📞

Cuba ký sự (kỳ cuối): Chuyến tàu trở về quá khứ

15:30 | 30/04/2017
Chuyến tàu đi thăm Cardenas tình cờ đưa tôi trở lại thời xa xưa trên quê hương mình, với tuổi thơ của mỗi người thế hệ chúng tôi.

Chuyến “dã ngoại” thứ hai của chúng tôi là đi thăm Cardenas. Nhưng trước khi đến đó chúng tôi được đưa đi thăm một hợp tác xã trồng mía và nhà máy đường đã ngừng sản xuất từ lâu và nay trở thành bảo tàng ngoài trời khổng lồ.

Thú vị nhất có lẽ là được đi trên chuyến tàu hỏa chạy bằng động cơ hơi nước. Không hiểu sao cứ mỗi khi thấy tiếng còi tàu ủ lên những tiếng thở dài, tiếng xình xịch của động cơ hơi nước và làn khói xịt lên từ đầu tàu, tôi lại nhớ đến tiếng của đoàn tàu chạy từ ga Hàng Cỏ ngang qua chỗ chắn tàu Cửa Nam ngay gần nhà. Và, tiếng còi tàu, tiếng xình xịch của 40 năm trước đã đưa đoàn lưu học sinh chúng tôi nửa đêm rời Hà Nội đến một chân trời mới. Chuyến tàu tới Cardenas lần này cũng vậy.

Một điệu nhảy Afro-Cuban ở Cuba. (Nguồn: NBCnews.com)

Tình anh em từ trong khói lửa

Với lứa học sinh chúng tôi, Cuba là tình cảm anh em, là “tình cảm quốc tế vô sản trong sáng” một thời của những người đồng chí ở cùng chiến tuyến, cách xa nửa bán cầu nhưng tình cảm thì gắn bó như ruột thịt. Nhiều anh chị em trong đoàn cứ xuýt xoa, Cuba bây giờ còn khó khăn hơn ta nhiều lần thì thời gian cách đây nửa thế kỷ khó khăn biết nhường nào. Ấy vậy mà các bạn vẫn nhường cơm sẻ áo theo đúng nghĩa đen khi nhân dân Việt Nam đang ngập chìm trong khói lửa chiến tranh. Các bạn đã giúp đỡ hết mình để Việt Nam không chỉ đứng vững mà còn chiến thắng một trong những cường quốc hàng đầu thế giới.

Năm 1973, lần đầu tiên (và có lẽ cũng duy nhất) một nguyên thủ quốc gia nước ngoài là Tổng Tư lệnh Fidel Castro thăm khu giải phóng Quảng Trị và trong chuyến thăm này ông đã quyết định tặng nhân dân Việt Nam nhiều công trình kinh tế - xã hội lên đến 80 triệu USD. Cần phải nhớ rằng, 80 triệu USD vào thời điểm đó đối với Cuba là sự cố gắng lớn nhường nào, và đối với nhân dân Việt Nam là món quà vô giá. Nhiều công trình đã mọc lên trên mảnh đất đầy khói bom và tồn tại cho đến ngày nay là minh chứng cho sự giúp đỡ của những người anh em mà trong hoạn nạn mới biết ai chân thành.

Và, khi chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 nổ ra, chính Cuba và Chủ tịch Fidel Castro lại là những người ủng hộ nhiệt thành nhất với tinh thần “vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Trong cuộc mít-tinh ngày 21/2/1979, Fidel đã có bài phát biểu ngẫu hứng nhưng đầy ắp ngọn lửa chiến đấu và trái tim nóng bỏng dành cho nhân dân Việt Nam. Ông kêu gọi “các lực lượng tiến bộ, các dân tộc trên thế giới cần phải chung tay để ngăn chặn cuộc phiêu lưu quân sự, để hạn chế sự nguy hiểm này, để kiềm chế sự điên rồ này vì cả thế giới có thể sẽ bị cuốn vào… Việt Nam không thể bị hủy diệt như thế, trong im lặng. Điều đó là không thể!”…

Khi những cuộc chiến qua đi

Thời gian đã trôi qua. Các cuộc chiến tranh khốc liệt cũng đã đi vào lịch sử. Đất nước Việt Nam bước vào Đổi mới, mở cửa cũng được ba thập kỷ. Đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam đã thay đổi nhiều so với trước kia. Trong khi đó, lệnh cấm vận toàn diện áp đặt vô lý lên đất nước và nhân dân Cuba suốt gần 60 năm qua, gần đây mới được dỡ bỏ một phần. Các bạn Cuba đang bước vào thời kỳ mà Việt Nam chúng ta đã bắt đầu từ cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước. Các thế hệ trải qua chiến tranh từng gắn bó máu thịt giữa các nước anh em đang ngày càng mai một bởi thời gian và một ngày nào đó chắc cũng sẽ không còn nữa. Nhưng, có một điều mãi mãi trường tồn, đó là tình hữu nghị cao cả giữa các dân tộc, nếu các thế hệ tiếp theo biết nâng niu, gìn giữ và phát huy.

Ban đầu, khi nhìn thấy chúng tôi, nhiều người dân Cuba cứ ngỡ chúng tôi là người Trung quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc… Thế nhưng, khi biết chúng tôi là người Việt, thái độ các bạn khác hẳn. Họ mừng ra mặt, thậm chí còn ôm chầm lấy và nói “I like Vietnam” (Tôi thích Việt Nam), “I love Vietnam” (Tôi yêu Việt Nam). Có người còn hồ hởi chia sẻ rằng bố hay ông của họ là từng sang giúp Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Có lần, khi đoàn đang đi bộ ra khỏi khách sạn, người gác cổng trẻ tuổi hỏi xem chúng tôi có cần giúp gì không và chúng tôi là người nước nào? Khi nghe hai tiếng “Việt Nam”, anh chàng ồ lên “Việt Nam, Việt Nam, Hồ Chí Minh”. Đó cũng là câu nói mà chúng tôi được nghe nhiều nhất trong chuyến đi, mỗi khi giới thiệu là người Việt Nam. Thế mới biết tình cảm các bạn Cuba dành cho Việt Nam sâu đậm đến nhường nào.

Một đẳng cấp Cuba

Người Cuba nói chung sôi nổi. Họ cũng nói khá tốt tiếng Anh do từng có thời gian người Anh thống trị hòn đảo này. Tôi cũng tin chắc rằng họ rất có ý thức chính trị khi nhìn nhận những khó khăn của quá khứ, hiện tại và biết tương lai của họ sẽ như thế nào. Họ sống có thể rất thiếu thốn nhưng không hề nhếch nhác hay mất vệ sinh, khác xa những nơi tôi đã từng đi. Phố xá, nhà cửa ở Cuba đơn sơ, cuộc sống người dân đơn giản nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Nơi duy nhất chúng tôi nhìn thấy rác và túi nilon vứt ngổn ngang là khi đoàn tàu hỏa hơi nước chở chúng tôi đi qua khu vực vốn trước đây là nhà máy, nay để hoang. Còn về tổng thể, trên gương mặt của con người nơi đây, chúng tôi không nhận thấy những nét khắc khổ như con người ở những nơi có mức sống tương tự.

Có hai điều tôi rất cảm phục các bạn Cuba. Thứ nhất, họ rất có ý thức bảo tồn. Tại bảo tàng nhà máy đường, hàng chục đầu tầu hơi nước được xếp ngăn nắp, những cỗ máy có tuổi đời hàng trăm năm được dựng đúng vị trí để hướng dẫn cho du khách quá trình thu hoạch, chế biến đường. Tại Havana, chúng ta có thể nhìn thấy nhiều tòa nhà có kiến trúc khá đẹp không được sửa chữa mà giữ nguyên trạng chứ không biến nó thành những ngôi nhà “tân thời” kệch cỡm. Lý do cũng có thể là do bạn chưa có kinh phí và vật liệu xây dựng. Cũng chính vì thế mà ai cũng tin rằng, một mai, khi kinh tế phát triển, Cuba sẽ lấy lại được ánh hào quang của thời oanh liệt.

Điểm thứ hai là tôi ngưỡng mộ cách người dân Cuba ứng xử với lịch sử và lãnh tụ của mình. Ở các đường phố thủ đô, thật dễ dàng bắt gặp nhiều nhóm tượng đài, từ bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng “Che” (Che Guevara, người anh hùng huyền thoại của cách mạng Cuba và Mỹ Latin), hay tượng Bolívar (người anh hùng giải phóng dân tộc của nhân dân Venezuela và các dân tộc Caribbean), tượng nhà văn Mỹ Ernest Hemingway… Người ta có thể nhìn thấy tượng đài hay phù điêu, phù hiệu có hình “Che” ở khắp nơi, nhưng tuyệt đối không có tượng đài hay ảnh của Fidel Castro, mặc dù ai cũng biết ông là lãnh tụ tối cao của cách mạng Cuba suốt từ năm 1959. Hóa ra, nhân dân Cuba tôn trọng di nguyện của ông trước khi mất là không tượng đài, không đường phố mang tên ông, không hình ảnh của ông trên đường phố Cuba vì ông muốn tránh cho nhân dân mình “tệ sùng bái cá nhân”.

Cách ứng xử của người dân Cuba thật là văn minh và đáng để suy ngẫm. Có lần, tôi đi chợ đồ thủ công mỹ nghệ ở Havana để mua đồ lưu niệm, khi thấy tôi lục tìm mấy bức phù điêu có hình “Che” và khi biết tôi là người Việt, cô bán hàng mới lấy từ ngăn kéo ra cho tôi tấm phù điêu có hình Fidel. Hành động của cô có thể coi là “buôn bán trái phép” nhưng thật dễ thương và dễ… cảm thông. 

(từ Berlin, Đức)