Các đại biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP28) tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, ngày 1/12/2023. (Nguồn: Reuters) |
Tác động của La Nina, El Nino
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nguyên nhân của thời tiết bất thường là El Nino và La Nina. El Nino là hiện tượng nóng lên bất thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng và thường xuất hiện 3-4 năm/lần. La Nina ngược với El Nino, là lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh bất thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Sự chuyển đổi giữa hai hình thái thời tiết này luôn gây ra các thảm họa thời tiết như cháy rừng, bão nhiệt đới và hạn hán kéo dài.
Chu kỳ El Nino lần này bắt đầu vào tháng 6/2023, đạt đỉnh tháng 12/2023 và hiện đang tiếp tục gây ra tình trạng nắng nóng kỷ lục tại nhiều khu vực trên thế giới. Giai đoạn hiện nay là một trong năm đợt El Nino mạnh nhất mà WMO ghi nhận được, chỉ sau các đợt “siêu El Nino” năm 1982-1983, 1997-1998 và 2015-2016. El Nino làm nhiệt độ đặc biệt tăng cao vào năm 2023, được ghi nhận là năm nóng nhất kể từ năm 1850, khi bắt đầu có các ghi chép về nhiệt độ và vượt kỷ lục năm 2016 là 0,16°C.
Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu vượt quá thời kỳ tiền công nghiệp 1,45°C, trong khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên dưới mức 1,5°C. Hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa lớn hoặc hạn hán được cảnh báo sẽ thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.
Những kỷ lục buồn
Chỉ từ cuối tháng 8/2024, châu Á liên tiếp chứng kiến hai siêu bão có sức tàn phá khủng khiếp. Đó là bão Shanshan - một trong những cơn bão mạnh nhất tấn công Nhật Bản từ năm 1960 - với sức gió lên tới 252 km/h vào ngày 29/8. Tiếp theo là bão Yagi đổ bộ vào Philippines, Trung Quốc, Việt Nam… từ ngày 2/9, với sức gió mạnh nhất là 260 km/h, gây mưa lớn, lở đất và lũ lụt khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan…
Khi hậu quả của bão Yagi đang được khắc phục, thì bão Bebinca đã áp sát vùng đảo Amami, Tây Nam Nhật Bản ngày 14/9, gây mưa to, gió lớn và triều cường cao. Sau khi quét qua Nhật Bản, bão Bebinca hoành hành tại Philippines ngày 15/9 rồi đổ bộ vào Thượng Hải (Trung Quốc) sáng 16/9. Đây cũng là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất tấn công vào Thượng Hải trong hơn bảy thập kỷ qua.
Ở châu Mỹ, cơn bão nhiệt đới Ileana hình thành từ ngoài khơi Thái Bình Dương rồi đổ bộ vào thành phố Los Cabos, miền Tây Mexico ngày 12/9. Bão Ileana đi quét qua tiểu bang Baja California Sur vào ngày 13/9 mang theo những trận mưa như trút nước, gây ra lũ lụt nghiêm trọng cho khu vực này.
Trước đó, bão Francine đổ bộ bang Louisiana, Mỹ vào ngày 11/9, với sức gió trên 160 km/h gây lũ quét và mất điện ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người. Chỉ trong một ngày, Louisiana phải hứng chịu lượng mưa lớn tương đương một tháng.
Trong tuần qua, bão Boris kèm theo mưa lớn kéo dài đã gây ra lũ lụt tồi tệ nhất tại Trung, Đông và Nam Âu trong ba thập kỷ qua, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho Romania, Ba Lan, Áo, Czech, Italy…
Cần hành động mạnh mẽ
Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ nước biển tăng lên gần mức kỷ lục (1,5 độ C), khiến mùa bão năm nay hoạt động mạnh hơn bình thường. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI vì biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người trên Trái đất.
Số liệu thống kê cho thấy, trong vòng 30 năm gần đây, số lượng cơn bão cấp độ mạnh đã tăng gần gấp đôi. Chính mức nhiệt cao trên đại dương và trong khí quyển cấp thêm sức mạnh cho những cơn bão, đẩy tốc độ bão đạt mức kinh hoàng và diễn ra ngày một nhiều hơn. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Climate and Atmospheric Science và tạp chí Nature ngày 31/7, các cơn bão ở Đông Nam Á đang hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và kéo dài hơn trên đất liền do biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore, Đại học Rowan và Đại học Pennsylvania ở Mỹ, dựa vào phân tích hơn 64.000 cơn bão trong lịch sử và tương lai được mô hình hóa từ thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XXI.
Nhóm các nhà nghiên cứu trên giải thích rằng, biến đổi khí hậu làm thay đổi đường đi của các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á. Tiến sĩ Andra Garner (Đại học Rowan) cho biết, những khu vực đông dân cư dọc bờ biển Đông Nam Á đang là “điểm nóng” chịu tác động nặng nề nhất, đặc biệt là khi những cơn bão ngày càng trở nên tàn khốc hơn và dân số tiếp tục gia tăng. Vì vậy, theo Tiến sĩ Andra Garner, có hai việc cần hành động ngay trước khi quá muộn. Thứ nhất, giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để hạn chế tác động của các cơn bão trong tương lai. Thứ hai, tăng cường bảo vệ bờ biển trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của bão. Ngoài đối mặt với những cơn bão, mưa lũ tăng lên, hiện tượng nắng nóng cực đoan cũng là một trong những thách thức lớn đối với toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Những tháng hè vừa qua, nhiều nơi trên thế giới chứng kiến nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại.
Trọng tâm ở các diễn đàn
Những vấn đề về môi trường đang trở thành chủ đề chính tại các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu. Bên cạnh các biện pháp nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C theo yêu cầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015, các chuyên gia chỉ ra rằng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu chỉ có thể trở thành hiện thực khi nguồn lực tài chính dành cho chống biến đổi khí hậu được hỗ trợ đầy đủ. Để giải “bài toán” tài chính khí hậu, Liên hợp quốc công bố dự thảo về tài chính khí hậu để đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11 tới. Tài liệu này hướng tới mục tiêu thay thế cam kết của các nước phát triển đóng góp 100 tỷ USD/năm giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu với mức tài trợ cao hơn.
Theo khối các nước Arab, các nước phát triển nên cam kết ít nhất 441 tỷ USD mỗi năm dưới dạng tài trợ trong giai đoạn 2025-2029 để huy động các khoản vay và tài chính tư nhân, qua đó nâng tổng số tiền hỗ trợ hàng năm lên 1.100 tỷ USD. Trong khi đó, các nước châu Phi kỳ vọng con số mục tiêu hàng năm là 1.300 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, thế giới còn thiếu các hành động thực chất, quyết liệt để hiện thực hóa những tầm nhìn về khí hậu đã đề ra. Theo thống kê, đến nay, các quốc gia phát triển đã cam kết đóng góp khoảng 661 triệu USD vào Quỹ tổn thất và thiệt hại, vốn được chính thức khởi động tại COP28 tại UAE (12/2023). Song, số tiền cam kết hiện nay không thấm tháp gì so với con số hơn 100 tỷ USD/năm mà giới chuyên gia cho là các nước đang phát triển cần mỗi năm để bù đắp tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.
Hiện Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Iceland, New Zealand và Australia lập luận rằng, họ chỉ chịu trách nhiệm với gần 30% lượng khí thải. Các nước này muốn đưa thêm Trung Quốc và các nước vùng Vịnh vào danh sách nhà tài trợ. Việc các nước giàu có chưa sẵn sàng “mở rộng hầu bao” giúp các nước đang phát triển thích ứng biến đổi khí hậu là không khó hiểu, khi hàng loạt thách thức đan xen khác như triển vọng kinh tế toàn cầu bấp bênh, các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, mối đe dọa dịch bệnh… đang tạo gánh nặng tài chính cho các nước giàu. Các quốc gia phát triển, trong đó có Mỹ, từng nêu rõ các khoản đóng góp về tài chính khí hậu phải dựa trên cơ sở tự nguyện và kêu gọi các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Saudi Arabia đóng góp nhiều hơn.
Trong bối cảnh thảm hoạ thiên nhiên ngày càng khốc liệt, diễn ra với tần suất dày hơn, chủ đề chống biến đổi khí hậu được nhấn mạnh tại phiên họp chung Đại hội đồng LHQ khoá 79 và tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai vừa diễn ra. Biến đổi khí hậu và cuộc chiến cam go này sẽ tiếp tục là trọng tâm của COP29 vào tháng 11 tới tại Baku, Azerbaijan. Tuy vậy, việc chính phủ các nước “cam kết và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các mục tiêu khí hậu” như một chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và “mở hầu bao” như thế nào được coi là phép thử lớn về sự hợp tác và ý chí đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – cuộc chiến mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể thực hiện hiệu quả riêng mình.