📞

Covid-19: Vì sao thế giới chưa thể sản xuất vaccine nhanh hơn?

Thành Nhân 15:54 | 05/10/2020
TGVN. Để kiểm soát đại dịch Covid-19, nhân loại cần phải có sẵn các chủng loại vaccine cho mọi quốc gia bất kể giàu hay nghèo với tốc độ tiến hành nhanh chóng. Tuy nhiên, sự đột phá về dược phẩm thường là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài mang tính cạnh tranh, bí mật và các thử nghiệm lâm sàng rộng rãi.
Công nghệ y sinh được coi là những ngành có quy định nghiêm ngặt nhất. (Nguồn: National Interest)

Ở giai đoạn Thế chiến II, nhân loại đã chứng kiến ​​sự ra đời của hàng loạt chủng loại thuốc kháng sinh đầu tiên. Mặc dù khám phá này đã được công bố vào năm 1929, nhưng chỉ đến cuối những năm 1930, trước viễn cảnh chiến tranh rình rập, Đại học Oxford (Anh) mới bắt đầu tăng tốc quy trình nghiên cứu chuyên sâu các loại nấm mốc trong phòng thí nghiệm, đồng thời, nghiên cứu kháng sinh, đặt nền tảng của cuộc cách mạng công nghệ sinh học những năm 1970, cũng như cuộc cách mạng tiên phong trong kỹ thuật di truyền.

Đổi mới dược phẩm - hành trình khó khăn

Việc bào chế thuốc men rất tốn kém và có thể mất một thời gian rất dài để tìm ra phương thuốc trị bệnh phù hợp. Bào chế vaccine lại càng mất thời gian hơn, bởi đây là một lĩnh vực đặc biệt, các chế phẩm cần được thử nghiệm trên một số lượng lớn người khỏe mạnh. Hơn nữa, tỷ lệ đột biến cao của một số loại virus càng khiến việc bào chế vaccine trở nên khó khăn hơn.

Yếu tố chính gây cản trở việc áp dụng công nghệ mới vào y học chính là các điều khoản quy định. Các quy định đối với lĩnh vực sinh học - y tế được coi là những quy định nghiêm ngặt hơn bất cứ ngành nào khác. Một loại thuốc bị phát hiện là không an toàn sẽ không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng mà còn có thể gây tổn hại rộng rãi hơn đến niềm tin của con người vào khoa học và y học.

Thông thường, một vaccine mới mất khoảng 10 năm mới có thể ra thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là mô hình sản xuất kinh doanh sản phẩm này này có tỉ lệ rủi ro cao và nhiều bất lợi. Do đó, các nhà sản xuất cân nhắc nguồn vốn và cơ sở vật chất và cần tuần tự đạt được những cột mốc xác định. Hay nói cách khác, sản xuất vaccine ở quy mô đại trà sẽ được tiến hành sau khi hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng.

Cách tiếp cận mới hiện nay

Phản ứng trước đại dịch Covid-19 đã cho thấy rằng con người có thể rút ngắn khung thời gian sản xuất vaccine dưới dạng cam kết tài trợ, hoặc thỏa thuận mua trước. Điều này cho phép các nhà sản xuất chấp nhận rủi ro thương mại, mạnh dạn cho ra sản phẩm ở số lượng lớn trước khi trải qua các thử nghiệm và đánh giá lâm sàng. Cách tiếp cận này cho phép giảm bớt thời gian chờ đợi vaccine, tạo ra nguồn dự trữ đáng kể, sẵn sàng để sử dụng khi được phê duyệt.

Thời gian sản xuất cũng có thể được rút ngắn bằng cách áp dụng các công nghệ mới. Theo truyền thống, vaccine được tạo ra bằng cách lấy chính mầm bệnh rồi tiến hành vô hiệu hóa, hoặc bằng cách tạo mầm bệnh tương tự vô hại với vật chủ. Sau đó chúng có thể được cấy vào cơ thể, tạo thành kháng nguyên miễn dịch.

Rõ ràng, hai phương án bào chế đều mang lại rủi ro cho cả bệnh nhân và người nghiên cứu. Các nhà khoa học có thể thất bại trong việc vô hiệu hóa virus hoặc một mầm bệnh vô hại có thể biến đổi thành một dạng mạnh hơn. Ngoài ra, virus khác cũng có thể vô tình được phát hành trong quá trình sản xuất.

Thay vì cạnh tranh, nhân loại cần hợp tác để đẩy nhanh tốc độ bào chế vaccine Covid-19. (Nguồn: National Interest)

Hiện nay, công nghệ DNA tái tổ hợp, nối các phân tử DNA đã trở thành công cụ sản xuất các loại dược phẩm hiện đại quan trọng nhất.

Một công nghệ khác là sử dụng một phần của virus, tức là cấy các cấu trúc protein của virus vào cơ thể vật chủ. Khi đó, các cấu trúc protein hoạt động như một loại vaccine bằng cách tạo ra hệ thống miễn dịch chờ sẵn, nhận biết và chống trả virus thực sự. Các loại vaccine sản xuất theo phương pháp hiện đại có thể dễ dàng mở rộng quy mô và an toàn hơn so với các loại vaccine truyền thống.

Ngoài ra còn có phương pháp đưa vật liệu di truyền của vaccine vào cơ thể, hoặc đưa trực tiếp một chủng virus khác tạo thế phòng thủ trước các virus thực. Về bản chất, những cách tiếp cận mới này đẩy nhanh tốc độ bào chế.

Triển vọng thành công

Có những lý do để chúng ta lạc quan về tình hình sản xuất vaccine trong tương lai. Trong khi hầu hết các loại vaccine đều bị lỗi trong quá trình phát triển, được biết có hơn 230 loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đang được phát triển.

Tuy nhiên, công nghệ mà nhà sản xuất đang theo đuổi được đánh giá là khá mới và chưa trải qua quá trình kiểm chứng lâu bền, chính vì vậy, việc đầu tư vào sản xuất đại trà vẫn còn đôi chút e ngại rủi ro.

Điều quan trọng là ngành công nghệ sinh học đã có một lịch sử hợp tác lâu dài với ngành y tế, và đã cùng nhau đối mặt với những thách thức về sức khỏe nhân loại.

Nhiều người cho rằng hiện nay, tính cấp bách của cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu cần được đặt lên hàng đầu, vậy nên, các nhà sản xuất phải bỏ qua sự cạnh tranh. Thay vào đó, thế giới cần thể hiện sự hợp tác toàn diện về công nghệ giữa các công ty, các đối tác thương mại, các lĩnh vực học thuật và các nhà quản lý để cùng nhau chung tay vượt qua đại dịch.

Hiện tại, Trung tâm Vax của Đại học London đang hợp tác với Đại học Oxford và công ty dược AstraZenaca để sản xuất vaccine giá rẻ cho cộng đồng.

Lịch sử các cuộc chiến tranh thế giới đã cho thấy, sự đổi mới y sinh có thể được tăng tốc mạnh mẽ vào thời điểm khủng hoảng. Và nếu chúng ta thực sự may mắn, một số quy trình và sáng kiến ​​liên quan đến việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại trong nhiều thập kỷ tới.

(theo National Interest)