📞

Covid-19 thế giới 8/10: Mục tiêu tiêm chủng toàn cầu vào giữa năm 2022; số ca mới của Nga lập đỉnh; phương pháp xét nghiệm PCR mới không 'ngoáy mũi'

Huy Vũ 11:57 | 08/10/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 237,5 triệu người mắc Covid-19, trong đó có xấp xỉ 4,85 triệu ca tử vong và hơn 214,6 triệu bệnh nhân bình phục.
Xét nghiệm PCR dùng tăm bông lấy dịch mũi khiến đa số mọi người đều cảm thấy khá khó chịu. Trong ảnh là nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho trẻ em ở Israel. (Nguồn: Flash90)

* Tại châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhất thế giới, khi số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua tại nước này ở mức cao nhất thế giới với lần lượt là 99.708 ca và 1.680 ca.

Trước bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định yêu cầu tiêm chủng bắt buộc là một công cụ hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch.

Ngày 7/10, hai công ty dược Pfizer Inc và BioNTech của Mỹ cho biết đã đề nghị các cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của những công ty này cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

* Tại châu Á

Indonesia đang chuẩn bị triển khai lộ trình “bình thường mới” khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Các điều kiện tiên quyết bao gồm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng ở Indonesia là tiêm chủng được 2,5 triệu liều mỗi ngày và số ca mắc mới ở mức dưới 5.000 ca/ngày.

Chiến lược chống dịch xử lý ở cả gốc và ngọn của Indonesia đã chứng minh được hiệu quả, thể hiện qua hệ số lây truyền (Rt) ở mức 0,6, thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu và Rt của các nước khác.

Indonesia đang nỗ lực hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM), tăng cường xét nghiệm và truy vết, đồng thời tăng tốc tiêm chủng đã giúp giảm 94,59% số bệnh nhân Covid-19 so với mức đỉnh ngày 24/7 và giảm 53,81% trong hai tuần qua.

Trong khi đó, Thái Lan coi kế hoạch thu hút 1 triệu khách du lịch chất lượng vào quý I/2022 là một chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau gần hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và một số điểm du lịch khác từ tháng 11 tới.

Thái Lan đặt mục tiêu tạo ra doanh thu từ du lịch nội địa ít nhất 882 tỷ Baht trong năm tới với việc tung ra các biện pháp nhằm vực dậy lĩnh vực đang gặp khó khăn này sau khi lượng khách nước ngoài sụt giảm nghiêm trọng.

* Tại châu Âu

Trong hai ngày 5-6/10, Czech liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới/ngày, mức cao nhất kể từ giữa tháng 5.

Đáng chú ý, hơn 75% số ca nhập viện gần đây là những người chưa tiêm vaccine. Hiện dịch bệnh đang lây lan nhanh nhất ở những người dưới 20 tuổi chưa tiêm vaccine.

Trong khi đó, Anh và Italy tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, trên toàn nước Nga ghi nhận 27.550 trường hợp mắc mới Covid-19, nâng số ca mắc trên cả nước lên gần 7,7 triệu ca. Đây là số ca mắc mới cao nhất được ghi nhận kể từ ngày 31/12 năm ngoái.

Trong khi đó, số ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua là 924 trường hợp, đã giảm so với một ngày trước đó là 929 trường hợp.

Anh thông báo từ ngày 11/10 tới sẽ dỡ bỏ yêu cầu cách ly phòng dịch đối với du khách đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nằm trong "danh sách đỏ", trong đó có Nam Phi và Thái Lan, đồng thời nới lỏng các quy định đối với một số nước, trong đó có Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là động thái mới nhất của Anh trong việc tiếp tục nới lỏng các quy định hạn chế phòng dịch nhằm hỗ trợ ngành du lịch.

Đến nay, Anh ghi nhận tổng cộng 8.046.390 ca mắc, trong đó có 137.417 trường hợp tử vong và 6.560.683 bệnh nhân bình phục hoàn toàn.

Tương tự, chính phủ Italy đã phê chuẩn sắc lệnh cho phép tăng số người tham dự tối đa tại các địa điểm văn hóa và thể thao, qua đó tiếp tục nới lỏng dần các hạn chế phòng dịch.

Tuy nhiên, chỉ những người có thẻ xanh, giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc hồi phục sau khi mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, mới được phép tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao và vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố mới đây của một nhóm nhà khoa học Bỉ, việc mở rộng xét nghiệm và truy vết đã mang lại hiệu quả nhiều hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Ngày 7/10, Ukraine đã ra quy định bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 đối với giáo viên và một số công chức nhà nước trong bối cảnh nước này ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm tăng và tiến độ tiêm chủng chậm chạp.

Đến nay, Ukraine ghi nhận hơn 2,4 triệu ca mắc, trên 57.000 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, và chỉ 16% dân số đã hoàn thành tiêm chủng.

* Tại Trung Đông-châu Phi

Bộ Y tế Israel đã công bố chương trình thử nghiệm phương pháp xét nghiệm PCR nhằm phát hiện bệnh Covid-19 qua mẫu nước bọt, thay vì dùng tăm bông lấy dịch mũi khiến đa số mọi người đều cảm thấy khá khó chịu như hiện nay.

Phương pháp xét nghiệm Covid-19 mới cũng sẽ cho kết quả nhanh hơn, chỉ mất khoảng 45 phút.

Xét nghiệm PRC bằng nước bọt đã được đưa vào thử nghiệm kể từ tuần này tại trạm xét nghiệm lưu động ở quảng trường Rabin, trung tâm thành phố Tel Aviv, và sẽ kéo dài trong nửa tháng.

Ngày 7/10, Burundi thông báo sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng sau khi tiếp nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên trong vài tuần tới.

Burundi cùng với Eritrea và Triều Tiên là những nước cuối cùng trên thế giới chưa tiến hành tiêm chủng phòng Covid-19.

Theo số liệu mới nhất được chính phủ Burundi công bố hồi tháng 6, nước này có 5.723 ca mắc Covid-19, trong đó có 8 ca tử vong.

* Ngày 7/10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố một sáng kiến của WHO nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa Covid-19 vào giữa năm 2022.

Nhằm đảm bảo sức khỏe của cộng đồng, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tài trợ 8 tỷ USD để tiêm chủng công bằng cho 40% dân số thế giới cho đến cuối năm nay..

Ông Guterres đã kêu gọi các nước giàu trong Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra cam kết "cả thế giới đều được tiêm chủng" tại hội nghị thượng đỉnh của G20 sắp diễn ra vào cuối tháng này tại Rome (Italy).

(tổng hợp)