Kinh doanh bán lẻ thực phẩm được phép hoạt động ở Cuba từ tháng 8/2021. (Nguồn: encompasstours) |
Ngày 14/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Cuba Alejandro Gil thông báo nền kinh tế nước này đã ghi nhận dấu hiệu phục hồi trong một số lĩnh vực sau hai năm suy thoái do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước thực trạng giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu tăng cao, Cuba cần áp dụng các biện pháp “táo bạo” để kiềm chế lạm phát.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Gil cho biết giá trị xuất khẩu của đảo quốc vùng Caribe này trong quý I đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt nhờ sự tăng giá trên thị trường quốc tế của nikel, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Cuba.
Cuba đã chi gần 700 triệu USD để mua hàng hóa từ bên ngoài, con số cao hơn nhiều so với nguồn thu khiêm tốn từ xuất khẩu. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Cuba cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là “lạm phát nhập khẩu” do giá các sản phẩm như nhiên liệu, ngô làm thức ăn gia súc và lúa mì tăng.
Các biện pháp bao vây cấm vận do Mỹ đơn phương áp đặt chống lại đảo quốc này cùng với việc giá thực phẩm và nhiên liệu tăng phi mã do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã khiến nền kinh tế Cuba khó khăn chồng chất. Người dân Cuba phải xếp hàng nhiều giờ để mua thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng cơ bản khác.
Du lịch, một trong những nguồn thu ngoại tệ chính, đã không đạt được mục tiêu đặt ra, khiến Cuba gặp khó khăn trong việc chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu ngày càng đắt đỏ.
Phó Thủ tướng Gil nhấn mạnh một trong những trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế là giá ngoại tệ chợ đen hiện đã tăng gấp 5 lần so với tỷ giá hối đoái chính thức theo niêm yết của chính phủ (1USD = 24 Pesos).
Để đối phó với hiện tượng này, Bộ trưởng Kinh tế Cuba cho biết Chính phủ nước sẽ bắt đầu bán một lượng ngoại tệ chưa xác định theo tỷ giá hối đoái cao hơn mức niêm yết nhưng thấp hơn giá trên thị trường cho một số doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nhằm thúc đẩy sản xuất.