Quý I/2020, có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. (Nguồn: Zing) |
Những thống kê ảm đạm
Trong quý I/2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Việt Nam tăng 3,82% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất từ năm 2011 tới nay. Nhiều chỉ số kinh tế thấp hơn so cùng kỳ năm trước và phản ánh xu hướng khó khăn chung của các nước trên thế giới, gắn với đại dịch Covid-19.
Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn với 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có tới gần 35 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 với 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31% GDP. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 3, cả nước có hơn 8,6 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 36,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói, gấp 9 lần số hộ thiếu đói, gấp 11 lần số nhân khẩu thiếu đói so với tháng trước và cùng gấp 5 lần số hộ và số nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, theo một kết quả khảo sát nhanh gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh; 40% cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm; 82% cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
VCCI dự báo, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% (số doanh nghiệp được khảo sát) chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Như vậy, có thể hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây, nhất là lao động kỹ năng thấp trong các ngành dệt may, da dày, điện tử…
Gần đây nhất, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo đánh giá về tác động của Covid-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam. Theo đó, có 9 ngành kinh tế chịu tác động mạnh với mức độ thiệt hại "lớn" và 6 ngành chịu tác động ở mức độ "vừa phải".
Các ngành chịu tác động "lớn" như dệt may, da giày (giảm 6%); sản xuất sản phẩm từ gỗ (giảm 19%); sản xuất, kinh doanh thép (giảm 10%); dầu thô (giảm 8%); du lịch (giảm 18% khách quốc tế), vận tải, kho bãi...
Giải pháp nào "cứu" nền kinh tế?
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, với mức tăng trưởng GDP 3,82% của quý I/2020, dù là mức thấp nhất trong 11 năm qua của Việt Nam, nhưng lại là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.
Đây là kết quả hội tụ và tín hiệu tích cực phản ánh những nỗ lực chung cải thiện môi trường đầu tư từ năm 2019 và niềm tin thị thị trường, niềm tin đầu tư... Việt Nam cũng đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó với đại dịch Covid-19 và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, kiểm soát dịch bệnh, sức khỏe của người dân là ưu tiên hàng đầu, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị chống dịch. Những biện pháp này đã góp phần lớn giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để vực dậy nền kinh tế.
Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính - tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, cần đẩy nhanh tốc độ triển khai các gói hỗ trợ như: Gói chính sách tiền tệ - tín dụng (cơ cấu lại, giãn-hoãn nợ và xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng; Gói cho vay mới với tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1-2,5%/năm); Gói tài khóa (giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số sắc thuế và phí với tổng giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng); và Gói an sinh xã hội với tổng giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người lao động và đối tượng yếu thế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các gói hỗ trợ trên cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực đang bị tác động lớn và khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (đa số các nước đều hỗ trợ đối tượng này, gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam chưa bao gồm nhóm doanh nghiệp qui mô vừa) và hộ kinh doanh cá thể (có đăng ký kinh doanh và nộp thuế).
Những ngành nghề, lĩnh vực kinh tế cần hỗ trợ nên được rà soát, đánh giá, bổ sung và điều chỉnh kịp thời, ít nhất là hàng quý trong năm 2020, đảm bảo trúng, đúng và không bỏ lại phía sau những đối tượng thực sự cần hỗ trợ.
Ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch, đồng thời phác thảo kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Bộ trưởng cho rằng, dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết nói trên, trong đó, kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.
Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất...
Với các giải pháp mạnh tay của Chính phủ cùng sự nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp, các chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước chuyển mạnh mẽ sau đại dịch.