Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu năng lượng đang giảm từng ngày. Vì vậy, ngày 5/3, Saudi Arabia kêu gọi các nước OPEC và đồng minh cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày vào Quý II nhằm bảo vệ giá dầu. Theo thỏa thuận cũ, mức cắt giảm là 2,1 triệu thùng/ngày đến hết năm 2020 do tình hình biến động theo chiều hướng đi xuống của thị trường dầu mỏ.
Tuy nhiên, trong cuộc họp của OPEC và các nước đồng minh ngày 6/3 tại Vienna, Nga đã thẳng thừng từ chối mức cắt giảm và cho biết, kể từ ngày 1/4, các nước có thể tùy ý điều chỉnh sản lượng riêng của mình. Đây là động thái cứng rắn của Nga khi quyết chọn một lối đi riêng mình mà không đồng thuận với các đồng minh trong OPEC kể từ năm 2016 khi hai bên bắt tay để đẩy giá dầu lên bằng cách cắt sản lượng dầu từ đó đến nay.
Lập tức, Saudi Arabia thay đổi quan điểm 180 độ bằng cách thúc đẩy OPEC tăng sản lượng dầu ngay sau khi thỏa thuận cũ kết thúc vào cuối tháng 3/2020. Theo đó, Công ty Saudi Aramco sẽ tăng sản lượng từ 12 triệu lên 13 triệu thùng/ngày, Adhoc của UAE cũng tăng sản lượng từ 3 triệu lên 4 triệu thùng/ngày, Kuwait cũng đã nhất trí theo Saudi Arabia tuy chưa khẳng định con số tăng cụ thể là bao nhiêu cho đến tháng 4.
Saudi Arabia quyết định giảm sâu giá dầu vào tháng 4, cụ thể, mỗi thùng sẽ giảm 6 USD tại khu vực Châu Á, 7 USD tại Mỹ và 9 USD tại khu vực Tây Bắc Âu.
Việc các nước OPEC quyết định tăng sản lượng dầu trong thời gian tới sẽ tạo nên nguy cơ xuất hiện nguồn dầu cực lớn đổ vào thị trưởng vốn đã thừa khi nhu cầu giảm mạnh trong thời kỳ bùng phát Covid-19 và giá dầu giảm sẽ tạo nên một cuộc chiến giá dầu toàn cầu khi dầu rớt giá thê thảm nhất trong vòng 20 năm qua. Thị trường tuần qua ghi nhận giá dầu thô ngày 9/3 giảm hơn 30% - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1991. Cả Brent và WTI đều về đáy 4 năm và giao dịch quanh 30 USD/ thùng. Mức giảm co hẹp về 18% vào buồi chiều.
Ai sẽ được lợi?
Nếu cuộc chiến giá dầu xảy ra, sẽ có nhiều bên chịu ảnh hưởng và sẽ phải đối mặt với cú sốc về kinh tế và địa chính trị. Tuy nhiên, cả Saudi Arabia và Nga đều chấp nhận điều này để đạt được mục tiêu chung - một lợi ích duy nhất: nhằm vào ngành dầu đá phiến của Mỹ, làm suy yếu năng lượng của Mỹ và làm tổn thương Mỹ.
Tại sao Saudi Arabia chọn các này trong khi có một đồng minh thân cận là Mỹ? Vì Saudi Arabia muốn là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Và vì, dưới sự chỉ đạo của Thái tử Mohammed Bin Salman, Saudi Arabia không ngại có các bước đi liều lĩnh và bất ngờ với mong muốn khẳng định vị thế đất nước.
Chấp nhận tăng sản lượng và giảm giá dầu, Saudi Arabia tự tin trụ được khoảng 5 năm tới vì dầu mỏ ở đây có chi phí sản xuất thấp nhất và có thể dựa vào dự trữ ngoại hối trong thời gian dài.
Giới chuyên gia dự báo thị trường dầu mỏ quốc tế năm 2020 sẽ là một năm không bình thường. (Nguồn: Finacial Times) |
Ngược lại, Nga kiên quyết không giảm sản lượng dầu vì cho rằng nếu giảm sản lượng dầu thì Mỹ sẽ càng có cơ hội tăng sản lượng dầu đá phiến và khi đó đương nhiên chiếm hết khách hàng của Nga. Đây là bước đi khá liều lĩnh của Tổng thống Putin vì theo các chuyên gia kinh tế, với khả năng tài chính hiện nay, để đối đầu với cuộc chiến giá dầu thì Nga chỉ có cách làm đồng Rúp trượt giá so với đồng USD. Khi đó Nga sẽ trụ được khoảng 2 năm, đến khi không thể, nhiều khả năng Nga sẽ tìm cách bắt tay với OPEC để ổn định thị trường giá dầu thế giới.
Theo nguồn tin của báo Oil Price, 2019 là một năm đầy biến động của dầu mỏ khi có sự gián đoạn nguồn cung trên toàn thế giới như dầu thô bị ô nhiễm tại đường ống Druzhba ở Nga và các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ chính của Saudi Arabia hồi tháng 9/2019.
Năm 2020 bắt đầu biến động mạnh mẽ hơn bởi dịch Covid-19 làm hãm tốc độ tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu cùng với sự sụp đổ của các cuộc đàm phán OPEC dẫn đến việc giá dầu tụt dốc kể từ năm 1991. Tuy nhiên, trong khi các công ty khoan dầu và các công ty dịch vụ dầu mỏ đứng trước việc mất hàng tỷ USD doanh thu thì xuất hiện bên thứ ba có lợi từ việc giá dầu giảm này - đó là các nhà kinh doanh dầu mỏ.
Hàn Quốc “chơi” theo xu hướng mua dầu thô giá rẻ và lưu trữ để bán dần sau này. Vấn đề còn lại chỉ là tìm kiếm nơi lưu trữ lượng dầu thô mà sắp tới Saudi Arabia, UAE và Kuwait sẽ bán phá giá. Theo Reuters, các thương nhân dầu mỏ đang tìm cách trữ dầu trên các con tàu chở dầu với tải trọng 2 triệu thùng và giá thuê là 38.700 USD/ngày (giá ngày 10/3), vẫn có lãi nếu mức chênh lệch 12 tháng cao hơn chi phí của tàu và phí lãi cho việc lưu trữ dầu thô.
Việc kiếm lợi nhuận bằng kho chứa tàu chở dầu thực sự là một tin đáng mừng cho các công ty vận tải đang quay cuồng với tác động của dịch Covid-19 đối với hàng hóa và các sản phẩm công nghiệp.
Có chuyên gia cho rằng, ở khía cạnh nào đó, nền kinh tế thế giới vẫn đi đúng hướng, vẫn có chỗ bù đắp cho những thiệt hại mà sắp tới thế giới sẽ phải hứng chịu.