Campuchia không chuyển các bệnh nhân mắc Covid-19 từ các địa phương về thủ đô Phnom Penh, mà đưa bệnh nhân tới các bệnh viện đã được chỉ định là nơi điều trị tại tỉnh. (Nguồn: Phnom Penh Post) |
Báo Phnom Penh Post dẫn lời ông Hun Sen đánh giá: “Sau kỳ nghỉ lễ Pchum Ben, khi người dân di chuyển tới rất nhiều nơi, chúng ta thấy rằng số ca nhiễm mới không tăng mà thay vào đó lại giảm, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức ổn định và có xu hướng giảm dần".
Theo Thủ tướng Hun Sen, đây là minh chứng cho thành công của Campuchia trước khi mở cửa hoạt động toàn bộ các lĩnh vực của đất nước.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Campuchia cũng yêu cầu người dân cảnh giác bởi chưa có dấu hiệu cho thấy đại dịch sẽ sớm kết thúc. Ông cũng cảnh báo hầu hết những bệnh nhân tử vong do mắc Covid-19 trong thời gian qua thuộc nhóm có bệnh nền và chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Thủ tướng Hun Sen dẫn chứng chỉ riêng trong ngày 18/10, 8 trong số 12 ca tử vong do Covid-19 là những người chưa tiêm phòng.
Ông nhấn mạnh những dữ kiện này cho thấy "vaccine chính là pháo đài vững chắc bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm các ca lây nhiễm và ngăn ngừa những trường hợp nguy kịch".
Nhà lãnh đạo Campuchia cũng kêu gọi người dân chưa tiêm phòng đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm, đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền nhanh chóng đưa vaccine trực tiếp tới người dân ở những khu vực nông thôn xa xôi còn gặp khó khăn trong việc đi lại.
Trong định hướng mới về phân cấp điều trị, Thủ tướng Hun Sen đề nghị không chuyển các bệnh nhân mắc Covid-19 từ các địa phương về thủ đô Phnom Penh, mà thay vào đó, bệnh nhân có thể được đưa tới các bệnh viện đã được chỉ định là nơi điều trị Covid-19 tại tỉnh. Việc đưa các bệnh nhân này về thủ đô sẽ gây nguy cơ lây nhiễm lớn và dẫn tới tình trạng nguy kịch.
Thủ tướng Campuchia kết luận rằng hiện là lúc thích ứng với trạng thái bình thường mới của cuộc sống trong bối cảnh dịch Covid-19 còn kéo dài.
Ông Hun Sen cũng kêu gọi sự đoàn kết của cả cộng đồng xã hội, không phân biệt đối xử những người mắc bệnh và điều trị tại nhà, mà những bệnh nhân này cần được động viên tinh thần để mau chóng bình phục.
Liên quan tình hình dịch bệnh, theo nhận định của giới chức và các chuyên gia Nga, nguyên nhân khiến số ca mắc và tử vong vì dịch Covid-19 tại nước này liên tục ở mức cao trong thời gian gần đây là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 trong cộng đồng nước này còn thấp bởi tâm lý lo ngại tiêm vaccine của người dân.
Kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng 12/2020 đến nay, khoảng 43 triệu người Nga (tương đương 29% trong tổng số gần 146 triệu dân số) đã hoàn thành tiêm chủng trong khi gần 33% đã được tiêm một mũi vaccine.
Giới chức Nga đã nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng bằng cách đưa ra nhiều sáng kiến khuyến khích người dân tiêm chủng như quay xổ số, thưởng tiền.... Tuy nhiên, tâm lý lo ngại về tiêm vaccine cũng như sự xuất hiện rộng rãi các loại chứng nhận tiêm vaccine giả đã làm giảm những nỗ lực này của chính phủ.
Theo Giáo sư chuyên ngành virus học, Khoa Y sinh, Đại học Tổng hợp Moscow Alexei Agranovsky, rất nhiều người dân Nga đang tìm cách tránh phải đi tiêm vaccine bằng cách mua các chứng nhận giả đã tiêm vaccine từ nhiều nguồn khác nhau.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Tiến sĩ Tatiana Solomatin cho rằng nhiều người dân Nga đang có tâm lý chủ quan không muốn tiêm vaccine phòng Covid-19 kể cả dịch bệnh lan rộng.
Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đẩy mạnh việc thông tin cho người dân về lợi ích của việc tiêm vaccine. Thông tin về vaccine phòng Covid-19 cần được phổ biến mọi nơi, mọi lúc”.
Về vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuần trước nhấn mạnh, việc các cá nhân từ chối và tránh né tiêm vaccine là hành vi “vô trách nhiệm” với cộng đồng.
Theo số liệu của trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 19/10 (theo giờ Việt Nam), Nga là quốc gia có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao thứ 5 trên thế giới với 8.027.012 ca mắc và 224.310 ca tử vong.