📞

Covid-19 sáng 15/2: Hà Nội báo động hơn 3.500 ca/ngày; Hải Dương có 49 ổ dịch; phụ huynh Hải Phòng nơm nớp lo âu khi con trở lại trường

Chu Văn 06:33 | 15/02/2022
Hà Nội báo động hơn 3.500 ca Covid-19/ngày, phụ huynh Hải Phòng nơm nớp lo lắng khi đưa con trở lại trường học, Hà Nam vượt 8.000 ca nhiễm, kích hoạt thêm cơ sở thu dung F0.
Nhiều biện pháp phòng dịch Covid-19 được triển khai để đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại là việc sau Tết. (Nguồn: SK&ĐS)

Trong 24h, kể từ 16h ngày 13/2 đến 16h ngày 14/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 29.413 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 29.403 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.031 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 20.924 ca trong cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.540.273 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 25.723 ca nhiễm).

Hải Phòng: Phụ huynh nơm nớp đưa con trở lại trường khi F0 học đường tăng

Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, sáng 14/2, học sinh bậc học Tiểu học, Mầm non ở Hải Phòng đã trở lại trường học. Tuy nhiên, không khí ngày đầu trở lại trường vô cùng ảm đạm khi có trường chỉ vài chục học sinh, có lớp không có học sinh nào.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GD&ĐT Hải Phòng, tính đến 11 giờ ngày 14/2, toàn thành phố có tỉ lệ học sinh tới trường rất thấp, trong đó 15% trẻ mầm non, 28% Tiểu học, 43% THCS tới trường.

Cũng theo BGH nhà trường, toàn trường hiện có 14 giáo viên nghỉ dạy trực tiếp, trong đó 4 giáo viên diện F0, 10 giáo viên diện F1, tiếp xúc gần có nguy cơ lây nhiễm cao. Việc áp dụng 2 hình thức dạy trực tiếp và online dù có vất vả cho giáo viên nhưng cũng là giải pháp tốt nhất hiện nay.

Tương tự, tại trường Tiểu học Nguyễn V.T (quận Lê Chân, Hải Phòng), ngày đầu trở lại trường có khoảng 30% học sinh đến lớp, có lớp chỉ 10 học sinh. Nhà trường đang áp dụng 2 hình thức trực tiếp và online. Đối với giáo viên nhà trường diện F0, F1, nhà trường bố trí cho dạy online nhằm đảm bảo an toàn cho cả cô và trò.

Theo chia sẻ của đa phần phụ huynh có con học tiểu học, mầm non: "Việc đưa con tới trường thời điểm sau kỳ nghỉ Tết là khá mạo hiểm. Nhóm các cháu độ tuổi này chưa được tiêm phòng vaccine, khi mắc Covid-19 sẽ lây cho người lớn vì các cháu cần có người chăm sóc. Việc học online đã kéo dài suốt mấy tháng nay, nếu có kéo thêm 2 tuần thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Học trực tiếp lúc này không an toàn chút nào".

Liên quan công tác đón học sinh trở lại trường học, bậc học THPT, THCS đón học sinh trở lại trường từ 7/2 đến nay, hầu hết trường nào cũng liên tiếp ghi nhận hàng chục F0 trong học sinh, giáo viên, chưa kể F1.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn ngành giáo dục có hơn 10.000 học sinh, giáo viên mắc Covid-19. Trước diễn biến dịch phức tạp khi số ca mắc trong trường tăng, nhiều trường đã linh hoạt, chủ động xây dựng chương trình dạy và học, chuyển phương án từ học trực tiếp sang trực tuyến tạm thời 1 tuần, được đông đảo huynh hưởng ứng, ghi nhận, đánh giá cao.

Hà Nam vượt 8.000 ca nhiễm, kích hoạt thêm cơ sở thu dung F0

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, trong ngày 14/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 201 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Qua đó nâng tổng số bệnh nhân trên địa bàn tỉnh ghi nhận đến thời điểm này lên 8.246 ca.

Qua đánh giá cấp độ dịch Covid-19 vừa cập nhật, toàn tỉnh Hà Nam có 4 xã, phường cấp độ 3 (nguy cơ cao) gồm: Liêm Chính (Phủ Lý); Đồng Văn, Duy Minh (Duy Tiên); Nguyễn Úy (Kim Bảng); 9 xã, phường, thị trấn cấp độ 2 (nguy cơ trung bình); 96 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp).

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần số ca F0 trên địa bàn tỉnh Hà Nam tăng mạnh. Hôm nay là ngày thứ 6 liên tiếp Hà Nam ghi nhận trên 200 F0. Hiện toàn tỉnh còn 3.859 ca mắc Covid-19 (2.425 bệnh nhân đang chờ cấp mã), trong đó 23 ca nặng phải chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Số bệnh nhân còn lại đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến của tỉnh, các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 trên địa bàn và điều trị tại nhà.

Do số F0 tăng nhanh nên Hà Nam đã chính thức đưa Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP Phủ Lý (đặt tại xã Tiên Hiệp) đi vào hoạt động. Như vậy tất cả 6/6 huyện, thị, thành phố của tỉnh Hà Nam đều có từ 1-2 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Riêng tại TP Phủ Lý (địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất toàn tỉnh Hà Nam với 1.847 bệnh nhân) hiện đang xây dựng các kịch bản, phương án sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch xảy ra trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục áp dụng biện pháp thu dung, điều trị F0 tại nhà, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, quản lý các trường hợp F0, F1.

Ngành y tế tỉnh Hà Nam đề nghị các cơ quan, tổ chức và người dân chủ động test tầm soát để phát hiện sớm F0 trong cộng đồng.

Hải Dương bùng dịch diện rộng, xuất hiện 49 ổ dịch

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh và có nhiều trường hợp tử vong. Riêng trong ngày hôm nay, địa phương này phát sinh thêm 1.915 bệnh nhân mới và 1 bệnh nhân tử vong.

Trong số những ca mắc nói trên, có 1.174 trường hợp F1, 446 ca ho sốt cộng đồng, 269 trường hợp sàng lọc cộng đồng, 4 bệnh nhân sàng lọc tại bệnh viện và 22 trường hợp về từ các tỉnh khác.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, đến hiện tại trên địa bàn có 49 ổ dịch Covid-19 xuất hiện ở 8 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố. Trong đó, huyện Kim Thành, Tứ Kỳ, thị xã Kinh Môn có số ổ dịch nhiều nhất.

Tại huyện Kim Thành đến hôm nay có 10 ổ dịch; trong đó 9 ổ dịch ở các xã gồm: Kim Anh, Kim Đính, Kim Tân, Tuấn Việt, Thượng Vũ, Kim Xuyên, Ngũ Phúc, Đại Đức, thị trấn Phú Thái và 1 ổ dịch công ty Leo Industries Far Eart VN (xã Tuấn Việt) với 162 ca mắc mới.

Thị xã Kinh Môn hiện có 9 ổ dịch với 164 bệnh nhân mắc mới tại các phường: Minh Tân, Hiến Thành, Thái Thịnh, Hiệp Sơn, An Lưu, Hiệp An, Long Xuyên, Minh Hòa, Phạm Thái.

Riêng huyện Tứ Kỳ có 6 ổ dịch phát sinh thêm 86 ca bệnh ở xã An Thanh, công ty GFT và 4 trường tiểu học: Đại Hợp, Phượng Kỳ, Hà Kỳ, An Thanh.

Trong ngày hôm nay, trên địa bàn Hải Dương tiếp tục ghi nhận 1 ca bệnh mắc Covid-19 tử vong. Trường hợp này là một cụ ông 85 tuổi ở xã Tân Việt (huyện Thanh Hà).

Bệnh nhân này là trường hợp F1 được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 ngày 7/2 và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà. Ca bệnh có tiền sử tâm phế mạn, chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. Đến 12/2 trường hợp này được chuyển đến Bệnh viện Phổi Hải Dương và vào rạng sáng nay, ca bệnh tử vong.

Cũng theo ngành Y tế Hải Dương, trong ngày hôm nay địa phương có 789 ca mắc Covid-19 khỏi bệnh xuất viện về nhà tiếp tục cách ly và hiện toàn tỉnh còn 12.218 trường hợp đang điều trị.

Nhiều địa phương triển khai đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc

Sau Tết, số ca mắc Covid-19 tại nhiều địa phương tăng cao, trong đó có nhiều lao động tại các khu công nghiệp. Để đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc, nhiều biện pháp phòng dịch đã được triển khai.

Từ 1/1/2022 đến nay, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 1002 ca mắc Covid-19 làm việc tại các khu công nghiệp, cụ thể: Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì có 459 ca bệnh thuộc 24 công ty; Khu công nghiệp Đồng Lạng có 43 ca tại 03 công ty; Khu công nghiệp Phú Hà có 485 ca bệnh tại 13 công ty; Khu công nghiệp Trung Hà có 16 ca bệnh tại 03 công ty…

Những ngày gần đây, số ca mắc ở địa phương này luôn ở con số 700-800 ca mắc mới mỗi ngày, riêng ngày 14/2 Phú Thọ ghi nhận hơn 1.000 ca Covid-19 mới. Trong số các ca bệnh ở tỉnh này có nhiều công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, nguy cơ lây nhiễm trong KCN rất cao.

Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc và thực hiện hiệu quả mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế", các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt thực hiện các biện pháp vừa khôi phục sản xuất, vừa phòng chống dịch.

Cụ thể: tổ chức test nhanh Covid-19 cho người lao động trước khi quay trở lại làm việc, có phương án bố trí thay thế trong dây chuyền sản xuất kinh doanh nếu chẳng may có F0. Chủ động các phương án phòng chống dịch đồng thời phối hợp với cơ quan y tế cũng như chính quyền địa phương để chủ động xử lý tình huống mỗi khi có ca mắc mới.

Yêu cầu người lao động phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, không được chủ quan, lơ là cũng như không được hoang mang, không tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng tại công ty, KCN và địa phương… Đồng thời thực hiện biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh tại khu nhà trọ, xe đưa đón công nhân.

Trong ngày 14/2, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 922 ca mắc Covid-19, trong đó có 173 ca mắc mới tại các khu công nghiệp.

Do vậy, để đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng phương án, bố trí khu vực lưu trú để quản lý, thu dung F0 không có triệu chứng là người lao động của đơn vị; đảm bảo tối thiểu cho 10% tổng số lao động.

Đồng thời lập danh sách, số lượng lao động đủ điều kiện tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi bổ sung, mũi nhắc lại gửi về Trung tâm Y tế huyện, thành phố nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn để phối hợp triển khai tiêm chủng ngay khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến người lao động thực hiện nghiêm 5K tại nơi làm việc cũng như nơi lưu trú đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương tập trung nhiều các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của cả nước, sau Tết lượng lao động từ các địa phương đổ về rất lớn đồng nghĩa với nguy cơ bùng dịch cũng rất cao.

Để đảm bảo an toàn cho người lao động và các hoạt động động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn, Sở Y tế Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn phương án xử trí F0 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN.

(tổng hợp)