📞

Covid-19 sáng 28/1: 14 địa phương ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron, Hà Nam vượt mốc 5.000 ca mắc

Chu Văn 09:48 | 28/01/2022
Bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 thần tốc xuyên Tết, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới đánh giá cấp độ dịch, chùm lây nhiễm Omicron trong cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh đã được kiểm soát.

Trong 24 giờ qua (từ 16h ngày 26/1 đến 16h ngày 27/1), Việt Nam ghi nhận 15.727 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 55 ca nhập cảnh và 15.672 ca ghi nhận trong nước (giảm 213 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.627 ca trong cộng đồng).

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. (Nguồn: TTXVN)

Đến nay, tại cả nước đã ghi nhận 166 ca mắc biến thể Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.203.208 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.320 ca nhiễm).

Hà Nội: Thêm 2.907 F0, trong đó 679 ca cộng đồng

Hà Nội tiếp tục kéo dài chuỗi ngày đứng đầu cả nước về số ca mắc mới hàng ngày. Tối 27/1, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 2.907 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 679 ca cộng đồng. Bệnh nhân phân bố tại 422 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Hà Nam vượt mốc 5.000 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch mới

Tối 27/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam công bố thêm 139 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong số đó, có 19 F0 liên quan đến những chùm ca bệnh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 21 F0 liên quan đến các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh; 06 bệnh nhân đi từ TP. Hà Hội về; 15 F0 có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi. Các trường hợp còn lại là F1 của các bệnh nhân đã được ghi nhận trước đó.

Tính từ ngày 19/9/2021 đến thời điểm hiện tại, Hà Nam ghi nhận 5.084 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 4.010 người đã khỏi bệnh. Trong những tháng đầu thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo NQ số 128 của Chính phủ, trung bình số ca mắc trong tuần trên địa bàn tỉnh Hà Nam luôn dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần. Tuy nhiên, sang những tuần đầu của năm 2022, trung bình số ca mắc trong tuần tăng (30 ca mắc ghi nhận trong cộng đồng/100.000 dân/tuần).

Nam Định: Vượt ngưỡng 400 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết, ngày 27/1, trên địa bàn tỉnh Nam Định ghi nhận 469 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó số 469 ca có hơn 300 ca cộng đồng.

Thái Bình: Ghi nhận 207 ca F0 mới

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, ngày 27/1, Thái Bình ghi nhận 207 ca mắc Covid-19 mới, trong đó khu cách ly y tế 174 ca; 33 ca tại cộng đồng đã xác định nguồn lây.

Thanh Hóa: 727 ca Covid-19

Ngày 27/1, Thanh Hóa ghi nhận 727 ca mắc Covid-19, trong đó có 237 ca cộng đồng, 223 ca phát hiện qua sàng lọc tại các cơ sở y tế, 267 trường hợp đang được cách ly theo quy định.

Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã ghi nhận 18.817 bệnh nhân Covid-19; 13.152 người điều trị khỏi, được ra viện; 22 bệnh nhân tử vong.

Nghệ An vượt mốc 13.000 F0

Tỉnh Nghệ An ghi nhận 299 trường hợp mắc Covid-19 mới, trong đó có 29 ca cộng đồng. Trong ngày có 250 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Đến nay địa phương này đã ghi nhận 13.247 F0, 10.927 trường hợp khỏi bệnh và xuất viện, 39 trường hợp tử vong, hiện còn 2.281 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới đánh giá cấp độ dịch Covid-19

Ngày 27/1, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 218/ BYT-QĐ Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Theo đó, với tiêu chí 1 bao gồm tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian, thay thế cho tiêu chí cũ chỉ có tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian.

Tiêu chí 2 về độ bao phủ vaccine và tiêu chí 3 về đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến vẫn giữ nguyên.

Về cách xác định các tiêu chí, Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng.

Trên cơ sở tham khảo các phương pháp đánh giá của các nước trên thế giới và đánh giá thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế hướng dẫn cách xác định các tiêu chí cụ thể như sau:

Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.

Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Tỷ lệ ca mắc mới được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90;>600).

Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người. Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy được phân theo 04 mức độ (mức 1: < 1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến 40, mức 4: >40).

Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy do Trung tâm Y tế cấp huyện tính toán và phân bố đến từng địa bàn cấp xã.

Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Yêu cầu chỉ số này không được vượt quá 6/100.000 dân trên địa bàn cấp xã. Chỉ số này là hệ quả của tổng hợp mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng, đồng thời đây là mục tiêu cần phải khống chế bằng được; do đó chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã.

Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chuẩn bị xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn.

Chùm lây nhiễm Omicron trong cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh đã được kiểm soát

Chiều 27/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) tổ chức buổi họp báo định kỳ nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đây là buổi họp báo cuối cùng, trước khi TP. Hồ Chí Minh cùng cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán 2022.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), cho biết, hiện tại, toàn địa bàn đã ghi nhận 92 ca nhiễm biến chủng Omicron. Trong đó, số trường hợp nhiễm Omicron trong cộng đồng vẫn là 5 ca đã công bố trước đó, những trường hợp còn lại là ca nhập cảnh.

"Số ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh vẫn dừng lại ở 5 ca và không tăng trong nhiều ngày qua. Có thể nói, thành phố đã tạm thời khống chế được chùm lây nhiễm này và không phát hiện thêm các trường hợp dương tính liên quan", lãnh đạo HCDC khẳng định.

Thông tin thêm về chùm lây nhiễm này, ông Nguyễn Hồng Tâm cho hay, ngành y đã truy vết 185 người tiếp xúc F1. Ngoài 5 ca bệnh đã công bố, những người này đã cho kết quả âm tính SARS-CoV-2.

Về tình hình sức khỏe các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, chỉ có một trường hợp có triệu chứng nặng. Tuy nhiên đến nay, người này đã ổn định lại và sức khỏe của cả 5 người nói trên đều tốt.

Về kế hoạch ứng phó với biến chủng mới Omicron, đại diện HCDC thông tin, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai thế trận y tế ứng phó với biến chủng này. Trong đó, thành phố đã tính toán các tình huống có thể xảy ra như phát hiện, giám sát, xét nghiệm người nhập cảnh tại sân bay, giải trình tự gene ngay khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết, đơn vị đã có tờ trình gửi Ban Chỉ đạo mở rộng hình thức cách ly người nhập cảnh dương tính SARS-CoV-2. Cụ thể, những trường hợp có triệu chứng nặng có thể được chuyển về bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng cao, người có triệu chứng trung bình sẽ được điều trị tại bệnh viện dã chiến số 12 hoặc bệnh viện tư nhân nếu có nhu cầu, bệnh nhân có triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly tại nhà nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thần tốc xuyên Tết

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, từ ngày 29/1 đến hết ngày 28/2, sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm.

Theo kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân của Bộ Y tế, chiến dịch được triển khai trên quy mô toàn quốc tại tất cả các xã, phường, thị trấn.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn, tuyệt đối không để lãng phí. Triển khai chiến dịch đảm bảo tiêm chủng theo đúng số lượng vaccine phòng Covid-19 đã được cấp, không được để lãng phí vaccine.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị quân đội, công an, y tế, giao thông vận tải… phối hợp trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Bộ Y tế nêu rõ, tổ chức tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các hướng dẫn của Bộ Y tế; Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai tiêm chủng bắt buộc cho cộng đồng.

Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp, trường học, nhà văn hoá,... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm. Bố trí cơ sở, đội cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng; Cơ sở tiêm chủng thực hiện tiêm chủng theo quy định...

(tổng hợp)