📞

Củng cố vững chắc quan hệ Việt Nam – Đan Mạch

14:18 | 02/11/2012
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen cho rằng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng nước này Helle Thorning-Schmidt là “dấu hiệu rõ rệt cho thấy mối quan hệ song phương giữa Đan Mạch và Việt Nam đã được củng cố vững chắc”.
Đại sứ John Nielsen tại cuộc họp báo ngày 31/10.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Đan Mạch tới Việt Nam. Tại cuộc họp báo hôm 31/10, Đại sứ John Nielsen cho biết, trong hai ngày thăm Việt Nam (7 và 8/11), Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bà Thủ tướng cũng sẽ giới thiệu và phát động Chiến dịch tăng trưởng tại Việt Nam nhằm tiến những bước mới đến một thỏa thuận hợp tác toàn diện sẽ được ký kết vào năm 2013 tại Copenhagen.

Theo Đại sứ John Nielsen, Việt Nam nằm trong danh sách 10 thị trường đang nổi mà các nhà lãnh đạo Đan Mạch và cộng đồng doanh nghiệp nước này hết sức quan tâm. Sự hiện diện của Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt tại các cuộc hội thảo về kinh doanh hay lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác thương mại giữa các công ty của Việt Nam và Đan Mạch sắp tới đây cho thấy sự ủng hộ của cá nhân Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt và của chính phủ Đan Mạch trong việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Theo số liệu Tổng cục Hải quan, năm 2011, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 400 triệu USD, tăng đáng kể so với con số hơn 300 triệu USD của năm 2010.

Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 10/2011, Đan Mạch có 92 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 622,9 triệu USD, đứng thứ 25 trong tổng số 93 nước, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 7 trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Đại sứ John Nielsen cho biết, hiện có hơn 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. “Đối với một quốc gia có dân số ít như Đan Mạch, ít hơn cả Thủ đô Hà Nội, thì con số kể trên là rất đáng chú ý”, ông Nielsen nhấn mạnh. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản... Đại sứ Nielsen hy vọng từ chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Đan Mạch, những lĩnh vực hợp tác mới sẽ được triển khai như y tế, phong điện.

Chia sẻ quan điểm làm thế nào để Việt Nam thu hút được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư từ Đan Mạch - một trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao nhất thế giới (trên 40.000 USD năm 2011), Đại sứ Nielsen cho rằng Việt Nam cần cải thiện hơn nữa về giáo dục, cơ sở hạ tầng (sân bay, cảng biển), ngân hàng và hệ thống tài chính.

Về việc phía Đan Mạch tuyên bố dừng 3 dự án ODA liên quan đến nghiên cứu chống biến đổi khí hậu, Đại sứ John Nielsen khẳng định rằng vụ việc này “không ảnh hưởng đến hỗ trợ của Đan Mạch đối với Việt Nam trong hiện tại lẫn tương lai”.

Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và hiện nay thuộc vào nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho Việt Nam. Kể từ năm 1972 đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 1 tỷ USD vốn ODA. Đan Mạch cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam đến hết năm 2015.

Khánh An