📞

Cuộc cách mạng đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới

16:59 | 19/08/2016
Các nhà sử học thế giới đã ghi nhận Cách mạng tháng Tám của Việt Nam cần được đặt ngang hàng với những cuộc cách mạng Pháp, Nga, Trung Quốc…

Khi nghiên cứu tìm hiểu lịch sử Việt Nam, Cách mạng tháng Tám được xem như sự kiện đánh dấu sự xuất hiện của một đất nước, một dân tộc đã có bề dày lịch sử với biết bao chiến công chói lọi và truyền thống văn hóa cao đẹp.

David Marr - nhà sử học Mỹ đã viết: “Mặc dầu nhỏ hơn về quy mô, cuộc cách mạng của Việt Nam cần được đặt ngang hàng với những cuộc cách mạng Pháp, Nga, Trung Quốc về các mặt mục đích và sự so sánh phê phán. Nó là một minh chứng hàng đầu của một sự nổi dậy cách mạng triệt để trong một khung cảnh thuộc địa… sự thẩm thấu giữa chiến tranh và cách mạng trở nên rõ rệt: 1945 là màn đầu của một vở kịch hùng tráng… với những ảnh hưởng còn đến cả ngày nay trong xã hội Việt Nam”.(1)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 và bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đưa Việt Nam tiến thẳng vào kỷ nguyên mới. (Nguồn: FinancePlus)                                                                     

Có nhiều ý kiến đặt vấn đề là: như vậy tổng khởi nghĩa tháng Tám chúng ta giành chính quyền từ tay ai? Trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất rõ: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Trên thực tế nhân dân ta đã giành độc lập, tự do từ tay phát xít Nhật và bộ máy chính quyền thân Nhật.

Từ tháng 3/1945, Việt Nam đã rơi vào tình trạng hỗn loạn do khoảng trống về quyền lực chính trị quá lớn. Người Nhật đang lo chống đỡ các đòn tấn công của quân đội đồng minh Anh – Mỹ, chính phủ của Trần Trọng Kim lẫn triều đình của vua Bảo Đại đều không đủ lực lượng quân sự và uy tín chính trị để kiểm soát tình hình. Quân Nhật bắt dân phá lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh, cộng thêm thiên tai (nạn đói Ất Dậu) ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã làm khoảng hai triệu người chết đói.

Trong thời điểm đó, cuộc họp ngày 13/8/1945 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tham gia của đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng đã nhận định rằng những điều kiện cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi và chuẩn bị lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa.

Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập gồm: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị và Chu Văn Tấn. Tuy nhiên, nhiều nơi đã nổi dậy khi chưa nhận được chỉ thị của Trung ương. Trung ương đã cử đoàn cán bộ gồm Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận vào Huế; Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lãnh, Nguyễn Thị Thập vào Sài Gòn để đôn đốc khởi nghĩa.

Ngày 14/8/1945 một số cán bộ Đảng Cộng sản và Việt Minh dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng căn cứ vào tình hình, và chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã quyết định cùng nhân dân khởi nghĩa.

Ngày 16/8/1945, một đơn vị giải phóng quân của Việt Minh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào (Tuyên Quang) kéo về bao vây, tấn công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên.

Ở Huế, ngày 17/8/1945, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh ra mắt quốc dân nhưng cuộc mít tinh đã trở thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Ngày 23/8/1945 khởi nghĩa ở Huế giành thắng lợi. Chỉ đạo khởi nghĩa có Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu và sự đóng góp của lực lượng thanh niên tiền tuyến.

Tại miền Nam, ở Sài Gòn, hành động chuyển giao quyền lực có ý nghĩa biểu tượng quan trọng là lời cam kết ngày 22/8/1945 của Thống chế Terauchi với đồng chí Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch – hai đại diện cao cấp của Việt Minh – về việc quân Nhật không can thiệp nếu Việt Minh giành chính quyền. Ông Terauchi còn trao kiếm cá nhân và khẩu súng tùy thân cho đại diện của Việt Minh đã làm tin.

Ngày 25/8/1945, Việt Minh và thanh niên Tiền phong làm nòng cốt tổ chức biểu tình và giành chính quyền tại Sài Gòn (nơi chịu sự cai trị trực tiếp của Nhật). Chỉ đạo nổi dậy ở nội thành là nhóm Việt Minh Tiền phong do Trần Văn Giàu chỉ đạo.

Tại Hà Nội, sáng ngày 19/8/1945 hàng chục vạn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả kéo về quảng trường Nhà Hát Lớn. Khoảng 10h30, một cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng được bảo vệ của Thanh niên tự vệ, của tổ chức Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội đã diễn ra. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa.

Chỉ đạo khởi nghĩa ở Hà Nội có Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, Nguyễn Quyết.

Trong điện gửi về Tokyo, Đại sứ Nhật tại Đông Dương xác nhận: “Chiều ngày 19/8, Đại sứ đã “ được mời” đến dự cuộc gặp với các lãnh đạo Etsumei (Việt Minh) và đã tham gia bàn bạc với những người đó, được coi như là các nhà chức trách chính thức”. (2)

Đến ngày 28/8/1945, Việt Nam giành được chính quyền toàn quốc. Hai tỉnh giành được chính quyền cuối cùng là Hà Tiên và Đồng Nai Thượng.

Sau khi Việt Minh giành chính quyền ở Hà Nội và nhiều nơi khác, Thủ tướng của chính phủ bù nhìn được đế quốc Nhật bảo hộ là Trần Trọng Kim (ở Huế) nộp đơn xin từ chức.

Ngày 22/8/1945, Việt Minh gửi công điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Trước đó, sau khi suy nghĩ và bàn bạc với Đại thần Phạm Khắc Hòe vua Bảo Đại tức Nguyễn Vĩnh Thụy đã có quyết định cuối cùng là “Ông sẵn sàng thoái vị ngay nếu người đứng đầu Việt Minh là Nguyễn Ái Quốc”.(3)

Bảo Đại tuyên bố chấp nhận thoái vị, từ bỏ ngai vàng trở thành công dân Vĩnh Thụy. Ngày 25/8/1945 hàng ngàn người tụ tập trước cửa Ngọ Môn xem nhà Vua đọc Tuyên ngôn thoái vị, ông tuyên bố: “Trẫm đã quyết định thoái vị, và trẫm trao quyền cho chính phủ Dân chủ Cộng hòa và “muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị”...(4). Sau khi đọc Tuyên ngôn thoái vị, vua Bảo Đại đã trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho ông Trần Huy Liệu.

Ông Trần Huy Liệu đại diện Việt Minh phát biểu trong lễ thoái vị cảu hoàng đế Bảo Đại, mấy vạn đồng bào vỗ tay và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”. Sau đó hoàng đế Bảo Đại được nhận huy hiệu cờ đỏ sao vàng từ ông Nguyễn Lương Bằng.

Khi vua Bảo Đại chính thức thoái vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tân Trào về Hà Nội, dân chúng lúc đó vẫn chưa biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc.

Sáng 26/8/1945, tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ TW Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc họp quyết định chuẩn bị tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để ra mắt chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và khẳng định: “Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.

Tiếp theo đó nhà nước non trẻ tổ chức tổng tuyển cử xây dựng nhà nước dân chủ, độc lập đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Hồ Chí Minh được 98% số phiếu bầu.

Tháng 9/1945 ông Vĩnh Thụy được chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa mời ra Hà Nội nhận chức “Cố vấn tối cao Chính phủ lâm thời Việt Nam”. Ông là một trong 7 thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngày 06/1/1946, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Ngày 16/3/1946 ông tham gia phái đoàn Việt Nam dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm Trung Hoa, nhưng ông không trở về nước.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của Thực dân Pháp trong gần một thế kỷ tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế hơn một nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã mở đường đưa dân tộc Việt Nam tiến thẳng vào kỷ nguyên mới trong lịch sử của mình: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đồng thời còn khẳng định tính chính danh của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên chính trường quốc tế. 

------------------------                                                                                                                         

  1. David Marr – Vietnam 1945 – The Quest for Power (Việt Nam măm 1945 – Sự tìm kiếm quyền lực – NXB Đại học California, Berkeley, 1995, Tr4 – 10, XXV, 4 và 2;
  2. Dẫn lại theo Lê Trọng Nghĩa -  “ Các ủy ban nhân dân cách mạng ra mắt ở Hà Nội sau khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám”, in trong: 19 – 8: Cách mạng là sáng tạo, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 1995, tr.94;
  3.  Bảo Đại, những ngày cuối cùng của vương triều An Nam – Daniel Grandclément – NXB Phụ Nữ - tr.205;
  4. Báo Giaoduc.net.

   

                                                                

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu