📞

CPTPP sẽ được ký kết vào tháng Ba

08:54 | 27/12/2017
Quyết theo đuổi việc thực thi sớm Hiệp định CPTPP, Nhật Bản đang thực hiện ngoại giao con thoi, nhằm nhanh chóng tìm kiếm sự đồng thuận giữa các thành viên, cố gắng đẩy nhanh ký CPTPP vào tháng Ba tới.

Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay TPP-1 là phiên bản mới của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi. 11 thành viên của CPTPP hiện bao gồm Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam và Nhật Bản.

Các Bộ trưởng kinh tế 11 nước thành viên CPTPP họp tại Đà Nẵng, 9/11/2017. (Nguồn: Nikkei)

Được biết, mục tiêu của Nhật Bản là thỏa thuận CPTPP được Quốc hội nước này phê chuẩn ngay tại phiên họp được bắt đầu từ tháng Một và kết thúc vào tháng 6/2018. Bởi vậy, để kịp trình Quốc hội, đầu tháng Ba sẽ là thời điểm thích hợp nhất để các nước thành viên thông qua và đi đến ký kết.

Vì mục tiêu đó, mới đây, ngày 25/12/2017, Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã tới Hà Nội, gặp Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh để thảo luận về các vấn đề của Hiệp định CPTPP. Cuộc đàm phán xoay quanh các điều khoản về tranh chấp lao động, là một phần của hiệp ước mà Việt Nam còn đang cân nhắc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này, chiều 26/12, tiếp Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả làm việc giữa Bộ trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Hai bên đã bàn bạc, đề xuất các biện pháp giải quyết có hiệu quả các vướng mắc trong hợp tác giữa hai nước và đặc biệt là thảo luận và đi đến thống nhất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến CPTPP. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Việt Nam và Nhật Bản cần là những quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy tiến tới sớm ký kết Hiệp định CPTPP.

Trong khi đó, Mexico là thành viên mong muốn sớm thực hiện các quy định về tranh chấp lao động. Đó là một trong những lý do để ông Motegi sẽ có mặt tại Mexico vào tháng sau như dự kiến, để cố gắng trung hòa nhu cầu khác biệt giữa hai thành viên này. Tuy nhiên, các điều khoản về lao động và các vấn đề khác vẫn có hiệu lực vào năm 2019 như 11 thành viên từng thỏa thuận trước đây.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang chuẩn bị chấp nhận sự đóng băng không xác định về hai điều khoản do Malaysia và Brunei yêu cầu.

Theo dự kiến, các nhà đàm phán 11 nước thành viên CPTPP sẽ gặp nhau tại Nhật Bản vào cuối tháng Một, để xác nhận các điều khoản chi tiết của hiệp định. Sau đó văn bản sẽ được chuyển ngữ và tiếp tục tiến hành các thủ tục pháp lý ở mỗi quốc gia. Tokyo sẽ đứng ra xúc tiến việc ký kết một thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng Hai hoặc đầu tháng Ba năm sau. Sau đó, thỏa thuận thương mại sẽ chính thức đi vào giai đoạn thực thi tại mỗi quốc gia thành viên.

Mới đây, các nhà đàm phán Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được văn bản pháp lý cuối cùng cho Hiệp định Đối tác kinh tế tạo ra một khu vực kinh tế mở lớn nhất thế giới, với 600 triệu người, chiếm gần 1/3 nền kinh tế toàn cầu. Mục tiêu mà Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe hướng tới là đưa được Hiệp định này tới đích. Vì vậy, nếu CPTPP không được thông qua như kế hoạch, thì Nhật Bản một lúc sẽ gặp khó khăn trong việc ký kết với cả hai hiệp định quan trọng.

Hiện tại, Chile cũng là thành viên mong muốn CPTPP được thông qua càng sớm càng tốt. Tổng thống đương nhiệm Michelle Bachelet mong muốn được tuyên bố đạt được thỏa thuận thương mại này như một thành công trong nhiệm kỳ của mình, trước khi người kế nhiệm là ông Sebastian Pinera nhậm chức vào ngày 11/3/2018.

Thoả thuận CPTPP sẽ có hiệu lực nếu sáu thành viên đồng ý phê chuẩn. Tuy nhiên, đến nay do một số vấn đề còn vướng mắc, quyết định của Canada vẫn là một dấu hỏi đang được các bên chờ đợi.

Ngày 11/11/2017, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, 11 nước thành viên đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành CPTPP. Đây được xem là “phiên bản mới” của TPP “cũ” với tính khả thi và toàn diện cao hơn. CPTPP được giới chuyên gia đánh giá có tính khả thi hơn, vì Hiệp định mới đã tạm “rút bớt” những nội dung còn có ý kiến khác nhau, tạm hoãn lại những điều kiện cao có thể gây xung đột lợi ích giữa các nước thành viên.

(theo Nikkei Asian Review)