Đoàn công tác tỉnh Gia Lai do ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn đã đến Nhật Bản quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư trong thời gian từ ngày 20-25/8/2023. |
Cửa ngõ của khu vực
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi.
Gia Lai là tỉnh có tài nguyên du lịch rất phong phú với rừng núi điệp trùng, thác nước hùng vĩ, nhiều cảnh quan tự nhiên cũng như nhân tạo. Đây cũng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển thành vùng nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến các mặt hàng như: rau quả, cao su, cà phê, chè, mía đường, dược liệu, nuôi trồng thủy sản… Công nghiệp chế biến và du lịch phát triển cũng là điều kiện để thúc đẩy hạ tầng logistics và thương mại, xuất nhập khẩu phát triển theo.
Không chỉ thế, với tài nguyên nắng và gió dồi dào bậc nhất Tây Nguyên, tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Gia Lai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.347,89 MW.
Bên cạnh đó, Gia Lai có tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ m3, có thể phát triển các dự án thủy điện với quy mô công suất khoảng 3.000 MW. Về tiềm năng điện mặt trời, tỉnh có số giờ nắng bình quân 1.900-2.200 giờ/năm, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 7.500 MW.
Với vị thế là cửa ngõ của khu vực, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.
Cảng Hàng không Pleiku với các chuyến bay hàng ngày đi thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An… cùng các Quốc lộ 14, 19, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, kết nối Gia Lai với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và nhiều địa phương trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản
Những tiềm năng kể trên đã giúp Gia Lai trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư chiến lược, trong đó có Nhật Bản. Đất nước Mặt trời mọc luôn là một trong những quốc gia quan trọng mà Gia Lai muốn thúc đẩy hợp tác.
Về thu hút vốn đầu tư, hiện tại, có 2 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Gia Lai. Đó là Công ty Cổ phần Công nghiệp hóa chất Arakawa và Công ty Cổ phần Thương mại Meiwa với dự án Nhà máy khai thác, chế biến nhựa thông. Công ty Cellutane Việt Nam đầu tư dự án Nhà máy may và gia công chế biến gỗ.
Về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Nhật Bản và tỉnh Gia Lai đã có quan hệ hợp tác từ năm 1996, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ cho tỉnh Gia Lai thực hiện 29 dự án cải thiện cơ sở hạ tầng như: Đường 664 và Hoàng văn Thụ, Đường Nguyễn Trãi -Nguyễn Thái Học, Đường Chư A Thai – Ya Yeng – Ya Pa, Cầu Bến Mộng, Cấp nước thị trấn Ia Kha, Cấp nước Chư Pah, Dự án hệ thống cấp nước thị trấn Krông Pa, Thủy lợi EaUr, Dự án điện Đức Cơ, Điện Dakhlo, Dự án cầu qua sông Ba… với tổng vốn khoảng 13,183,650 USD.
Dự án Nâng cao năng lực phát triển nông nghiệp và nông thôn có sự tham gia của người dân để giảm nghèo" ở khu vực Tây Nguyên Việt Nam với tổng mức vốn đầu tư 3,5 triệu USD, được thực hiện trong thời gian 5 năm (2010 - 2014).
Hay dự án “Nâng cao năng lực phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển sản phẩm OCOP” giai đoạn 2023 - 2026 với tổng số vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Nhật Bản viện trợ là 500.000.000 Yên Nhật, triển khai tại 10 tỉnh, thành, trong đó có Gia Lai.
Về thương mại, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Nhật bản: Công ty TNHH TM và chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam, Công ty CP Khoáng sản Anh Khoa Gia Lai, Công ty Sản xuất đá Granit Hồng, Công ty TNHH MTV Nội thất Sesan, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH XNK Hoa Trang Gia Lai.
Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Gia Lai và Nhật Bản cũng được địa phương này hết sức chú trọng. Cụ thể như: UBND tỉnh tổ chức đoàn đi quảng bá địa phương tại Nhật Bản, tham gia Chương trình quảng bá địa phương tại Nhật Bản vào tháng 12/2019. Sau chuyến đi, tỉnh đang tiếp tục liên hệ triển khai các hoạt động kết nối với chính quyền thành phố Tosa, tỉnh Koichi, Nhật Bản. Đồng thời, tham gia các sự kiện do Bộ Ngoại giao tổ chức trong nước: Gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản (10/2017), Gặp gỡ Nhật Bản tại Hà Nội (11/2020).
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chủ trì, phối hợp với Trung tâm dịch vụ đối ngoại và Hội nghị Quốc tế (FSC), Trung tâm giao lưu Nhật - Việt tổ chức chương trình “Gặp gỡ Gia Lai – Nhật Bản 2022” trong khuôn khổ “Tuần lễ sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai” từ ngày 22-23/5/2022 với khoảng 300 khách mời gồm có Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng các doanh nghiệp, đại diện Bộ ngành, địa phương, chính trị gia, Văn nghệ sĩ Nhật Bản tham dự.
Mới nhất, đoàn công tác tỉnh Gia Lai do ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn đã đến Nhật Bản để quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư trong thời gian từ ngày 20-25/8/2023.
Toàn cảnh thành phố Pleiku, Gia Lai. (Ảnh: Phan Nguyên) |
Đánh thức tiềm năng
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giai đoạn phát triển mới mở ra cho Gia Lai những cơ hội phát triển đầy triển vọng. Những tiềm năng, lợi thế này cần được đánh thức,
Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU với quan điểm phải thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai trở thành động lực của vùng Tây Nguyên, có vị thế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Đồng thời, Gia Lai sẽ trở thành vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, đa dạng các sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu; gắn sản xuất với chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp.
Trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, tỉnh phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới trên 3.000-3.500 MW, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỷ đồng. Cùng với đó, du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ cùng phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch đón 1,7 triệu lượt khách…
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai các loại quy hoạch, nhất là các quy hoạch trọng tâm, các quy hoạch liên quan đến thu hút đầu tư, các dự án đầu tư có sử dụng đất theo đúng quy định.
Song song với đó, Gia Lai sẽ cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, phát triển công nghiệp tái tạo...
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc chuyên nghiệp, gần gũi, lắng nghe và giải quyết các yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư, xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch với các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ... để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản đến Gia Lai, cùng đánh thức tiềm năng, hợp tác và phát triển.
Báo cáo của tỉnh Gia Lai cho thấy, tổng sản phẩm bình quân (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,1% giai đoạn 2021 - 2023 (chỉ tiêu là từ 8,6% trở lên); GRDP bình quân đầu người đạt 71,42 triệu đồng năm 2023 (chỉ tiêu đến năm 2025 là 79,5 triệu đồng). Giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 3,97%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 152.000 tỷ đồng (tăng bình quân 17,24%/năm). Giai đoạn 2021 - 2023, ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng bình quân 14,33%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2021, 2022 và ước năm 2023 lần lượt đạt 72.259 tỷ đồng, 89.643 tỷ đồng và 108.000 tỷ đồng. Hệ thống thương mại phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô hoạt động ở cả thành thị và nông thôn. |