WHO cấp phép khẩn cấp vaccine Covid-19 Nuvaxovid của hãng dược phẩm Mỹ Novavax. |
Đây là loại vaccine thứ 10 trên thế giới được WHO phê duyệt sử dụng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 20/12, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 Nuvaxovid cho người từ 18 tuổi trở lên.
Nuvaxovid sẽ là loại vaccine ngừa Covid-19 thứ 5 được lưu hành tại châu Âu, sau vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Nuvaxovid được phát triển dựa trên công nghệ truyền thống hơn so với các loại vaccine phòng Covid-19 trước đó nên EMA hy vọng vaccine sẽ được nhiều người dân châu Âu đón nhận hơn.
Vaccine của Novavax sử dụng các protein được tìm thấy trong protein gai của virus SARS-CoV-2 để kích hoạt hệ miễn dịch. Công nghệ này cũng đã từng được thử nghiệm và sử dụng nhiều thập niên trong phát triển vaccine phòng các bệnh như viêm gan B.
Việc WHO đưa vaccine của Novavax vào danh sách cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUL) sẽ mở đường cho các quốc gia khác trên thế giới nhanh chóng cấp phép và nhập khẩu vaccine này.
Bên cạnh đó, sau động thái trên, vaccine của hãng dược phẩm Mỹ sẽ được chấp nhận tham gia cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX. Nuvaxovid là loại vaccine thứ 10 được đưa vào EUL.
Trước đó, trong khuyến nghị đưa ra về việc cấp phép, Ủy ban về các sản phẩm thuốc dùng cho người (CHMP) thuộc EMA khẳng định, các dữ liệu tổng hợp từ 2 cuộc nghiên cứu lớn cho thấy loại vaccine này đạt hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 tới 90%.
EMA cho biết thêm, hiện chưa thể đánh giá hiệu quả của loại vaccine này đối với biến thể Omicron do còn thiếu các dữ liệu, song những thông tin về Nuvaxovid rất đáng khích lệ và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của EU về hiệu quả, an toàn và chất lượng.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, theo hãng thông tấn Czeh (ČTK), Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge đã kêu gọi các quốc gia chuẩn bị cho "sự gia tăng đáng kể và mạnh mẽ" các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới do biến thể Omicron gây ra.
Cho đến nay, biến thể mới đã được phát hiện ở ít nhất 38 trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Âu, bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thuộc Liên Xô cũ, nhưng phổ biến nhất ở Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Anh.
Ông Kluge cảnh báo: “Chúng tôi thấy một cơn bão khác sắp đến. Trong vài tuần nữa, Omicron sẽ thống trị các nước khác trong khu vực và sẽ đẩy các hệ thống y tế vốn đã căng thẳng đến giới hạn”.
Theo thống kê của WHO, trong 89% trường hợp phát hiện sớm khi lây nhiễm do biến chủng Omicron, các triệu chứng phổ biến đi kèm tương tự với Covid-19, như ho, đau họng và sốt. Phần lớn những người mắc mới trong độ tuổi từ 20-30, bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc hoặc tại các sự kiện xã hội.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu nhận định, số lượng lớn các ca nhiễm mới có thể dẫn đến gia tăng số ca nhập viện, gây gián đoạn hoạt động chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ quan trọng khác.
Ông cũng kêu gọi mọi người tiêm vaccine ngừa Covid-19, những người đã tiêm nên tăng liều và giảm tiếp xúc với người khác.
| Châu Âu trước Omicron: Người hành động, kẻ đợi chờ Trong khi nhiều nước châu Âu có biện pháp cứng rắn trước biến thể Omicron, số khác lại tỏ ra chần chừ hơn. Tại sao ... |
| Tin thế giới 21/12: Tổng thống Nga Putin cảnh báo 'cứng'; Ukraine tính kế chặn Dòng chảy phương Bắc 2 đến cùng; NATO 'cam chịu'... Quan hệ Nga-NATO, đề xuất an ninh của Moscow, Ukraine muốn gia nhập NATO, Dòng chảy phương Bắc 2, Đại sứ quán Belarus tại Anh ... |