📞

Covid-19: WHO cấp phép khẩn cấp cho vaccine đầu tiên của Ấn Độ; Saudi Arabia phê chuẩn Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi

Bảo Hà 08:45 | 04/11/2021
Ngày 3/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng Covid-19 do công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) phát triển.
WHO cấp phép khẩn cấp cho vaccine Covid-19 Covaxin do Ấn Độ sản xuất. (Nguồn: IANS)

Đây là vaccine đầu tiên do Ấn Độ sản xuất được đưa vào danh sách này, mở đường cho vaccine của Ấn Độ được chấp thuận tại nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia nghèo.

Trong thông báo đăng trên Twitter, nhóm Cố vấn kỹ thuật của WHO xác định rằng, vaccine của Bharat Biotech, có tên là Covaxin, đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO về ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19, mang lại lợi ích vượt xa các nguy cơ và có thể được đưa vào sử dụng.

Trước đó, nhóm cố vấn của WHO đã lùi thời gian cấp phép với Covaxin khoảng một tuần trong thời gian chờ thông tin bổ sung từ Bharat Biotech để thực hiện lần đánh giá cuối cùng về nguy cơ khi đưa vaccine vào sử dụng trên phạm vi toàn cầu.

Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch của WHO cũng đã đánh giá Covaxin và đưa ra khuyến nghị tiêm đủ 2 mũi vaccine với khoảng cách là 4 tuần với đối tượng là người trên 18 tuổi.

Như vậy, Covaxin là vaccine phòng Covid-17 thứ 7 được WHO cấp phép sau các loại vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Biotech và Sinopharm.

Bharat sẽ cung cấp Covaxin tới các quốc gia sử dụng vaccine theo hướng dẫn của WHO. Việc Covaxin được WHO cấp phép cũng có nghĩa rằng hàng triệu người dân Ấn Độ đã được tiêm vaccine này sẽ có thể ra nước ngoài dễ dàng hơn.

Hồi tuần trước, Oman cho biết sẽ cho phép những du khách tiêm vaccine này nhập cảnh. Tương tự, Australia ngày 1/11 cũng thông báo sẽ tiếp nhận du khách đã được tiêm phòng vaccine Covaxin.

Tại Saudi Arabia, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này ngày 3/11 thông báo đã cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 của công ty dược phẩm Pfizer cho trẻ em có độ tuổi từ 5-11.

Cơ quan trên cho biết, Saudi Arabia đưa ra quyết định này "dựa trên dữ liệu do công ty cung cấp, vốn cho thấy vaccine đáp ứng các quy định đặc biệt".

Tại Italy, khi chiến dịch tiêm chủng chậm lại và các trường hợp mắc Covid-19 gia tăng, chính phủ đã thảo luận việc liệu có nên bắt buộc người dân phải tiêm vaccine để đáp ứng các mục tiêu tiêm chủng hay không.

Phát biểu trên truyền hình ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa nhấn mạnh, “tiêm chủng bắt buộc đối với một số loại bệnh hoàn toàn không phải là điều cấm kỵ và chúng tôi đã sẵn sàng xem xét điều đó”.

Theo số liệu mới nhất của chính phủ, tại Italy có gần 84% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Do chính phủ đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 90%, các nhà chức trách đang tìm cách khuyến khích những người vẫn chưa tiêm chủng đi tiêm phòng.

Ông Costa nói: "Mục tiêu của chính phủ là đảm bảo rằng không có thêm công dân nào tử vong vì Covid-19 và không còn có những ca bệnh nặng phải chăm sóc đặc biệt. Mục tiêu 90% tạo ra những điều kiện này”.

Cho đến nay, chính phủ Italy vẫn chưa đưa ra tuyên bố về việc khi nào thì việc tiêm chủng trở nên bắt buộc, hoặc cho những nhóm người nào. Tuy nhiên, quyết định này sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của những người đủ điều kiện nhưng vẫn chưa đi tiêm vaccine.

Tước đó, tất cả các nhân viên y tế tại Italy đã bị buộc phải tiêm vaccine theo một đạo luật được thông qua vào tháng 4/2021.

(theo Times Now News, Reuters)