📞

Covid-19 ở Việt Nam sáng 5/9: Tin vui với ngoại giao vaccine, tín hiệu tích cực ở Bình Dương, Nam Định 'chặn' ổ dịch Hải Hậu

Chu Văn 06:12 | 05/09/2021
Việt Nam ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày giảm hơn so với trước, thêm nhiều cam kết hỗ trợ vaccine cho Việt Nam từ nước ngoài, TP. Hồ Chí Minh lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Thành phố...
Trong sáng 4/9, lực lượng y tế quận Hoàng Mai lấy 1.000 mẫu xét nghiệm cho người dân phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 511.170 ca nhiễm, đứng thứ 52/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 5.199 ca nhiễm).

Tính từ 17h ngày 3/9 đến 17h ngày 4/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.521 ca ghi nhận trong nước tại 39 tỉnh thành, với 4.734 ca cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 5.373 ca, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh giảm 4.395 ca, Bình Dương giảm 1.191 ca.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 506.912 ca.

Đến nay có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên và Vĩnh Phúc.

Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam và Hải Dương.

Về tình hình điều trị, trong ngày 4/9 có 11.848 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 282.516 trường hợp.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.572 ca

Tổng hợp số liệu bệnh nhân tử vong từ các Sở Y tế là 347 ca tử vong trong ngày 4/9, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Về tình hình tiêm chủng, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 21.046.279 liều, trong đó tiêm một mũi là 17.998.754 liều, tiêm mũi 2 là 3.047.525 liều.

Ngoại giao vaccine tiếp tục gặt hái "quả ngọt"

Ngày 4/9, Chính phủ Đức đã quyết định viện trợ khoảng 2,5 triệu liều vaccine Astra Zeneca để hỗ trợ Việt Nam chống dịch Covid-19. Trước đó, Chính phủ Đức cũng đã thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị bệnh và 20.000 máy đo nồng độ oxy.

Cho đến nay, viện trợ của Chính phủ Đức là sự hỗ trợ lớn nhất của một nước thành viên EU đối với Việt Nam.

Đây là kết quả của sự vận động tích cực ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư và điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nỗ lực vận động mà Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, các bộ, ngành và Cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức đã triển khai trong thời gian qua.

Trước đó, ngày 3/9, Chính phủ Nhật Bản quyết định viện trợ bổ sung vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam. Dự kiến số vaccine Nhật Bản viện trợ sẽ tới Việt Nam ngày 9/9.

Đến nay, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 3 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine.

Trong chiến lược vaccine này, ngoại giao vaccine là một mũi nhọn rất quan trọng, là giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa lâu dài nhằm bảo đảm nguồn vaccine để bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh bình thường.

Bản đồ vị trí các điểm bố trí chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở Hà Nội. (Nguồn: SK&ĐS)

Hà Nội: Công bố chi tiết việc lưu thông qua các vùng phòng, chống dịch

Ngày 4/9, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội ban hành Văn bản số 1469/TB-SGTVT thông báo phương án tổ chức giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua các vùng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Theo đó, phương án hướng dẫn tổ chức giao thông cho người dân ra vào Vùng 1: Đối với người và phương tiện tham gia giao thông (thuộc đối tượng "được phép mới ra đường") đi từ Vùng 1 ra vào Vùng 2 và ngược lại thông qua 6 chốt: Cầu Thăng Long, Cầu Nhật Tân, Cầu Long Biên, Cầu Chương Dương, Cầu Vĩnh Tuy; và Cầu Thanh Trì.

Đối với người và phương tiện tham gia giao thông (thuộc đối tượng "được phép mới ra đường") đi từ Vùng 1 ra vào Vùng 3 và ngược lại thông qua các chốt: Cống Liên Mạc, Cầu Diễn, Cầu Xuân Phương, Cầu Ngà, Cầu sông Đáy, Cầu An Lạc, Cầu 72II, Cầu Cù Sơn, Cầu Tân Phú, Cầu Mai Lĩnh, Ngã ba đê Tả Đáy, Cầu Thạch Bích, Cầu Khe Tang, Cầu Qua, Cầu Quán Gánh, Ngã ba đê Hữu Hồng - trạm bơm Hồng Vân.

Người và phương tiện tham gia giao thông lưu thông từ Vùng 1 sang Vùng 3 và ngược lại không được phép lưu thông qua 27 vị trí chốt cứng. Thời gian phân luồng: từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9.

Sở GTVT giao phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở GTVT theo dõi tình hình tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố, nếu có bất cập phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo Sở GTVT xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Yêu cầu Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông tại 21 chốt kiểm soát, bố trí hệ thống biển báo giao thông tại khu vực chốt bao gồm biển chốt kiểm dịch, biển luồng xanh, biển hạn chế tốc độ, biển báo hướng dẫn giao thông từ xa...

Đặc biệt, để tăng cường công tác an toàn giao thông tại các vị trí chốt trên tuyến đường có tốc độ phương tiện lưu thông cao, bổ sung các hệ thống thiết bị đảm bảo an toàn giao thông như gờ giảm tốc, chóp nón... và các thiết bị an toàn giao thông khác.

Tại 27 chốt cứng bố trí hệ thống biển báo giao thông tại khu vực chốt cứng bao gồm biển báo đường cấm, biển hướng dẫn giao thông... kết hợp sơn gờ giảm tốc tại 2 đầu vị trí chốt cứng. Thanh tra Sở GTVT bố trí lực lượng phối hợp với Công an Thành phố, công an quận, huyện, thị xã, chính quyền địa phương tại 52 vị trí chốt (do Công an Thành phố và UBND Quận - Huyện chủ trì).

Phòng Quản lý vận tải phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Công thương, Sở Y tế, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Công an thành phố xây dựng phương án bố trí "luồng xanh" cho xe vận chuyển hàng thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt.

TP. Hồ Chí Minh lập Ban Chỉ đạo mới

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Theo quyết định trên, ông Phan Văn Mãi sẽ làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố gồm ông Dương Anh Đức, Lê Hòa Bình, Ngô Minh Châu, Võ Văn Hoan và bà Phan Thị Thắng được phân công làm Phó Ban Chỉ đạo.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh gồm các thành viên là Giám đốc các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, LĐ-TB&XH, Tư pháp, Xây dựng cùng Chánh văn phòng UBND, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển, cùng Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh và ông Vũ Thành Tự Anh.

TP. Hồ Chí Minh đang là địa bàn nóng về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính từ 17h ngày 3/9 đến 17h ngày 4/9, Thành phố ghi nhận 4.104 ca mắc mới, giảm 4.395 ca so với ngày trước đó. Tổng số bệnh nhân Covid-19 tính đến nay là 245.708, trong đó 10.230 ca tử vong.

Bộ Y tế đề nghị tỉnh Nam Định khẩn trương điều tra dịch tễ ổ dịch Covid-19 ở Hải Hậu. (Nguồn: Báo Nam Định)

Bộ Y tế đề nghị Nam Định điều tra dịch tễ ổ dịch Covid-19 ở Hải Hậu

Bộ Y tế đã có công điện hỏa tốc gửi UBND tỉnh Nam Định về việc điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19.

Công văn của Bộ Y tế cho biết, qua tổ chức lấy mẫu test nhanh sàng lọc cho đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định vào ngày 31/8, Trung tâm y tế Hải Hậu đã ghi nhận 26 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định có 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là một số giáo viên, người nhà của giáo viên Trường mầm non Thị trấn Yên Định, đang sinh sống tại tổ dân phố số 2,3,4, thị trấn Yên Định và xóm 17 xã Hải Hưng, có tiền sử dịch tế đi lại và tiếp xúc phức tạp, khả năng lây nhiễm cao.

Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu.

Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế điện và đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo triển khai các nội dung, trong đó tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc, cách ly y tế kịp thời và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần.

Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các trường hợp nguy cơ (bao gồm: người thân; cán bộ, nhân viên Trường mầm non; người tiếp xúc gần,...) tiến hành xét nghiệm khẳng định và trả lời kết quả nhanh nhất.

Tổ chức giám sát chặt chẽ hàng ngày tình hình sức khỏe và tổ chức cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với tất cả trường hợp tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân mắc Covid-19.

Đồng thời, tổ chức khoanh vùng nhanh nơi bệnh nhân cư trú, sinh hoạt; tiến hành ngay việc xử lý khử trùng triệt để môi trường tại các địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở, làm việc; các phương tiện vận chuyển và các khu vực có liên quan theo đúng quy định tại hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch Covid-19.

Tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình, giám sát, cách ly y tế, xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây ra cộng đồng...

Bình Dương tính phương án cho người đã tiêm vaccine được ra đường

Tối 4/9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong 24 giờ qua, toàn tỉnh ghi nhận 2.485 ca mắc mới, giảm 32,4% (tương đương 1.192 ca) so với ngày hôm qua. Đáng chú ý, số ca qua sàng lọc trong cộng đồng đang có xu hướng giảm. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương.

Cũng trong ngày 4/9, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã giao ngành y tế phối hợp với công an tỉnh, các ngành có liên quan, tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 về phương án cho người dân ra đường, với trường hợp đã được tiêm 2 mũi và 1 mũi vaccine (đã tiêm 20 ngày).

Đến nay, Bình Dương đã tiêm hơn 1 triệu liều vaccine (gồm 1.017.741 mũi 1 và 45.313 mũi 2). Tỉnh đang triển khai tiêm một triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm được phân bổ.

Để đạt mục tiêu đến ngày 15/9 trở lại trạng thái "bình thường mới", Bình Dương đang đẩy chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19. Tỉnh đang phấn đấu tiêm 250.000 liều/ngày nhằm tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Theo Sở Y tế Bình Dương, trường hợp bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, xuất viện hiện nay cao hơn ca nhập viện. Với xu hướng này, tình hình chống dịch Covid-19 đang từng bước đạt hiệu quả tốt trên các phương diện.

Có được những kết quả này nhờ tỉnh đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0 trong cộng đồng; công tác thu dung điều trị, phân loại F0 ngay tại cơ sở, giảm thiểu ca bệnh nặng; tăng tốc tiêm vắc xin để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh...

Đợt dịch thứ 4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 128.893 ca mắc Covid-19, trong đó có 75.896 trường hợp được điều trị khỏi bệnh, xuất viện.

Người dân được tiêm vaccine Vero Cell tại điểm tiêm Trung tâm văn hóa phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)

Bắc Giang: Các F1 của nhân viên bệnh viện mắc Covid-19 có kết quả âm tính

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang chiều tối 4/9, qua truy vết, nữ nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang mắc Covid-19 không có yếu tố dịch tễ liên quan đến 2 ổ dịch phát sinh ngày 18/8 tại huyện Lục Ngạn và thành phố Bắc Giang.

Trong ngày 3 và 4/9, thành phố Bắc Giang đã khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan đến ca F0 này và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, kết quả tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính.

Theo nhận định, với việc phát sinh 1 ca F0 trong cộng đồng (chiều tối 2/9) mà chưa rõ nguồn lây, rất có thể trong những ngày tới sẽ có thêm các ca F0 liên quan đến trường hợp trên.

Cũng trong ngày 4/9, Bắc Giang có 6 bệnh nhân khỏi bệnh ra viện; hiện còn 27 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 1 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, từ ngày 12/7 đến nay, có 12.090 người về từ các tỉnh, thành phố có dịch.

Hôm nay (5/9), tỉnh Bắc Giang sẽ đón 608 công dân trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Toàn bộ chi phí vé máy bay sẽ do tỉnh Bắc Giang tài trợ từ nguồn ủng hộ của các doanh nghiệp và ngân sách địa phương.