📞

Covid-19 ở Việt Nam sáng 3/10: 55 triệu liều vaccine trong 3 tháng, điểm mới của căn cước công dân gắn chip, nhiều cán bộ y tế Hà Nam dương tính

Chu Văn 06:12 | 03/10/2021
Với 803.202 ca mắc Covid-19, Việt Nam đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.160 ca mắc).

Tính riêng từ 17h ngày 1/10 đến 17h ngày 2/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.490 ca mắc mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 5.477 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.464 ca so với ngày trước đó) tại 40 tỉnh, thành phố (có 3.004 ca trong cộng đồng).

Với việc ghi nhận 164 ca tử vong trong ngày 2/10, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.601 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số lượng xét nghiệm Covid-19 từ ngày 27/4 đến nay đã thực hiện 18.876.491 mẫu cho 53.721.020 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm tính đến hết ngày 1/10 là 43.658.818 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 33.532.395 liều, tiêm mũi 2 là 10.126.423 liều.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời câu hỏi của các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí, chiều 2/10. (Nguồn: TTXVN)

Giữa năm 2022, Việt Nam tiếp cận 150 triệu liều vaccine

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin trả lời một số câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Về câu hỏi liên quan đến lộ trình tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho người dân tại TP. Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ tiếp tục phân bổ vaccine để thực hiện tiêm mũi 2 cho nhân dân TP. Hà Nội. Không chỉ tại Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã có văn bản gửi địa phương xây dựng địa phương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho tất cả các đối tượng. Trong đó có kế hoạch tiêm vaccine mũi 1 cho đối tượng đủ 18 tuổi trở lên và kế hoạch tiêm mũi 2 để làm sao bao phủ tiêm vaccine.

Về hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng và Hội đồng vaccine quốc gia nghiên cứu, bước đầu thống nhất căn cứ từng loại vaccine để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi. Việc này đang được xin ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn một lần nữa để ban hành trong thời gian sớm nhất.

Thông tin về việc lượng vaccine phòng Covid-19 sẽ về trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết từ nay đến hết năm 2021 và nửa đầu năm 2022 sẽ tiếp cận khoảng 150 triệu liều. Từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ về khoảng 55 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ theo từng tuần, từng tháng cho các địa phương theo quy định.

Về câu hỏi liên quan đến vấn đề giá test kit xét nghiệm, Thứ trưởng cho biết đã có nhiều hướng dẫn để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ mua kit xét nghiệm cho người dân và người lao động. Bộ Y tế cũng yêu cầu đơn vị cung ứng đảm bảo tính công khai minh bạch. Hiện tại, Bộ đã cấp phép lưu hành cho 97 loại test Covid-19, trong đó 35 loại bằng phương pháp PCR, 39 loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Bộ Y tế yêu cầu cập nhật giá công khai hằng tuần, tạo điều kiện cho đơn vị đăng ký và cạnh tranh lành mạnh. Bộ cũng đã ban hành các văn bản đề nghị xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch Covid-19.

Căn cước gắn chip tích hợp thông tin về tiêm chủng. (Nguồn: Bộ Công an)

Bộ Công an tích hợp thẻ xanh Covid-19 trên căn cước công dân

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (C06) cho biết vào chiều 2/10, hiện thẻ căn cước công dân đang được tích hợp nhiều tiện ích hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: thông tin thẻ xanh Covid-19, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe và nhiều tiện ích khác.

Về thông tin thẻ xanh Covid-19, công dân đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng dịch sẽ được tích hợp thẻ xanh, tiêm một mũi được tích hợp thẻ vàng trên căn cước gắn chip.

Tính đến nay, Bộ Công an đã trả khoảng 45 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử tới tay người dân. Chip điện tử được tích hợp trong căn cước công dân gồm các trường thông tin cơ bản của công dân, có chứa thông tin sinh trắc học, ảnh chân dung và vân tay theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO. Tất cả các thông tin lưu trữ đều được bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.

Hiện Bộ Công an đang triển khai các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân gắn chip, phục vụ các mặt của đời sống xã hội và phục vụ nhân dân thực hiện các thủ tục, giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức.

Toà Oakwood Residence Hanoi số 17, ngõ 35 Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội bị phong tỏa tạm thời. (Nguồn: TTXVN)

Hà Nội sẵn sàng phương án 4 tại chỗ

Chiều 2/10, chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cho biết, từ ngày 21/9 đến ngày 30/9, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn giảm đáng kể, trung bình 5 ca mỗi ngày, số ca ngoài cộng đồng rất ít.

Tuy nhiên từ ngày 1/10, Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh phức tạp ở Bệnh viện Việt Đức, đến nay đã có 28 ca mắc, trong đó 22 ca ghi nhận tại Hà Nội và 6 ca tại các tỉnh, thành khác.

Nhấn mạnh nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, không được lơ là. Việc nới lỏng phải kèm theo siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm.

Nhiệm vụ cụ thể là: duy trì quản lý 55 chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố; các chốt tự quản ở khu dân cư, giám sát chặt di biến động, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm; tăng cường ý thức của người dân, không tụ tập đông người; thực hiện nghiêm phương châm: “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”…

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện 6 nhóm vấn đề trọng tâm: triển khai ngay phần mềm xét nghiệm đã được tập huấn; Sở Y tế hướng dẫn triển khai mô hình bác sĩ gia đình; đảm bảo thuốc, vật tư y tế; tin học hóa, từng bước số hóa hoạt động của trạm y tế; UBND các quận, huyện, thị xã, sở, ngành tiếp tục kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn một cách chủ động, không lơ là; chủ động phương án 4 tại chỗ để không bị động bất ngờ trong mọi tình huống..

Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội đã ghi nhận 4.261 ca mắc Covid-19, trong đó 1.317 ca tại cộng đồng, 1.890 ca trong khu cách ly tập trung và 789 ca tại khu vực phong tỏa. Trên địa bàn thành phố hiện còn 18/663 điểm phong tỏa, trong đó điểm phong tỏa lớn nhất hiện nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Hơn 10 ngày nay, lực lượng y tế làm việc xuyên đêm, không có ngày nghỉ với quyết tâm sớm khống chế được dịch bệnh. (Nguồn: CDC Hà Nam)

Hà Nam thêm 42 ca mắc Covid-19, trong đó có nhiều cán bộ y tế

Trong ngày 2/10, Hà Nam ghi nhận thêm 42 ca mắc Covid-19, trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, sáng 2/10 trên địa bàn ghi nhận 28 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong 28 trường hợp, có 11 trường hợp phát hiện qua lấy mẫu sàng lọc tại cơ sở y tế, còn lại các trường hợp khác được phát hiện ở khu cách ly và phong tỏa.

Kể từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, thành phố Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9, đến 18h ngày 2/10, tỉnh Hà Nam ghi nhận 398 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.

Trong số này có 3 bệnh nhân là cán bộ y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hà Nam và 1 bệnh nhân là cán bộ y tế huyện Thanh Liêm.

Chiều tối cùng ngày, CDC Hà Nam công bố thêm 14 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế gắn mã bệnh. Trong đó có đến 6 bệnh nhân là học sinh các trường tiểu học và THCS được phát hiện trong khu cách ly và khu vực đã phong tỏa.

Những ngày qua, dịch Covid-19 ở thành phố Phủ Lý bùng phát mạnh, nhiều trường học trên địa bàn được trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung. Rất nhiều cô giáo, nhân viên ngành giáo dục đã không quản ngại sự vất vả tình nguyện vào các khu cách ly tập trung hỗ trợ ngành y tế và lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương vận động người dân quay trở lại nơi tạm trú. (Nguồn: TTXVN)

Bình Dương ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động

Sau ngày 2/10, Bình Dương công bố mở cửa nhiều lĩnh vực sản xuất - dịch vụ; trong đó chú trọng khôi phục các hoạt động sản xuất công nghiệp tại nhiều khu công nghiệp.

Nhằm sớm khôi phục sản xuất, tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 phòng Covid-19 cho công nhân, người lao động. Đây là điều kiện quan trọng giúp các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất trong thời gian tới.

Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp thu hút hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đang làm việc tại hàng chục khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do dịch bệnh kéo dài, phần lớn doanh nghiệp ngừng sản xuất, công nhân nghỉ tránh dịch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, từ nay đến cuối tháng 10/2021, các doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký cần tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Theo đó, chính quyền tỉnh mong muốn người lao động, công nhân đang tạm trú tại Bình Dương hãy ở lại địa phương để đi làm; những người thật sự khó khăn vẫn được hỗ trợ bằng các chính sách an sinh xã hội.

Riêng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, không đảm bảo điều kiện sinh sống và làm việc trên địa bàn, thực sự có nguyện vọng về quê thì phải đảm bảo an toàn về sức khỏe, không mắc Covid-19 và có phiếu xác nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 (tiêm mũi 1 sau 14 ngày) hoặc giấy xác nhận đã điều trị khỏi bệnh (F0)...

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, trong ngày 2/10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.517 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ, giảm 270 ca so với ngày 1/10. Đây là ngày có số ca ghi nhận thấp nhất trong hơn 2 tháng qua.

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 214.360 ca mắc Covid-19, trong đó 2.044 ca tử vong. Hiện toàn tỉnh có 29.526 bệnh nhân đang điều trị.

Tính đến ngày 2/10, hầu hết người dân trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Lũy kế đến nay, Bình Dương đã tiêm 2.179.488 liều/3.205.850 liều vaccine phòng Covid-19 được phân bổ. Toàn tỉnh cũng vừa thành lập được 169 trạm y tế lưu động, trong đó có 21 trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp.

(tổng hợp)