Gần 6 thập kỷ, Cuba đã tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh phải đối phó với bao vây cấm vận về kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt từ 1961 và đương đầu với hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, thương mại, tâm lý do sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước và tiếp đó là Liên Xô vào năm 1991. Đó là “thời kỳ đặc biệt” của toàn thể nhân dân Cuba, khi đó GDP sụt giảm 35% do 85% trao đổi kinh tế thương mại trước đó là duy trì với Liên xô và Đông Âu, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn và thiếu thốn.
Mạnh dạn đổi mới tư duy
Nhân tố quyết định để Cuba vượt qua thời kỳ khó khăn và tiếp tục đi lên là do những người cộng sản Cuba đã mạnh dạn đổi mới tư duy và tại Đại hội Đảng lần thứ VI họp vào tháng 4/2011 đã thông qua Đường lối cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế xã hội gồm 313 nội dung, biện pháp cụ thể, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, tạo động lực nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đặc khu kinh tế ZEDM. |
Tiếp đó, Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VII (tiến hành vào tháng 4/2016) đánh giá 87,5% của 313 nội dung đề ra đã được triển khai thực hiện, đồng thời bổ sung thêm 50 nội dung mới và tổng hợp gọn lại thành 274 nội dung biện pháp cập nhật hóa mô hình kinh tế xã hội cho giai đoạn 2016-2021, nhằm mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội bền vững ở Cuba.
Đường lối cập nhật hóa mô hình phát triển được thông qua từ năm 2011 đã khơi nguồn nội lực kinh tế Cuba, cho phép các pháp nhân và tư nhân tham gia vào nhiều khu vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ mà trước đây đều do nhà nước nắm giữ và độc quyền.
Về nông nghiệp, từ 2008 đến nay, 1.830.000 ha đất nhàn rỗi đã được giao cho 214.000 người lao động sử dụng để trồng rau màu, chăn nuôi và trồng lúa. Riêng về lúa gạo, năm 2017 Cuba đã sản xuất được 255.000 tấn và dự kiến đạt 283.000 tấn vào năm 2018, tăng gấp đôi sản lượng năm 2008. Hiện Cuba vẫn phải nhập 400.000 tấn gạo/năm nhưng chỉ tiêu đề ra là sẽ tự túc và đảm bảo an ninh lương thực vào năm 2030.
Trong 10 năm qua, Dự án hợp tác lúa gạo Việt Nam Cuba đã được triển khai qua 4 giai đoạn và bắt đầu giai đoạn 5 vào tháng 6/2018, đi sâu đào tạo huấn luyện nhân lực, kỹ thuật thâm canh chọn lọc và cải tạo giống đạt năng suất đồng bộ từ 5 đến 7 tấn/ha vào năm 2020.
Về du lịch, nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài đầu tư vào các trung tâm du lịch cao cấp ở Varadero và các quần đảo Coco, Guillermo, Santa Maria, đồng thời cho phép tư nhân mở quán ăn và các dịch vụ du lịch. Với chủ trương thông thoáng này, lượng khách đến Cuba vẫn tăng đều đặn. Bất chấp bao vây cấm vận của Mỹ, năm 2016 có 4,5 triệu khách du lịch đã đến Cuba, năm 2017 là 4,7 triệu khách và dự kiến 5 triệu vào 2018.
Đường phố thủ đô Lahabana, Cuba. (nguồn: desinformemonos.org) |
Công nghệ sinh học và dược phẩm tiếp tục phát huy vai trò là ngành mũi nhọn của Cuba. Sau 30 năm đầu tư và phát triển, Cuba đã đạt thành tựu xuất sắc với những sản phẩm phòng ngừa và điều trị 26 loại bệnh tật ở Cuba và trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là Interferon, Vidatox hỗ trợ điều trị ung thư, Heperprot P phòng chống biến chứng bệnh đái đường, thuốc phòng chống viêm gan B và C, chống viêm màng não, điều trị HIV. Hiện có 34 sản phẩm sinh học “Made in Cuba” đã được chấp nhận sử dụng ở 40 nước trên thế giới.
Tận dụng tốt nguồn lực từ bên ngoài
Ngày 16/4/2014 Cuba đã ban hành Luật 118 về đầu tư nước ngoài thay thế luật 77 ban hành ngày 5/9/1995 tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, thông thoáng cho các Nhà đầu tư nước ngoài. Luật 118 cho phép nước ngoài đầu tư ở tất cả các lĩnh vực trừ quốc phòng, giáo dục và y tế, cũng như xác định rõ khuôn khổ pháp lý, cơ chế vận hành cho các đặc khu kinh tế, nhằm tranh thủ vốn, công nghệ, năng lực quản lý từ bên ngoài.
Đặc khu kinh tế đầu tiên ở Cuba được thành lập tháng 11/2013 tại vùng cảng nước sâu Mariel, cách Thủ đô La Habana 45 km về phía Tây với diện tích 465 km2, nằm ở vị trí trung tâm Caribe và châu Mỹ. Đặc khu Mariel được Nhà nước Cuba đầu tư liên tục 300 triệu USD/năm để xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao với tham vọng trở thành một trung tâm sản xuất, chế biến, trao đổi hàng hóa, dịch vụ có tầm cỡ ở Tây bán cầu.
Hạng mục đầu tiên đi vào hoạt động là cảng Container, năm 2017 đạt 1 triệu container với 14 hãng vận tải biển sử dụng. Tính đến cuối năm 2017, đã có 31 dự án đầu tư được cấp phép với tổng số vốn 1,1 tỷ USD, 80 dự án đang trong quá trình thương lượng và hàng trăm dự án trong danh mục kêu gọi vốn lên đến 10,7 tỷ USD. Theo đánh giá của giới chuyên gia, trở ngại chính khiến Đặc khu Mariel chưa mở mang, phát triển với tốc độ nhanh hơn là do sự bao vây cấm vận của Mỹ.
Thực tế cho thấy, đường lối cập nhật hóa mô hình phát triển là giải pháp phù hợp cho hoàn cảnh thực tiễn, đưa kinh tế Cuba ra khỏi tình trạng trì trệ, đạt tăng trưởng 2,8%/năm, là cơ sở cho việc bảo đảm chính sách công bằng xã hội cho hơn 11 triệu người dân Cuba.
Với chủ trương nhất quán ưu tiên cho giáo dục và y tế, nên dù tăng trưởng kinh tế còn ở mức khiêm tốn, nhưng Cuba vẫn đứng đầu Mỹ Latinh và Caribe về chỉ số phát triển con người, trình độ giáo dục, văn hóa, thể thao và chăm sóc y tế. Năm 2017, Nhà nước Cuba đã dành hơn 8 tỷ Peso (khoảng 23% ngân sách) cho giáo dục. Theo UNICEF, năm 2017 Cuba đạt tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong thấp nhất từ trước tới nay 4,1/1000, ngang hàng với các nước phát triển như Canada, Thụy Điển. Tuổi thọ trung bình hiện là 78,4 năm…
Những thành tựu đáng khích lệ trên mọi lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội đã và đang củng cố sự đồng thuận và tăng cường niềm tin của nhân dân Cuba vào sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa phồn vinh và bền vững do Đảng Cộng sản Cuba lãnh đạo.