📞

Covid-19 thế giới 7/9: Philippines lại lập đỉnh mới; Malaysia cảnh báo về biến thể Mu; Nhật Bản thông tin về ca tử vong sau tiêm vaccine Moderna

Việt Hà 12:46 | 07/09/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 222 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó có gần 4,6 triệu ca tử vong và hơn 198,5 triệu bệnh nhân bình phục.
Hiện 95% số tỉnh, thành ở Philippines đang được đặt trong tình trạng báo động cấp độ 3 và 4, trong khi hệ thống y tế tại hơn 50% khu vực có rủi ro cao.

Tình hình dịch Covid-19

* Khu vực Bắc Mỹ hiện ghi nhận hơn 49 triệu ca mắc, trong đó có 1.010.253 người tử vong. Đáng chú ý, Mỹ chiếm hơn 81% số người mắc bệnh và gần 66% số người tử vong.

So với thế giới, Mỹ cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, khi số ca mắc chiếm hơn 18% tổng số ca mắc trên toàn cầu và số ca tử vong chiếm gần 14%.

* Ở khu vực Nam Mỹ, hiện có gần 37,1 triệu bệnh nhân Covid-19, trong đó có 1.135.985 người không qua khỏi. Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ ba thế giới và thứ nhất tại khu vực, với hơn 20 triệu người nhiễm bệnh và 583.866 ca tử vong.

* Tại châu Âu, hơn 56 triệu người nhiễm bệnh đã được ghi nhận, trong đó có 1.182.305 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 20.962 ca mắc mới, đưa tổng số ca bệnh lên 6.519.016, trong đó có 58.377 người tử vong, tăng 271 ca.

Từ ngày 6/9, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu bắt buộc xét nghiệm PCR đối với những người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 khi tham dự các sự kiện giải trí công cộng, với giáo viên, nhân viên làm việc tại các bộ phận trong trường học và sinh viên đại học.

Đối với những người đi lại bằng phương tiện công cộng giữa các tỉnh, nhà chức trách yêu cầu trình chứng nhận đã tiêm ít nhất hai mũi vaccine ngừa Covid-19 hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà ngừa Covid-19 vào ngày 14/1 sau khi nhà chức trách phê duyệt sử dụng khẩn cấp đối với vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc). Cho đến nay, hơn 49,94 triệu người nước này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó có hơn 38,62 triệu người đã tiêm hai mũi.

Tại Phần Lan, Thủ tướng Sanna Marin có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 khi 80% dân số trên 12 tuổi tiêm chủng đầy đủ.

Tính đến ngày 6/9, Phần Lan có 53,2% dân số trên 12 tuổi đã tiêm đủ hai mũi và 72,4% đã tiêm ít nhất một mũi. Chính phủ ước tính đến giữa tháng 10 tới có thể đạt tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức 80% dân số.

* Tại châu Á, đến nay, đã có hơn 71,5 triệu bệnh nhân mắc Covid-19 được ghi nhận, trong đó có 1.057.788 người thiệt mạng.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in cho biết, khả năng nước này sẽ có sự điều chỉnh lớn trong chiến lược chống dịch Covid-19 căn cứ vào tiến độ tiêm chủng vaccine hiện nay.

Nếu tỷ lệ tiêm vaccine tiếp tục tăng và nếu tình hình dịch bớt căng thẳng, Hàn Quốc sẽ có thể xem xét chuyển sang hệ thống kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh mới phù hợp với cuộc sống của người dân và tới gần mức bình thường như trước.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho rằng, để xem xét triển khai hệ thống kiểm dịch mới, hơn 80% dân số (và hơn 90% người cao tuổi) cần phải được tiêm phòng ngừa Covid-19 đầy đủ.

Trong khi đó, dịch bệnh chưa có dấu hiệu tạm lắng tại Đông Nam Á.

Ngày 6/9, Philippines ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng cao nhất từ trước đến nay, với 22.415 ca, đưa tổng số ca mắc lên 2.103.331. Đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc mới ở nước này vượt ngưỡng 20.000 ca.

Vùng đô thị Manila và các khu vực phụ cận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chủ yếu do sự lây lan biến thể Delta. Hiện 95% số tỉnh, thành ở Philippines đang được đặt trong tình trạng báo động cấp độ 3 và 4, trong khi hệ thống y tế tại hơn 50% khu vực có rủi ro cao.

Cùng ngày, Campuchia có 528 ca mới và 13 ca tử vong vì dịch Covid-19, trong đó có 340 ca lây nhiễm cộng đồng. Số ca nhập cảnh vẫn ở mức cao khi lao động Campuchia tại Thái Lan tiếp tục đổ về nước.

Cho đến nay, Campuchia có tổng cộng 95.828 ca mắc Covid-19, trong đó 91.131 người đã khỏi bệnh và 1.970 người tử vong.

Tại Thái Lan, số ca mắc mới trong ngày 6/9 đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 14.000 ca, cụ thể là 13.988 ca, sau khi đạt đỉnh 23.418 ca hôm 13/8.

Tuy nhiên, Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 của chính phủ (CCSA) cảnh báo về một đợt lây nhiễm mới vào tháng tới nếu người dân lơ là cảnh giác do các hạn chế được nới lỏng và số ca mắc mới ngày càng giảm.

Trong khi đó, giới chuyên gia y tế Malaysia ngày 6/9 cũng cảnh báo cần theo dõi chặt chẽ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Mu vì biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn, độc lực mạnh hơn và có thể vô hiệu hóa vaccine ngừa Covid-19.

Biến thể Mu, còn được gọi là biến thể B.1.621, lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia vào tháng 1. Giáo sư dịch tễ học, Tiến sĩ Awang Bulgiba Awang Mahmud của Đại học Malaya cho biết, mặc dù biến thể Mu có thể không phải là Biến thể có hậu quả nghiêm trọng (VOHC), song biến thể này vẫn có thể tàn phá cơ thể bằng cách dễ lây nhiễm hơn hoặc độc hại hơn.

Vaccine và tiêm chủng

Ngày 6/9, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine phòng chống Covid-19 cho trẻ em từ 2-11 tuổi.

Cuba bắt đầu chiến dịch này vào đúng ngày khai giảng năm học mới tại tỉnh miền Trung Cienfuegos, với loại vaccine tự sản xuất Soberana 02 cùng lô trình 3 liều tiêm. Trước đó 1 ngày, nước này cũng đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12-18 tuổi.

Tại Chile, Viện Y tế (ISP) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine ngừa Covid-19 của công ty Trung Quốc Sinovac cho trẻ em từ 6-12 tuổi.

Dù mới bắt đầu khởi động kế hoạch tiêm vaccine từ đầu tháng 2 năm nay, song đến nay đã có hơn 13 triệu người dân Chile từ 12 tuổi trở lên hoàn tất 2 mũi tiêm theo quy định, tương đương với 86% dân số.

Ngoài ra, có khoảng 1,8 triệu người Chile tiêm đủ 2 mũi đã được tiêm bổ sung thêm một mũi thứ 3.

Thái Lan đã đi được nửa chặng đường tiến tới miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19, với 25,2 triệu người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, trong đó 10 triệu người đã tiêm đầy đủ 2 mũi.

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 của chính phủ Thái Lan (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho rằng, cần thêm 25 triệu người nữa được tiêm vaccine để đạt được mục tiêu 70% dân số được tiêm mũi vaccine đầu tiên nhằm tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Tại Indonesia, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, đến nay quốc gia này đã tiếp nhận tổng cộng 225,4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, gồm 188,9 triệu liều vaccine của Sinovac, 19,5 triệu liều vaccine của Astrazeneca, 8 triệu liều vaccine của Moderna, 2,75 triệu liều vaccine của Pfizer và 8,25 triệu liều vaccine của Sinopharm.

Indonesia khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19 vào ngày 13/1 và cho đến nay, 105,6 triệu người đã được tiêm, trong đó gần 38,5 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi.

Truyền thông Iran dẫn lời người đứng đầu Viện nghiên cứu vaccine và huyết thanh Razi Ali Es’haghi cho biết, nước này bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và cũng là giai đoạn cuối của vaccine Covid-19 có tên Razi Cov Pars sản xuất trong nước.

Quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine Razi Cov Pars có hơn 40.000 tình nguyện viên tham gia. Dự kiến, sau khi hoàn tất thử nghiệm, Iran sẽ sản xuất khoảng 20 triệu liều vaccine Razi Cov Pars kể từ mùa Đông tới.

Ngày 6/9, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho hay, một người đàn ông 49 tuổi ở nước này đã tử vong sau khi được tiêm một liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng Moderna Inc.

Theo MHLW, người đàn ông này có tiền sử dị ứng với kiều mạch. Ông được tiêm liều vaccine thứ 2 vào ngày 11/8 và tử vong vào sáng hôm sau.

Liều vaccine sử dụng để tiêm cho người đàn ông này thuộc một trong 3 lô thuộc diện thu hồi. Người ta vẫn chưa phát hiện bất cứ mối liên hệ nào giữa việc tiêm vaccine và trường hợp tử vong này.

Hiện nay, giới chức Nhật Bản đang điều tra nguyên nhân vụ việc.