Nhỏ Bình thường Lớn

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

“Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đòi hỏi các quốc gia trong khu vực ASEAN phải hợp tác với nhau vì lợi ích chung”.
TIN LIÊN QUAN
cuoc chien chong bien doi khi hau Khi động vật hoang dã biến mất ở châu Phi
cuoc chien chong bien doi khi hau Hàng ngàn người Mỹ sẽ chết do biến đổi khí hậu?

Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen Groff. Năm 2015 quả thực là một năm đặc biệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi thế giới chứng kiến một trong những năm nóng nhất trong lịch sử và một chu kỳ El Nino đang trở lại, tàn phá nhiều hệ sinh thái. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 21 gồm các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21) vào tháng 12/2015, Thỏa thuận Paris được thông qua làm dấy lên hy vọng các quốc gia trên thế giới sẽ đồng lòng chung tay thực hiện cam kết cắt giảm khí thải nhà kính nguy hiểm (GHG).

Thời gian qua, Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thời tiết khắc nghiệt: hạn hán trên diện rộng ảnh hưởng đến mùa màng ở Campuchia, Thái Lan và Việt Nam; sụt giảm sản lượng thủy sản ở Việt Nam và Philippines; tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Việt Nam; hay những vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong gần 20 năm qua ở Indonesia...

Hơn nữa, tác động của biến đổi khí hậu tại ASEAN lại càng nghiêm trọng khi khu vực này chủ yếu là các quốc gia đang phát triển. Vì thế, mối liên hệ giữa đói nghèo, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu chưa bao giờ thể hiện mạnh mẽ đến thế. Điều này đòi hỏi các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác, gắn kết hơn nữa để giảm thiểu và thích ứng với mối đe dọa an ninh phi truyền thống này.

cuoc chien chong bien doi khi hau
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 tại Hà Nội ngày 28/10/2015. (Nguồn: monre.gov.vn)

Hậu quả kinh tế

Biến đổi khí hậu là một trong các yếu tố quan trọng quyết định đến việc ASEAN có thể giải quyết được vấn đề đói nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân hay không? Theo một nghiên cứu năm 2015 của ADB, ước tính thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu tại khu vực lên đến 60%, cao hơn dự toán năm 2009 và có xu hướng tiếp tục tăng nếu các biện pháp giảm thiểu tác động không được nhanh chóng thực hiện. Dự đoán điều này sẽ gây sụt giảm 11% tổng GDP trong khu vực vào năm 2100.

Hơn nữa, thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến lũ lụt thường xuyên. Lũ lụt kết hợp với nước biển dâng sẽ nhấn chìm nhiều vùng đất đai ven biển, tàn phá cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và buộc hàng triệu người phải di cư. Cái vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục diễn ra như vậy với những hậu quả ngày một nặng nề hơn.

Trong khi đó, chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu là tương đối cao. Tuy vậy, những lợi ích kinh tế thu về từ các hoạt động nhằm ổn định khí hậu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu vượt xa chi phí bỏ ra, mà theo các nhà nghiên cứu ước tính có thể gấp tới 11 lần.

Phát triển nền kinh tế carbon thấp

Trong ASEAN, một trong những vấn đề cần ưu tiên hàng đầu là giảm tốc độ phá rừng, tạo ra hiệu quả tức thì đối với việc giảm phát thải và thậm chí có thể giảm  một nửa tổng thiệt hại từ biến đổi khí hậu.

cuoc chien chong bien doi khi hau
Máy bay trực thăng MI-17 tham gia dập lửa cháy rừng tại Ogan Komering Ilir, tỉnh Nam Sumatra ngày 17/10/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vụ cháy rừng năm ngoái ở Indonesia đã phá hủy 3 triệu hecta đất và làm thiệt hại khoảng 14 tỷ USD. Nông lâm nghiệp, y tế, giao thông vận tải và du lịch chịu tổn thất nặng nề. Nhưng đáng báo động hơn cả là tác động của thực trạng này tới khí hậu của Indonesia và các nước lân cận. Năm 2015, Indonesia đã trở thành quốc gia phát thải lượng carbon lớn nhất thế giới. Vì các đám cháy này mà khói mù trung bình hàng ngày trong tháng 9 và tháng 10 tại Indonesia cao hơn bình thường tới 10 lần.

Giải pháp hiệu quả hiện nay mà các nước ASEAN cần triển khai là đẩy mạnh nỗ lực sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường như thu giữ và ngưng tụ carbon (CCS), các công nghệ tiết kiệm năng lượng, cải thiện và giảm sử dụng năng lượng. Đây chính là phương án tối ưu nhằm giảm lượng khí thải dài hạn. Nếu không thay đổi mô hình sử dụng năng lượng hiện có, bao gồm từ than đá và dầu mỏ, ước tính lượng khí thải nhà kính trong khu vực có thể tăng thêm 60% vào năm 2050.

Hợp tác là chìa khóa

Đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu, hợp tác khu vực chưa bao giờ trở nên cấp thiết đến thế. Hợp tác hứa hẹn sẽ là chìa khóa để ASEAN giải quyết mọi thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu. Vừa qua Indonesia và Malaysia đã hợp tác thành lập Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ. Đây là một điển hình cho sự hợp tác khu vực, khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp xanh. Song song với việc thúc đẩy hoạt động buôn bán dầu cọ, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thế giới, Hội đồng này sẽ đặt ra các quy chuẩn cao hơn về nông nghiệp bền vững, qua đó sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng đốt rừng lấy đất để làm nông nghiệp.

Về mặt công nghệ, các nước ASEAN có thể tận dụng kinh nghiệm từ các nước phát triển. Hiện các nước như Australia, Canada, Na Uy, Anh và Mỹ đang hợp tác triển khai 14 dự án CCS quy mô lớn và tám công trình CCS đã được xây dựng, dự kiến có thể giảm bớt được khoảng 40 tấn khí thải mỗi năm. Hơn thế, đây thực sự là cơ hội tuyệt vời để các quốc gia ngồi lại cùng nhau, chia sẻ kiến thức và bài học kinh nghiệm về việc áp dụng công nghệ này.

Ngày 29/10/2015, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu năm 2015. Sự kiện này được đánh giá là một bước khởi đầu cho lộ trình hướng tới phát triển môi trường bền vững, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ASEAN.

Mô hình kinh doanh khí thải

Bên cạnh đó, các nước ASEAN cần bàn bạc để thiết lập một thỏa thuận thương mại carbon trong khu vực. Nếu các quốc gia thành viên ASEAN có thể tạo một hệ thống kinh doanh khí thải (ETS), ADB ước tính rằng hầu hết các quốc gia Hiệp hội có thể tránh được việc phải tự mình đương đầu với bài toán giảm lượng khí thải.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), định giá carbon là một phần chính sách quan trọng nhằm giảm phát thải và hướng đến nền kinh tế carbon thấp và bền vững trong tương lai. Việc định giá carbon sẽ tác động tới các quyết định thường ngày định hình hành vi kinh tế trên toàn thế giới. Một khi người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà đầu tư bắt đầu phải trả một phần chi phí cho lượng khí thải carbon gây ô nhiễm, họ sẽ chuyển sang các sản phẩm và khoản đầu tư có lợi cho giảm phát thải và ổn định khí hậu...

Mô hình EST ở EU có thể là một ví dụ tham khảo hữu ích cho ASEAN. Mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc “định mức và kinh doanh”, cụ thể là EU xây dựng một mức trần đối với tổng lượng khí nhà kính được phép xả ra môi trường từ các nhà máy và nhiều thành phần khác trong hệ thống. Định mức trên sẽ giảm dần theo thời gian để cưỡng chế tổng lượng khí thải cũng phải giảm theo.

Bằng cách đặt giá cho lượng khí thải carbon và từ đó tạo ra giá trị tài chính cho mỗi tấn khí thải tiết kiệm được, ETS đã biến câu chuyện biến đổi khí hậu trở thành mối quan tâm trong hoạt động thường nhật của doanh nghiệp khắp châu Âu. Giá carbon đủ cao sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển hướng sang đầu tư vào công nghệ sạch với độ xả thải carbon thấp, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Nhờ mô hình này, EU đã thành công trong việc thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ carbon thấp, chuyển giao công nghệ và góp phần tích cực vào dòng chảy tài chính khí hậu. Đồng thời, họ xây dựng được các chính sách khí hậu và cơ chế thị trường để tính toán, định hướng và kiếm tiền ngay từ việc giảm phát thải.

Phát triển một ETS tại khu vực ASEAN chắc chắn khả thi nhưng phải triển khai trong thời gian dài. Bởi có thể chương trình này sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn, bao gồm cả các vấn đề hài hòa và phối hợp cơ sở kỹ thuật, các khuôn khổ pháp lý và quy định. Vấn đề là làm thế nào để các thành viên trong khu vực, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức như ADB, có thể vượt qua rào cản đó?

Xét cho cùng, lời giải cho bài toán này vẫn là hợp tác đa bên. Bên cạnh việc phối hợp với các đối tác quốc tế như tại Hội nghị COP 21, các nước ASEAN cũng cần tìm ra những biện pháp riêng phù hợp với trình độ phát triển của khu vực. Môi trường sống trong lành không phải là lợi ích riêng của mỗi quốc gia, đặc biệt, khi ASEAN đã hình thành cộng đồng với phương châm “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta” thì việc chung tay xây dựng ngôi nhà chung ASEAN “đáng sống” là vô cùng cần thiết.

cuoc chien chong bien doi khi hau
GDP bốn nước ASEAN vượt 1.000 tỷ USD năm 2030

Điều này góp phần tăng vị thế địa chính trị và kinh tế của ASEAN trên trường quốc tế.

cuoc chien chong bien doi khi hau
"Bát mì FTA" của ASEAN

Việc có quá nhiều FTA song phương được ký kết đã đe dọa phá hỏng mục tiêu ASEAN trở thành một thị trường chung đồng ...

cuoc chien chong bien doi khi hau
“ASEAN: Cộng đồng của những cơ hội”

Đây là hội thảo do Ủy ban ASEAN tại Athens, Hy Lạp phối hợp với trường Đại học Quốc gia Kapodistrian Athens tổ chức.

Trang Trần (tổng hợp)

Tin cũ hơn