai đoạn hai và giai đoạn ba của vaccine ARCT-154 chuyển giao công nghệ từ Mỹ; đảm bảo tiến độ trước 20/12 phải có đủ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, 3.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đang đàm phán, thoả thuận để thử nghiệm lâm sàng và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài. Chuyên gia bày tỏ, các dự án sản xuất vaccine tại Việt Nam "rất khả quan", đến năm 2022 sẽ hoạt động. Vì thế, Việt Nam cần "tính toán chiến lược mua, nhập khẩu, thậm chí tiến tới xuất khẩu vaccine".
Thêm 2 tòa chung cư ở Hà Nội được sử dụng làm cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. |
Hà Nội thêm 2 tòa chung cư làm cơ sở điều trị Covid-19
UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4093/QĐ-UBND về việc thành lập Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Dự án xây dựng nhà 30T1, 30T2, ô đất A14, thuộc KĐT Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy).
Theo Quyết định, đây là cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ có quy mô 3.000 giường bệnh, thuộc hạng 2.
Quyết định nêu rõ, áp dụng tuyến, hạng, danh mục kỹ thuật, danh mục thuốc, vật tư y tế như của Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất; thời gian hoạt động từ ngày 6/9/2021 cho đến khi UBND thành phố ban hành quyết định giải thể.
Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 chịu trách nhiệm thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, của Ban chỉ đạo phòng chống dịch UBND thành phố và của Sở Y tế.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, các đơn vị được phân công kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố xem xét, quyết định.
Dù hạ tầng đã hoàn thiện, cơ sở vật chất cơ bản xong nhưng do chưa có người chuyển vào sinh sống nên Hà Nội đã tận dụng 2 tòa nhà làm cơ sở thu dung, điều trị người mắc Covid-19.