Trong 24 giờ qua (từ 16h ngày 28/12 đến 16h ngày 29/12), Việt Nam ghi nhận 13.889 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 16 ca nhập cảnh và 13.873 ca ghi nhận trong nước (giảm 548 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 8.853 ca trong cộng đồng).
Nhân viên y tế kiểm tra sức khoẻ cho F0 điều trị tại nhà. |
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.694.874 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.182 ca nhiễm).
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay): TP. Hồ Chí Minh (501.990), Bình Dương (290.468), Đồng Nai (97.380), Tây Ninh (73.398), Đồng Tháp (43.021).
Hải Phòng vượt mốc 1.000 ca dương tính SARS-CoV-2 trong 24 giờ
CDC Hải Phòng vừa công bố, trong ngày 29/12, toàn thành phố ghi nhận 1.006 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó chủ yếu là diện F1 chuyển thành F0 và xét nghiệm tự nguyện tại các cơ sở y tế.
Tính đến tối 29/12, toàn thành phố Hải Phòng đã có 8.717 ca, trong đó, hồi phục xuất viện 2.636 ca, đang điều trị 6.065 ca và 16 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh lan rộng và ngày một gia tăng khắp các quận huyện, ngành y tế Hải Phòng đã lên kế hoạch triển khai tiêm 845.000 liều vaccine ngừa Covid-19 bổ sung, nhắc lại cho người dân. Các trường hợp cần tiêm liều bổ sung gồm: người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng, người đã tiêm 2 mũi vaccine của hãng Sinopharm hoặc Sputnik V.
Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi tiêm liều bổ sung thì mới coi là hoàn thành liều cơ bản. Các trường hợp tiêm liều nhắc lại bao gồm người từ 18 tuổi trở lên có mặt trên địa bàn đã tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung; trong đó, ưu tiên tiêm trước cho nhóm người có bệnh nền, người từ 50 tuổi trở lên, nhân viên y tế.... Thời gian tiêm mũi nhắc lại là ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm 28 trường hợp nghi liên quan Omicron
Theo Dân trí, tối 29/12, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, đơn vị y tế đã lấy 28 mẫu xét nghiệm các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ liên quan Omicron, chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gene.
Trước đó, trưa 28/12, Bộ Y tế công bố ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Đây là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Đáng chú ý, theo điều tra có 165 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân này. Tất cả cũng đã được cách ly tập trung theo quy định. Trong đó, chủ yếu là người ở Hà Nội và 3 địa phương khác.
Việc siêu biến thể Omicron xuất hiện ở Việt Nam dấy lên lo ngại về một làn sóng Covid-19 mới trong bối cảnh tình hình dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội đang rất nóng.
Để tăng cường giám sát và phòng chống biến thể Omicron, Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ động giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến thể mới như: các quốc gia khu vực Nam Châu Phi và một số quốc gia khu vực châu Âu, thực hiện việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định.
Hà Nam lên phương án điều trị F0 tại nhà
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trong ngày 29/12 trên địa bàn ghi nhận 92 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đa phần các ca mắc mới đều liên quan đến ổ dịch tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.
Luỹ kế trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, Hà Nam ghi nhận 2.208 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp mã. Hiện toàn tỉnh còn 3.052 trường hợp F1 đang cách ly y tế (171 người cách ly tập trung và 2.881 cách ly tại nhà).
Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam, tình hình dịch trên địa bàn đã bước sang mức đáng báo động với số ca F0 có xu hướng tăng nhanh. Đáng chú ý là các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tuyến tỉnh, huyện của Hà Nam đều đã kín, quá tải, không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân.
Để đáp ứng việc điều trị, không để bệnh nhân Covid-19 xảy ra diễn biến bệnh xấu, tỉnh Hà Nam đã khẩn cấp chỉ đạo mở rộng, thành lập thêm các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố gấp rút triển khai việc cho F0 thể nhẹ điều trị tại nhà. Hiện, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng túi thuốc A và B để chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, tại cuộc họp ngày 29/12, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam đã tính đến các phương án như kích hoạt trạm y tế lưu động, thành lập khu thu dung tại chính doanh nghiệp, phát kít test nhanh và hướng dẫn cho công nhân để tự test tại nhà.
Sơn La phát hiện 29 học sinh dương tính với SARS-CoV-2
Trong quá trình xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch Covid-19 trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La đã phát hiện 58 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 29 trường hợp ở TP Sơn La là học sinh, được phát hiện tại cộng đồng.
Ngay sau đó, TP. Sơn La đã thực hiện đồng bộ các giải pháp điều tra truy vết, xét nghiệm những trường hợp liên quan; phong tỏa các khu vực có ca dương tính và tổ chức phun khử khuẩn...
Theo báo cáo nhanh, tính từ ngày 26/12 đến ngày 29/12, TP Sơn La đã ghi nhận 35 ca mắc Covid-19, trong đó 29 trường hợp là học sinh. Hiện, các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cơ sở cũ) tại tổ 4 phường Chiềng Lề.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La yêu cầu thành phố tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng; thực hiện tầm soát, xét nghiệm theo phương châm tầm soát rộng, phong tỏa hẹp, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh; chủ động phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh đảm bảo tốt nhất về điều kiện cơ sở vật chất khu điều trị F0 theo quy định.
Vaccine NanoCovax được hội đồng kết luận đạt yêu cầu hiệu lực bảo vệ
Sáng 29/12, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp lần thứ 3 để đánh giá hiệu lực bảo vệ qua thử nghiệm lâm sàng của vaccine Covid-19 NanoCovax, do Công ty Nanogen (TP. Hồ Chí Minh) sản xuất dựa trên các số liệu mới nhất.
Theo kết quả nghiên cứu qua giai đoạn 2 và giai đoạn 3 được báo cáo tại cuộc họp, vaccine NanoCovax làm giảm số mắc Covid-19, giảm nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong khi mắc Covid-19. Trong đó, hiệu lực bảo vệ tử vong của vaccine NanoCovax là 100%.
Hiệu lực bảo vệ của vaccine NanoCovax cũng giảm dần theo thời gian. Tính chung toàn thời gian, hiệu lực bảo vệ của NanoCovax (liều tiêm 25 mcg) đạt 52,1%, đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và FDA Mỹ.
Sau khi thảo luận dựa trên kết quả nghiên cứu và các dữ liệu bổ sung, 11/15 thành viên hội đồng bỏ phiếu chấp thuận về hiệu lực bảo vệ của vaccine NanoCovax, 2 phiếu đồng ý nhưng đề nghị bổ sung dữ liệu và 2 phiếu trắng.
Một thành viên hội đồng chuyên môn cho biết cuộc họp này Hội đồng Đạo đức chỉ bàn luận, bỏ phiếu về hiệu lực bảo vệ của vaccine NanoCovax với tiêu chí về tính an toàn, tính sinh miễn dịch đã được chấp thuận tại cuộc họp trước đó, hôm 16/12.
Dự kiến, trong tuần tới Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh Quốc gia sẽ gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế và Hội đồng tư vấn cấp phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc sẽ họp để xem xét đối với vaccine NanoCovax.
Ngày 20/12 vừa qua, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã thông tin liên quan đến kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine NanoCovax.
Theo đó, về tính an toàn, vaccine NanoCovax đạt yêu cầu về tính an toàn dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ ngày 30/11. Về tính sinh miễn dịch, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thống nhất, vaccine NanoCovax đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch.
Về hiệu quả bảo vệ Hội đồng thống nhất cần tiếp tục bổ sung dữ liệu các trường hợp mắc Covid-19 theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.