Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 536.788 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 159/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.457 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 532.490 ca, trong đó có 298.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
Có 9 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai, Hưng Yên.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (258.536), Bình Dương (134.627), Đồng Nai (29.420), Long An (25.942), Tiền Giang (10.805).
Tính từ 17h ngày 5/9 đến 17h ngày 6/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.481 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 12.477 ca ghi nhận trong nước tại 39 tỉnh, thành, trong đó có 8.099 ca trong cộng đồng.
Như vậy, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 624 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 896 ca, Bình Dương giảm 1.346 ca, Đồng Nai giảm 372 ca, Long An tăng 101 ca, Tiền Giang tăng 101 ca.
Tình hình điều trị
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 6/9 là 9.730; tổng số ca được điều trị khỏi: 301.457.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.407 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ (4.128 ca); thở ô xy dòng cao HFNC (1.196); thở máy không xâm lấn (142); thở máy xâm lấn (909); ECMO (32)
Trong ngày 6/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 311 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.385 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Đề xuất điều kiện đi máy bay
Khách đi máy bay phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Đề xuất này được nêu trong văn bản dự thảo của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và các vướng mắc trong việc duy trì hoạt động hàng không.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hoạt động vận chuyển hàng không nội địa hiện chỉ còn các chuyến bay chở hàng hóa, các chuyến bay kết hợp chở hành khách với đối tượng là công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 và các trường hợp có văn bản đồng ý di biến động của các địa phương liên quan như chuyên chở công dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương, công dân di chuyển giữa hai địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trong kế hoạch tổ chức các đường bay nội địa thường lệ chở khách trong giai đoạn phòng, chống dịch, Cục Hàng không nêu 3 mục tiêu:
Cục Hàng không đề xuất 22 sân bay thuộc 21 tỉnh, thành phố chia nhóm theo mức độ giãn cách xã hội. Theo đó, nhóm A (vùng xanh) là sân bay thuộc các tỉnh, thành không có khu vực áp dụng giãn cách; nhóm B (vùng vàng) là sân bay thuộc các tỉnh giãn cách theo từng khu vực quận/huyện trở lên; nhóm C (vùng đỏ) là các sân bay thuộc các tỉnh thành đang áp dụng giãn cách toàn địa bàn.
Đáng chú ý, Cục Hàng không đưa ra đề xuất về điều kiện đi máy bay đối với hành khách theo chặng bay và vùng giãn cách. Cụ thể: Các chặng bay từ sân bay nhóm A (vùng xanh) đến nhóm còn lại sẽ không giới hạn hành khách, chỉ yêu cầu khách lên máy bay phải có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.
Chặng bay chiều từ nhóm B (vùng vàng) đến nhóm A, B và C; từ nhóm C (vùng đỏ) đến sân bay nhóm A, B áp dụng cho khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19. Những người này cần có xét nghiệm âm tính.
Cục Hàng không đề xuất trong dự thảo gửi Bộ Giao thông vận tải: "Các hành khách khác được đi chặng này cần đáp ứng các yêu cầu như có xét nghiệm âm tính và đáp ứng một trong các điều kiện: Giấy chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung; chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng đến thời điểm xuất phát; giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19".
Các chặng bay giữa các sân bay nhóm C (vùng đỏ) chỉ áp dụng đối với khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến. Hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Về triển khai kế hoạch, Cục Hàng không đề nghị cho các hãng hàng không Việt Nam đều được phép tổ chức mở bán, khai thác các đường bay nội địa với các yêu cầu, điều kiện nêu trên theo nhu cầu, không hạn chế về tần suất khai thác trên cơ sở slot được Cục Hàng không Việt Nam xác nhận.
Các hãng hàng không Việt Nam cần rà soát nguồn lực tàu bay, tổ bay, năng lực bảo dưỡng, sửa chữa… đảm bảo tổ chức thực hiện các đường bay theo Kế hoạch được duyệt.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, kế hoạch này sẽ được áp dụng ngay khi Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Hà Nội xét nghiệm toàn bộ dân cư
Tối 6/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công điện với nội dung: Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh trước ngày 15/9, đồng thời hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Để nhanh chóng kiểm soát tình hình, từ ngày 6 đến 12/9, thành phố xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân trên địa bàn.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. (Nguồn: DT) |
Trước đó, Hà Nội đã triển khai hai chiến dịch xét nghiệm diện rộng, đợt một trên 1,1 triệu người bằng kỹ thuật RT-PCR; đợt hai lấy thêm khoảng 200.000 mẫu, chia làm hai giai đoạn.
Trong chiến dịch xét nghiệm lần này, tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao, ngành y tế lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2 đến 3 ngày một lần; khu vực nguy cơ cao lấy mẫu xét nghiệm từ 5 đến 7 ngày một lần; các khu vực khác toàn bộ người dân được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất một lần.
Ngoài ra, người dân sẽ được hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát nhân viên y tế.
Sau khi hoàn thành việc xét nghiệm toàn thành phố, ngành y tế tiếp tục lấy mẫu để giám sát, đánh giá nguy cơ.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu trước ngày 15/9 hoàn thành tiêm mũi một vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên, trên cơ sở số vaccine được phân giao của Bộ y tế.
Tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi một đủ thời gian theo quy định; đặc biệt ưu tiên và lưu ý lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai...
120.000 quân nhân tham gia chống dịch
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), Bộ Quốc phòng đã điều động trên 120.000 cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ hỗ trợ cho các tỉnh, thành phía Nam chống dịch.
Thời gian qua, hơn 600 tổ quân y được triển khai về các trạm y tế phường, xã. Bộ Quốc phòng cũng đã thành lập 11 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 6.000 giường bệnh ở TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Hiện, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng duy trì khoảng 1.900 tổ chốt trên các tuyến biên giới, kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh; duy trì hàng nghìn tổ chốt trong nội địa làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phục vụ cách ly tập trung, khu phong tỏa...
Cùng với đó, Bộ tổ chức 8 kho bảo quản vaccine tại 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; đồng thời vận chuyển, phân phối khoảng 112 tấn vaccine trên phạm vi cả nước.