Nhà báo Khashoggi mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào Toà Lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nghi vấn nảy sinh khi phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có bằng chứng về khả năng ông Khashoggi bị sát hại. Các suy đoán xuất phát từ việc nhà báo Khashoggi từng viết bài chỉ trích Saudi Arabia can dự vào chiến sự tại Yemen.
Vấn đề nhà báo Khashoggi mất tích làm dấy lên làn sóng phản đối của Mỹ và đồng minh nhằm vào Saudi Arabia. Ngày 16/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ quan ngại về vụ việc và mong muốn có một thông tin chính thức từ các bên có liên quan.
Kế hoạch thanh trừng?
Một ngày trước khi đến Lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul làm thủ tục kết hôn, ông Jamal Khashoggi đã ăn trưa cùng hai người bạn tại London để thảo luận về đề tài mới, chỉ trích sự thiếu tự do ngôn luận trong thế giới Ả rập. Ngày 2/10, vào 13h theo đúng lịch hẹn, ông Khashoggi cùng vị hôn thê của mình đến Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul để đăng kí kết hôn. Tuy nhiên chỉ một mình Khashoggi vào trong và đã không xuất hiện trở lại. Các báo cáo điều tra mới nhất cho rằng, khả năng cao ông đã bị sát hại như những thông tin truyền thông trước đó.
Biểu tình trước Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về vụ nhà báo Jamal Khashoggi. (Nguồn: Getty Images) |
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã xác định được danh tính của 15 người được cho là nghi phạm của vụ án, đồng thời tái khẳng định nhà báo này đã bị sát hại. Cụ thể nhóm người này được cho là đã tới Istanbul vào 2 ngày trước khi ông Khashoggi mất tích và đã sử dụng một chiếc xe màu đen di chuyển khỏi lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul.
Đáng chú ý trong ngày ông Khashoggi mất tích, các nhân viên người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại lãnh sự quán đã được yêu cầu nghỉ ở nhà. Ngoài ra, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng những hình ảnh từ camera an ninh bên trong lãnh sự quán đã được gỡ bỏ và đưa về Saudi Arabia bằng máy bay riêng. Bên cạnh đó, nhóm điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát hiện bằng chứng về “sự xáo trộn” bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia. Đây được coi là phát hiện quan trọng cho quá trình điều tra vụ việc.
Ông Khashoggi, 59 tuổi, được biết đến là nhà báo, nhà bình luận chính trị nổi tiếng thường xuyên chỉ trích các chính sách của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ông này cũng đang trong quá trình tìm cách để trở thành công dân Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.
Sóng gió bủa vây Saudi Arabia
Vụ mất tích của nhà báo Khashoggi không còn đơn thuần là trong phạm vi vụ việc của một quốc gia. Nó đã khiến mối quan hệ giữa các nước liên quan là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia trở nên căng thẳng.
Quan hệ từ trước đến nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia vốn vẫn thân thiện. Thế nhưng, vụ việc này đã đẩy hai nước đến bờ vực căng thẳng và hé lộ những bất đồng âm ỉ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan liên tục yêu cầu Saudi Arabia phải giải thích về sự biến mất của nhà báo Khashoggi. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rò rỉ thông tin rằng, họ có video và băng ghi âm chứng tỏ nhà báo Khashoggi đã bị sát hại, ám chỉ chính quyền Riyadh đứng sau vụ việc. Cùng với đó, Ankara đã thông báo việc thành lập đội điều tra chung với Riyadh về vụ việc trên, xuất phát từ đề nghị của Saudi Arabia.
Dù tới nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng và dẫu Saudi Arabia đã bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc, song vụ việc bắt đầu tác động tới tâm lý các nhà đầu tư tại Saudi Arabia, cũng như các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế của nước này, trong đó có quan hệ với Mỹ.
Sau vài ngày im ắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Riyadh phải đưa ra câu trả lời cho sự biến mất của Khashoggi. Ông Trump cảnh báo sẽ có biện pháp “trừng phạt mạnh” đối với Saudi Arabia nếu thông tin nhà báo Khashoggi bị sát hại bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul được xác nhận.
Để làm sáng tỏ những tin đồn, Tổng thống Mỹ đã cử Ngoại trưởng Mike Pompeo sang Saudi Arabia gặp Quốc vương Salman Abdulaziz Al Saud trao đổi và tìm hiểu thông tin về vụ việc. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ và Chính phủ các nước phương Tây cũng gia tăng áp lực, yêu cầu Saudi Arabia giải thích về vụ việc. Anh, Pháp và Đức cùng ra tuyên bố chung, yêu cầu mở một “cuộc điều tra đáng tin cậy” để làm rõ sự thật, xác định danh tính những người phải chịu trách nhiệm về vụ mất tích của Khashoggi.
Chưa rõ số phận của nhà báo Khashoggi song vụ việc có khả năng sẽ làm leo thang căng thẳng ngoại giao giữa các nước nếu Saudi Arabia không nhanh chóng có câu trả lời thỏa đáng.
Tranh cãi về vụ nhà báo mất tích được ví như một “đốm lửa nhen nhóm” mà nếu không được kiểm soát sẽ có nguy cơ bùng lên thành một cuộc khủng hoảng mới ở khu vực Trung Đông vốn đang có quá nhiều “điểm nóng”.