Tổng thống Nga Putin đến thăm một bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở ngoại ô Moscow hồi tháng 3/2020. (Nguồn: Sputnik) |
Nga dự kiến xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi
Ngày 24/11, Nga thông báo những tiến bộ trong việc bào chế vaccine ngừa Covid-19, trong đó có vaccine Sputnik phiên bản dành cho trẻ em và dạng xịt mũi mà Tổng thống Vladimir Putin đã dùng làm liều tăng cường.
Tổng thống Putin cho biết, ông đã tiêm liều vaccine tăng cường vào tuần trước, sau 6 tháng tiêm 2 liều vaccine Sputnik V, sau đó sử dụng thêm loại vaccine dạng xịt mũi nói trên.
Nhà lãnh đạo cho biết không gặp vấn đề gì về sức khỏe sau khi sử dụng các vaccine trên.
Cùng ngày, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tuyên bố, nước này có kế hoạch xuất khẩu vaccine dạng xịt mũi nói trên cho các quốc gia khác vào năm sau.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cho biết Bộ Y tế nước này sẽ đăng ký loại vaccine Sputnik M mới dành cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Dự kiến, loại vaccine này sẽ được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 12. (TASS)
EU công nhận chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 của 51 quốc gia, vùng lãnh thổ
Ngày 24/11, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định công nhận các chứng chỉ xanh về Covid-19 do Togo và Singapore cấp là tương đương với chứng chỉ của châu Âu.
Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Didier Reynders bày tỏ vui mừng khi "có quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và quốc gia đầu tiên ở châu Phi cận Sahara được kết nối với về chứng chỉ số với hệ thống của EU".
Như vậy, cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết thỏa thuận công nhận tương đương chứng chỉ xanh kỹ thuật số về Covid-19 với 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên năm lục địa, trong đó có các quốc gia bên ngoài EU như Vương quốc Anh, Thụy Sỹ, Na Uy, Serbia, Ukraine, Albania, Bắc Macedonia hoặc thậm chí các quốc gia nhỏ như Monaco và Andorra.
Thổ Nhĩ Kỳ, Panama, Morocco, Israel, Armenia và Gluzia cũng gia nhập hệ thống chứng chỉ xanh của EU về Covid-19.
Việc du lịch của công dân các nước thành viên EU đến các quốc gia được EU công nhận chứng chỉ xanh về Covid-19 sẽ dễ dàng hơn. (Business Times)
Italy dự kiến tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi từ tháng 12
Ngày 24/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Pierpaolo Sileri tuyên bố, nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi từ tháng 12.
Trước đó, sáng 24/11, ông Giorgio Palù, người đứng đầu cơ quan quản lý dược phẩm Italy (AIFA), cho biết nước này có thể cấp phép cho các loại vaccine dành cho trẻ 5-11 tuổi sớm nhất là vào ngày 29/11, nếu Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ra quyết định về vấn đề trên trong tuần này.
Cùng ngày, 20 thị trấn nhỏ thuộc tỉnh tự trị Nam Tyrol, miền Bắc Italy đã phải đóng cửa một phần nhằm cố gắng ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 và cứu vãn mùa du lịch mùa đông ở một trong những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất Italy, thấp hơn mức trung bình quốc gia 5-10%. (Italy 24 News)
WHO cảnh báo không nên dựa vào vaccine mà lơ là phòng dịch
Ngày 24/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng, mọi người không nên quá phụ thuộc vào việc tiêm phòng mà lơ là các biện pháp bảo vệ khác và kêu gọi những người đã tiêm phòng tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Lưu ý số ca mắc mới và tử vong ở châu Âu tiếp tục chiếm hơn 60% các ca trên toàn cầu vào tuần trước, trong khi biểu đồ số ca mắc đi lên theo hướng thẳng đứng, WHO bày tỏ lo ngại về việc người dân lầm tưởng rằng đại dịch đã chấm dứt sau khi có vaccine và những người đã tiêm phòng không cần đề phòng nữa.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định vaccine có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm.
Các dữ liệu chỉ ra rằng, trước khi biến thể Delta xuất hiện, trung bình các loại vaccine giúp giảm khoảng 60% nguy cơ lây nhiễm và khi Delta xuất hiện thì tỷ lệ này giảm xuống còn 40%. (AFP)