Chính phủ Nhật Bản cân nhắc có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 19 địa phương vào cuối tháng này trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến theo hướng tích cực. (Nguồn: Getty) |
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận 450.901 ca nhiễm mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 117.989 ca, tiếp theo là Anh với 31.564 ca và Thổ Nhĩ Kỳ 29.338 ca.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Mỹ là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất với 43.239.677 ca nhiễm, trong đó có 696.819 ca tử vong. Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 33.530.077 ca, trong đó có 445.801 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 21.247.667 ca nhiễm và 591.518 ca tử vong.
* Tại châu Mỹ
Kể từ ngày 1/10, Argentina sẽ nới lỏng một loạt hạn chế được áp dụng trong nhiều tháng qua để đối phó với đại dịch Covid-19, đồng thời mở trở lại các cửa khẩu biên giới và cho phép người dân các nước có chung đường biên giới được nhập cảnh mà không phải thực hiện các biện pháp cách ly bắt buộc.
Cùng với đó, nước này cũng dự kiến sẽ cho phép công dân từ tất cả các quốc gia nhập cảnh bình thường từ ngày 1/11.
Chương trình tiêm chủng đại trà của Argentina đang tiếp tục được đẩy mạnh, với 63,4% dân số được tiêm ít nhất là một mũi vaccine và 43,7% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Kể từ khi phát hiện những trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên hồi tháng 3/2020, đến nay, quốc gia Nam Mỹ đã ghi nhận hơn 5,2 triệu ca nhiễm, trong đó có 114.518 ca tử vong.
Trong khi đó, Canada đang gia hạn các biện pháp hạn chế đối với toàn bộ các chuyến bay thẳng chở khách thương mại và tư nhân đến từ Ấn Độ cho đến ngày 26/9.
Từ ngày 26/9, các hành khách có đủ điều kiện nhập cảnh vào Canada có thể lên các chuyến bay thẳng từ Ấn Độ với giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
* Tại châu Âu
Ngày 21/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã bàn giao robot khử trùng thứ 200 cho bệnh viện Consorci Corporació Sanitària Parc Taulí ở Barcelona (Tây Ban Nha).
Các robot do EC tặng giúp vệ sinh phòng bệnh nhân Covid-19 và là một phần trong hành động của EC nhằm giúp các bệnh viện trên khắp Liên minh châu Âu (EU) đối phó với ảnh hưởng của đại dịch.
Tại các bệnh viện ở Tây Ban Nha, 25 robot khử trùng đã làm việc cả ngày lẫn đêm kể từ tháng 2 vừa qua để chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Hầu như tất cả các nước thành viên EU hiện đã nhận được ít nhất một robot loại này, giúp khử trùng một phòng bệnh tiêu chuẩn trong vòng chưa đầy 15 phút, góp phần giảm tải cho nhân viên bệnh viện, bảo vệ họ và bệnh nhân tốt hơn trước nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn.
Hội đồng Y tế cấp cao của Vương quốc Bỉ đã cho phép tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba cho tất cả cư dân của các viện dưỡng lão và những người trên 85 tuổi.
Quyết định này nhằm bảo vệ người dân tốt hơn trước mối đe dọa của làn sóng lây nhiễm thứ 4.
* Tại châu Á
Chính phủ Nhật Bản cân nhắc có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 19 địa phương vào cuối tháng này trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo hướng tích cực.
Số ca mắc mới Covid-19 đang giảm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, chính phủ sẽ đưa ra quyết định đối với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hiện nay trước thời điểm hết hạn vào ngày 30/9.
Những chuyển biến tích cực trên phần lớn đến từ chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 đang được chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh.
Tính đến hết ngày 21/9, đã có khoảng 66,5% người dân nước này tiêm 1 mũi, trong đó 54,4% đã hoàn thành tiêm 2 mũi và trên 90% người cao tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi.
Liên quan tới vaccine, Cytiva, nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất vaccine của Mỹ, đã quyết định đầu tư 52,5 triệu USD vào Hàn Quốc trong 2 năm, bắt đầu từ năm 2022.
Cytiva cũng đã nộp báo cáo lên Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc về kế hoạch đầu tư từ năm 2022-2024 này.
Theo thỏa thuận, Cytiva sẽ sản xuất chất lỏng nuôi cấy tế bào ở Hàn Quốc trong bối cảnh nguyên liệu cần thiết để sản xuất vaccine đang bị thiếu hụt trên toàn thế giới do đại dịch.
Cùng ngày, Nội các Thái Lan đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật về bệnh truyền nhiễm năm 2015, để lấy làm cơ chế mới thay thế sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Tình trạng khẩn cấp, được ban bố theo sắc lệnh nói trên nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát của chính phủ, sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng này khi luật kiểm soát dịch bệnh sửa đổi dự kiến được ban hành.
Theo đó, việc sửa đổi luật là nhằm tăng cường hiệu quả của công tác kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh các nỗ lực ngăn chặn một đợt bùng phát mới nghiêm trọng.
Hiện số ca mắc mới ở nước này đang giảm dần, nhưng vẫn dao động ở mức khoảng 10.000 ca/ngày, do Thái Lan bắt đầu dỡ bỏ những hạn chế nhằm phục hồi nền kinh tế.
Tính đến sáng 22/9, Thái Lan ghi nhận thêm 11.252 ca mắc mới và 141 ca vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 1.511.357 ca, trong đó có 15.753 ca tử vong.
Thái Lan hiện là quốc gia có số lượng người được tiêm chủng ngừa Covid-19 nhiều thứ hai trong ASEAN, với khoảng 43,8% dân số được tiêm chủng ít nhất một mũi (tính đến ngày 20/9).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã "đánh bật" tất cả các biến thể khác trong nhóm biến thể gây quan ngại (VOC), trở thành biến thể chính gây ra các ca bệnh Covid-19 trên toàn cầu.
Hiện mỗi biến thể còn lại trong nhóm được WHO phân loại là VOC (gồm Alpha, Beta và Gamma) gây ra chưa đến 1% tổng số ca bệnh toàn cầu.
Trong khi đó, biến thể Delta thời gian qua đã biến ứng và thích nghi tốt, trở nên dễ lây lan hơn, đang "chèn ép" và dần thay thế tất cả các biến thể còn lại.
Theo WHO, Delta đã xuất hiện ở hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
| Đường hô hấp trên của trẻ em được 'kích hoạt trước' để chống lại Covid-19 Covid-19 sẽ bị tiêu diệt ngay khi xâm nhập vào cơ thể trẻ nhỏ trong khi người lớn sau 2 ngày mới phản ứng với ... |
| Đại sứ quán Việt Nam tại Đức: Quyết liệt, kiên trì, bền bỉ tiếp xúc trong ngoại giao vaccine Theo Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức vẫn vận động vaccine một cách ... |