Ảnh minh họa |
Google - Facebook: Cuộc chiến mạng xã hội
Cuộc chiến giữa hai đại gia công nghệ này thực chất những năm qua chưa từng lặng sóng và được nâng đến đỉnh điểm khi Google tung ra sản phẩm Google+ trực tiếp cạnh tranh với Facebook trên thị trường mạng xã hội.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến những thách thức giữa hai ông lớn về công nghệ và cuộc chiến giữa Google và Facebook trong lĩnh vực web xã hội xuất hiện từ khi Microsoft đầu tư hơn 250 triệu USD vào Facebook năm 2007. Áp lực càng gia tăng khi Microsoft và Facebook đạt được không ít thành công trong lĩnh vực quảng cáo.
Nhằm "trả đũa" liên minh Facebook - Microsoft, năm 2008, Google đã đầu tư 1 tỷ USD vào Myspace và quảng cáo của mình lên trang này. Thời điểm lúc đó, Myspace vẫn còn nổi tiếng hơn Facebook. Sau đó Google đăng quảng cáo của mình lên các trang xã hội mở khác trừ Facebook. Điều này làm gia tăng mối nghi ngại rằng Google đã bí mật liên minh với các trang xã hội khác, và không ai xác thực được điều này cho đến khi Google chính thức công bố.
Liền sau đó Facebook đã nhanh tay ngăn chặn ý định của Google và đồng minh của hãng này khi cho phép chủ sở hữu trang cá nhân thêm bạn bè từ các trang xã hội khác và các dịch vụ mạng khác. Facebook tiếp tục mở rộng, khi không những mở rộng cung cấp thêm dịch vụ tìm kiếm mà còn "lôi kéo" được không ít nhân tài từ Google, tiêu biểu như Lars Rasmussen (người đồng sáng lập ra Google Maps), Matthew Papakipos (người đứng đầu dự án phát triển Chrome OS và Google Chrome)… và gần đây nhất là Paul Adams, người tạo ra tính năng vòng tròn bạn bè trên Google+.
Trước sự lớn mạnh không ngừng của Facebook, nhận rõ mối đe dọa từ công ty công nghệ non trẻ này, Google đã dồn mọi lực lượng, quyết tâm cho ra đời mạng xã hội Google+ chỉ trong 4 năm. Chỉ sau 3 tuần phát hành, mạng xã hội mới này nhanh chóng đạt đến ngưỡng 20 triệu người dùng. Cuộc chiến giữa hai đại gia công nghệ này được dự báo sẽ còn tiếp tục "nóng", đặc biệt là sau khi Google cho ra mắt phiên bản Google+ dành cho doanh nghiệp.
Apple - Samsung: Từ bạn thành thù
Mối quan hệ thân thiết của Samsung và Apple là điều không phải tranh cãi khi Samsung là một trong những đối tác cung cấp linh kiện lớn nhất của Apple với giá trị thương mại hàng năm lên tới hàng tỷ USD. Tuy nhiên, mối quan hệ gắn bó giữa hai đại gia công nghệ này dần trở nên rạn nứt sau khi Apple khởi kiện Samsung đã sao chép giao diện và kiểu dáng sản phẩm của mình. Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên nhanh chóng bùng nổ và leo thang, trở thành một trong những vụ kiện tụng lùm xùm nhất trong làng công nghệ thế giới năm 2011.
Được châm ngòi từ giữa tháng 4/2011 khi Apple nộp đơn kiện Samsung lên toà án liên bang tại Mỹ cáo buộc Samsung vi phạm các sáng chế và thương hiệu của Apple. Ngay sau đó Samsung đã đáp trả cứng rắn khi nộp đơn kiện Apple tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức, cho rằng nhà sản xuất iPhone đã vi phạm 10 sáng chế về tablet và các công nghệ trên di động. Là hai công ty đa quốc gia nên cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Samsung đã được "hiện thực hóa" bằng các vụ kiện tụng tại các quốc gia ở nhiều châu lục.
Sở dĩ, cuộc đối đầu vẫn chưa ngã ngũ vì Samsung lẫn Apple đều rất xuất sắc trong việc mang đến cho người dùng những sản phẩm di động chất lượng cao. Hai con át chủ bài của Apple là iPhone và iPad gần như có được sự yêu mến trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, các dòng smartphone và tablet của Samsung cũng luôn nằm trong số những sản phẩm được tin cậy trên thế giới.
Mới đây, trước lời đề xuất phương án thu phí sử dụng bản quyền của Apple, đại diện của Samsung khẳng định chắc chắn sẽ theo cuộc chiến pháp lý này đến cùng và "nói không với thỏa hiệp". Apple sẽ phản ứng ra sao? Hãng này có hạ mức thương lượng, hay sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý tới cùng. Câu trả lời vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Kim Giang (tổng hợp)