Trong những năm qua, dù Chính phủ đã phê duyệt các tổng sơ đồ điện 5 (TSĐ 5), 6 (TSĐ 6), gối đầu cho cả giai đoạn 10 năm tiếp theo, nhưng trên thực tế do nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan, các TSĐ đều bị phá vỡ tiến độ thực hiện, trong khi tốc độ tăng trưởng phụ tải lại cao hơn dự báo
Dư luận đã nhiều lần nêu câu hỏi: Nếu cứ đầu tư điện theo kiểu "ăn đong" như hiện nay thì biết đến bao giờ thoát khỏi thiếu điện? Đã đến lúc Chính phủ phải có quyết sách cho vấn đề này.
Các nguồn điện chậm tiến độ - lực bất tòng tâm
Theo báo cáo mới nhất mà đoàn công tác của Chính phủ do ông Thái Phụng Nê (phái viên Thủ tướng) làm trưởng đoàn, sau 2 đợt kiểm tra 37 dự án nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2008-2010 và chuẩn bị khởi công năm 2008 cho thấy: Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ từ 3-6 tháng, thậm chí là hàng năm.
Sự chậm trễ này có nguyên nhân từ sự "lực bất tòng tâm" của chủ đầu tư, các ban quản lý dự án (BQLDA), tư vấn thiết kế, đến nhà tổng thầu thi công và các nhà thầu. Hiện năng lực các bên đều đã quá tải do phải cùng lúc đảm nhiệm rất nhiều dự án.
Đặc cách mà vẫn chậm
Năm 2008, EVN lên kế hoạch đưa vào vận hành 6 nhà máy điện (NMĐ) có tổng công suất gần 1.400MW và dự kiến huy động từ các nguồn điện mới ngoài EVN sẽ đi vào hoạt động là 3 NM với tổng công suất 1.300MW. Nhưng đến thời điểm này, theo đánh giá của đoàn công tác của Chính phủ, nhiều dự án đã bị chậm từ 1-3 tháng.
Một số dự án có thể đáp ứng được tiến độ như thuỷ điện (TĐ) Tuyên Quang, Đại Ninh, Pleikrong, Buôn Kuốp, Sông Ba Hạ, song các bên chủ đầu tư lẫn nhà thầu thi công phải đôn đốc tiến độ quyết liệt, khẩn trương rà soát các thiết bị, vật tư còn thiếu, đảm bảo đủ lực lượng, tăng giờ làm...
Đặc biệt tại tổ máy số 1 dự án NĐ Hải Phòng, tiến độ thi công các hạng mục bị chậm từ 3-6 tháng. Chủ đầu tư - Cty CP nhiệt điện Hải Phòng - khẳng định sớm nhất chỉ có thể phát điện tổ máy số 1 vào tháng 1.2009 và tổ máy số 2 tháng 7.2009, chậm 4 tháng so với tiến độ quy hoạch trong TSĐ 6.
Các dự án chuẩn bị đầu tư cũng chậm, chỉ trừ NĐ Uông Bí mở rộng 2 đáp ứng tiến độ dự kiến, các dự án NĐ Nghi Sơn 1 và TĐ Thượng Kon Tum đều chậm 6 tháng, dự án NĐ Mông Dương 1 chậm đến 1 năm.
Trên thực tế, hầu hết các dự án nguồn điện kể trên đều nằm trong diện được đặc cách của Chính phủ theo Quyết định (QĐ) 797/400 để sớm đưa vào vận hành, đảm bảo đủ điện trong các năm 2008-2010. Cụ thể QĐ 797 cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà tổng thầu xây lắp (là các TCty xây dựng, lắp máy, chế tạo cơ khí...) trong nước thay vì đấu thầu cạnh tranh đối với các công trình TĐ Pleikrong, A Vương, Buôn Kuốp, Quảng Trị... khởi công giai đoạn 2003-2004. QĐ 400 cho cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế ưu đãi 797 đối với các dự án TĐ Sông Ba Hạ, Sê San 4, Buôn Tua Srah, Đồng Nai 3-4, Thượng Kon Tum, Bản Chát, Huội Quảng... khởi công năm 2004-2005.
Tiếp theo các cơ chế cho phát triển thuỷ điện, ngày 9.11.2005, Thủ tướng lại có QĐ số 1195/QĐ-TTg quy định một số cơ chế chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng các công trình điện cấp bách giai đoạn 2006-2010. Theo đó, một loạt các dự án điện của các nhà đầu tư EVN và ngoài EVN đều được hưởng các cơ chế đặc thù về thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, nguồn vốn... nhưng công trình chậm vẫn hoàn chậm...
Không thể phạt được nhà thầu
Đến nay, nhiều dự án nằm trong TSĐ 5, nhưng phải chuyển tiếp sang TSĐ 6 vì chậm tiến độ đưa vào hoạt động. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình hình thiếu điện trầm kha. Song, nếu để phạt chậm tiến độ thì chắc chắn rằng chủ đầu tư (CĐT) EVN sẽ khó có thể phạt "chẻ hoe" nhà thầu như đối với các dự án đấu thầu quốc tế, bởi bản thân các nhà thầu đều do EVN chỉ định, năng lực của nhà thầu đến đâu không phải EVN không rõ. Song phần vì đã vét hết nguồn lực để bố trí vào các dự án, chưa kể, nhiều nhà thầu thậm chí chưa làm thuỷ điện bao giờ cũng được giao 1-2 công trình vì "không thế thì lấy ai làm" đã khiến các nhà thầu đều gồng mình quá sức.
Đối với một số dự án, việc được giao làm tổng thầu còn tạo đặc quyền đặc lợi cho các nhà thầu chính trong việc chọn những phần việc "ngon lành", đẩy phần "xương xẩu" cho nhà thầu phụ. Bởi vậy, đoàn công tác của Chính phủ đánh giá: "Vai trò của tổng thầu không được phát huy đầy đủ, không chủ động phối hợp với các nhà thầu trong tổ hợp...".
Trên thực tế, các nhà tổng thầu không hề thực hiện vai trò tổng thầu, mà chỉ đơn thuần làm nhà thầu chính, đến khi ráp nối các hạng mục của dự án thì tỏ ra rất lúng túng. Một nguyên nhân nữa phải kể đến là tình trạng vừa thiết kế, vừa thi công.
Chuyện chậm cung cấp bản vẽ thi công, dự toán không được cấp đồng bộ với thiết kế diễn ra khá phổ biến. Thậm chí một số dự án chưa có tổng dự toán được duyệt, nên nhà thầu như "thầy bói xem voi", vẫn phải áp dụng chế độ tạm thanh toán 80-85% giá trị khối lượng thực hiện.
Theo Lao Động