📞

Covid-19 ở Việt Nam sáng 3/9: 6.443 ca nặng; TP. Hồ Chí Minh đề xuất mua thêm 2 loại thuốc của Nga; phương án giãn cách ở Hà Nội sau 6/9

Chu An 06:12 | 03/09/2021
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 486.727 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 55/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Tính từ 17h ngày 1/9 đến 17h ngày 2/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.197 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 13.186 ca ghi nhận trong nước tại 39 tỉnh, thành; trong đó có 7.255 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.757 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 595 ca, Bình Dương tăng 1.064 ca, Đồng Nai tăng 44 ca, Long An giảm 11 ca, Tiền Giang tăng 96 ca.

Covid-19 ở Việt Nam.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 486.727 ca nhiễm, đứng thứ 55/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.951 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 482.497 ca, trong đó có 256.550 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.

Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (232.585), Bình Dương (122.732), Đồng Nai (25.328), Long An (23.221), Tiền Giang (10.136).

Tình hình điều trị

Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 10.602

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 259.324

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.443 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ (4.145); Thở ô xy dòng cao HFNC (1.238); Thở máy không xâm lấn (176); Thở máy xâm lấn (858); ECMO (26)

Trong ngày 2/9, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 271 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 18h tối 2/9 là 12.138 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đề xuất mua thêm hai loại thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) Nguyễn Hoài Nam vừa ký văn bản khẩn về việc xem xét sử dụng thuốc Reamberin và Cytoflavin trong điều trị bệnh nhân Covid-19 gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Quản lý Dược.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Sở Y tế đã nhận được công văn số 3059/SNV-CTKT ngày 24/8/2021 của Sở Ngoại vụ về việc xem xét khả năng tiếp nhận viện trợ của Công ty Polysan (Nga). Theo đó, Công ty Polysan mong muốn viện trợ thuốc Reamberin và thuốc Cytoflavin để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Sở Y tế cho biết, thuốc Reamberin và thuốc Cytoflavin đã được sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Nga. Trong đó, thuốc Reamberin có chỉ định giảm oxy huyết và giải độc trong các trường hợp ngộ độc cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Còn thuốc Cytoflavin có chỉ định phòng chống đột quỵ thiếu máu cục giai đoạn cấp.

Sở Y tế đề xuất hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế xem xét bổ sung 2 thuốc trên vào phác đồ điều trị cho F0, để Thành phố tiếp nhận và đưa thuốc vào sử dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục Quản lý dược hỗ trợ.

Hiện TP.HCM đang sử dụng 2 loại thuốc kháng virus để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là Remdesivir và Molnupiravir.

Các gói thuốc TP. HCM đang sử dụng điều trị cho F0 đang cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. (Nguồn: Sở Y tế TP.HCM)

Sau ngày 6/9, giấy đi đường còn hiệu lực?

Chiều 2/9, UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.

Chủ trì buổi họp báo có ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Phạm Đức Hải.

Một trong những nội dung về hiệu lực của giấy đi đường sau thời điểm ngày 6/9 đã được ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an Thành phố thông tin tại cuộc họp báo.

Theo ông, đây là nội dung mà người dân và các phóng viên quan tâm. Ông Hà cho biết, việc này còn tùy theo tình hình và công tác giãn cách thế nào.

Theo ông Hà, nếu kéo dài giãn cách thì Công an Thành phố sẽ có phương án thuận lợi nhất, không gây thêm phiền hà cho người dân.

Về việc kiểm tra, kiểm soát quét QR, về cơ bản khi cầm điện thoại, tiếp xúc gần cũng có nguy cơ. Nhưng nguy cơ từ cán bộ công an lây cho người dân không cao, vì lực lượng làm việc đều thực hiện 5K, sát khuẩn thường xuyên.

Thông tin thêm về lưu lượng xe ra đường, không gây ùn tắc thì không có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ông cho rằng, quan trọng nhất là giãn cách nhà với nhà, người với người.

Còn lưu thông trên đường là để cung ứng hàng hóa, trong đó có việc vừa qua Công an Thành phố đã tăng thêm 20.000 giấy cho các nhân viên siêu thị, các phương án kiểm soát lưu thông luôn tính đến an toàn trong phòng, chống dịch, tránh nguy cơ lây lan.

Do đó, vấn đề an sinh cho dân hiện này cũng là vấn đề quan trọng cùng với công tác phòng, chống dịch.

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội tại vùng có dịch sau ngày 6/9

Sau đợt giãn cách thứ ba, Hà Nội tiếp tục giãn cách ở "vùng đỏ" và điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 với vùng “cam, xanh”.

Đây là một trong những nội dung thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống Covid-19, ban hành ngày 1/9.

Theo đó, sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Ba vùng gồm: nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, "vùng đỏ" có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc "ai đâu ở đó", dập dịch triệt để.

Tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn là "vùng xanh", thành phố điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ "vùng đỏ".

Ban Cán sự đảng UBND thành phố được giao chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức thực hiện phân vùng bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, khoa học, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, lương thực, trang thiết bị y tế... phục vụ phòng, chống dịch lâu dài.

Sở Xây dựng chủ trì lập các chốt cứng theo phương án phân vùng. Lực lượng liên ngành công an, quân đội, thanh tra giao thông tổ chức trực chốt 24/24/7.

(tổng hợp)