Tuy hy vọng tìm thấy những người sống sót dưới đống đổ nát sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nhỏ, nhưng lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực chạy đua với thời gian để giải cứu người bị nạn.
Tính đến nay, thảm hoạ động đất kinh hoàng ngày 6/2 tại khu vực giáp ranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến gần 45.000 người thiệt mạng, trong đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ là 39.672 trường hợp và ở Syria là 5.814 người. Hơn 10 ngày trôi qua, tuy cơ hội tìm thấy người sống sót ngày càng giảm nhưng các lực lượng cứu hộ vẫn làm việc cật lực, cố gắng chạy đua với thời gian, tiếp tục tìm những người sống sót. (Nguồn: Al Jazeera)
Một nhóm nhân viên cứu hộ tại khu phố Ibrahimli, khu vực có nhiều tòa nhà bị vùi lấp nhất ở Gaziantep, vẫn miệt mài tìm kiếm trong đêm với hy vọng vẫn tìm thấy những người sống sót. (Nguồn: Al Jazeera)
Những chiếc lều trú ấn tạm thời cho các nạn nhân ở gần ga xe lửa tại Gaziantep. Họ vẫn mong chờ phép màu đến với với người thân của mình. (Nguồn: Al Jazeera)
Nhiều tình nguyện viên đã tham gia công tác cứu hộ. Trong ành: Levant và các đồng đội của đội cứu hộ Arama ve Kurtarma (tạm dịch: Tìm kiếm và Cứu hộ), điều phối các hoạt động cứu hộ tại đống đổ nát của một tòa nhà ở Gaziantep. (Nguồn: Al Jazeera)
Một nhóm nhân viên cứu hộ đứng trên đống đổ nát để quan sát hiện trường. “Chúng tôi luôn hy vọng những điều kỳ diệu sẽ xảy ra, có xuất hiện sự sống, dù chỉ là một con mèo", Levant nói. (Nguồn: Al Jazeera)
Tại thời điểm này, mọi khoảng cách về địa lý, tôn giáo đều được kéo gần lại, mọi người đều đồng lòng vì công tác cứu trợ nhân đạo. Trong ảnh: Các đội tình nguyện quốc tế cung cấp thức ăn cho các đội tìm kiếm và cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã làm việc không ngừng nghỉ trong nhiều ngày qua. (Nguồn: Al Jazeera)
Vào 22h ngày 9/2, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam gồm 24 cán bộ, chiến sĩ xuất phát từ sân bay Nội Bài, thực hiện chuyến công tác, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm sự sống còn dưới đống đổ nát. Ngày 10/2, đoàn đặt chân đến sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khi hạ cánh, đoàn tiếp tục nối chuyến bay và đến thành phố Adana, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa động đất. Trong ảnh: Cuộc chạy đua với thời gian tìm kiếm người bị nạn trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ của các cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an Việt Nam. (Nguồn: Thông tin chính phủ)
Tối 17/2, đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (C07) Bộ Công an cho biết, đoàn cứu nạn quốc tế của Bộ Công an Việt Nam vừa kết thúc chuyến cứu hộ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 12/2, đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng cũng đã đến Thổ Nhĩ Kỳ tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ tại nước này. Trong thời gian vừa qua, các lực lượng cứu hộ của Việt Nam không chỉ giúp tìm kiếm người bị nạn, mà sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ về mọi mặt, bất kể khi nào họ cần. Đáp lại, nhân dân ở đây cũng giúp đỡ đoàn thực hiện nhiệm vụ hay đơn giản là chia sẻ phần nước uống của mình- vốn rất khan hiếm cho cả những "người lính" đặc biệt này của quân đội nhân dân Việt Nam. (Nguồn: Thông tin Chính phủ)
Người dân dành tình cảm, xúc động cảm ơn chiến sĩ cứu nạn cứu hộ Việt Nam. Tính đến nay, đoàn cứu nạn Việt Nam đã cứu sống được một thiếu niên 17 tuổi và tìm được 14 thi thể nạn nhân, đưa ra ngoài. Đoàn Việt Nam cũng được nhân dân, các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao về năng lực, tinh thần làm việc. Tới chiều tối ngày 16/2 (giờ Việt Nam), lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp nước bạn xác định được 11 vị trí có nạn nhân do trận động đất vừa qua, trong đó có 2 vị trí có dấu hiệu sự sống. (Nguồn: Thông tin Chính phủ)
Nhờ nỗ lực của lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế, những điều kỳ diệu đã xảy ra. Tại tỉnh Hatay thuộc miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, phép màu tiếp tục xảy ra khi các lực lượng cứu hộ ở đây đã giải cứu thành công cậu bé Osman Halebiye, 12 tuổi, bị mắc kẹt 11 ngày dưới đống đổ nát của một tòa nhà nằm ở thành phố Antakya. Trong ảnh: Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca tới thăm cậu bé Osman Halebiye tại bệnh viện. (Nguồn: Anadolu)
Trong khi đó, phép màu tiếp tục xảy ra tại tỉnh Hatay, các nhóm cứu hộ tại đây đã giải cứu thành công ông Hakan Yasinoglu, 45 tuổi, bị mắc kẹt 278 tiếng đồng hồ (hơn 11 ngày) dưới đống đổ nát của một tòa nhà nằm ở quận Defne. Ông Hakan Yasinoglu được đưa tới bệnh viện. (Nguồn: Anadolu)