WHO thận trọng cho rằng, không ai dám chắc biến thể tiếp theo của SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 có thể gây ra điều gì. (Nguồn: AFP) |
Mặc dù lây lan nhanh, song cho đến nay, biến thể Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu, theo đó, thế giới hy vọng đại dịch có thể sớm chấm dứt và cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
Tuy nhiên, quan chức cấp cao thuộc Văn phòng WHO khu vực châu Âu Catherine Smallwood thận trọng cho rằng, tỷ lệ lây nhiễm gia tăng có thể gây hậu quả.
Bà nêu rõ: "Omicron càng lây lan rộng, biến thể này càng nhân lên nhiều hơn và càng có khả năng tạo ra một biến thể mới. Hiện Omicron có thể gây tử vong ít hơn một chút so với biến thể Delta, song không ai dám chắc biến thể tiếp theo có thể gây ra điều gì".
Thống kê cho thấy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, châu Âu đã ghi nhận hơn 100 triệu ca mắc. Riêng trong tuần cuối cùng của năm 2021, châu lục này ghi nhận tới hơn 5 triệu ca mắc mới.
Theo bà Smallwood, hiện châu Âu đang trong giai đoạn nguy hiểm, tỷ lệ lây nhiễm đang tăng mạnh ở Tây Âu và vẫn chưa rõ tác động đầy đủ của làn sóng dịch mới này.
Quan chức cấp cao của WHO cũng lưu ý, dù tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện do nhiễm Omicron không cao bằng Delta, song nhìn chung vẫn có thể gây ra mối đe dọa lớn bởi số ca mắc tăng vọt kéo theo nguy cơ số ca nặng cao hơn, nhiều bệnh nhân phải nhập viện hơn và có thể dẫn tới tử vong.
Hiện các bệnh viện ở Anh đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng vì thiếu nhân lực, do có nhiều nhân viên nhiễm biến thể Omicron phải cách ly hoặc điều trị.
Ngày 4/1, nước này ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 theo ngày lần đầu tiên vượt mốc 200.000. Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra tại các nước khác ở châu Âu.
Cùng ngày, theo ông Abdi Mahamud, một quan chức thuộc Nhóm hỗ trợ quản lý tình hình Covid-19 của WHO, mặc dù hầu hết bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ phục hồi trong khoảng từ 5-7 ngày sau khi biểu hiện triệu chứng, song WHO vẫn khuyến nghị thực hiện cách ly 14 ngày.
Tuy nhiên, các nước có thể quyết định thời gian cách ly dựa trên tình hình của mỗi nước. Theo đó, tại các nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp, thời gian cách ly lâu hơn có thể giúp khống chế số ca mắc ở mức thấp.
Trong khi đó, các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao có thể áp dụng thời gian cách ly ngắn hơn để duy trì hoạt động.
Bên cạnh đó, ông Mahamud cho hay, một người có thể nhiễm cả cúm và Covid-19 cùng lúc. Tuy nhiên, do 2 loại virus riêng biệt này tấn công cơ thể theo những cách khác nhau, nên "ít nguy cơ" chúng kết hợp thành 1 loại virus mới.
Tính đến ngày 29/12/2021, khoảng 128 nước đã ghi nhận xuất hiện biến thể Omicron. Tình hình lây nhiễm hiện nay ở các nước không giống nhau.
Theo chuyên gia Mahamud, Omicron có thể trở thành biến thể "chủ đạo" trong vài tuần tới, đặc biệt là tại những khu vực có nhiều người dễ bị tổn thương, chủ yếu là những người chưa tiêm phòng.
Tại châu Mỹ, ngày 4/1, chính phủ Chile thông báo, Ngoại trưởng nước này Andres Allamand đã mắc Covid-19 trong thời gian nghỉ lễ Giáng sinh tại Mỹ.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Chile, ông Allamand không có triệu chứng đặc biệt nào và đang tuân thủ các quy định y tế hiện hành.