📞

Cuộc chiến ở Iraq 20 năm trước: Từ thực tiễn ứng xử đến đổi mới tư duy

Minh Vương 14:00 | 20/03/2023
Hai thập kỷ sau ngày Mỹ phát động chiến dịch tấn công Iraq (2003-2023), Đại sứ Hà Huy Thông(*) đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam về ứng xử, hành động của Việt Nam trước sự kiện lịch sử này.
Chiến dịch tấn công của Mỹ tại Iraq tác động sâu sắc tới thế giới những năm 2000. Trong ảnh, người dân chạy trốn khỏi Basra, Iraq tháng 3/2003. (Nguồn: Indy100)

Hai thập kỷ nhìn lại

Ngày 20/3/2023 đánh dấu 20 năm ngày Mỹ mở đầu chiến dịch tấn công Iraq, sự kiện đặc biệt quan trọng với thế giới, với nhiều tác động vẫn còn rõ nét tới ngày hôm nay. Đại sứ có cảm nhận gì về sự kiện này?

Với 438.000 km2 lãnh thổ, hơn 6.000 năm lịch sử ở vị trí địa chiến lược, đa sắc tộc, một trong những cái nôi văn minh của nhân loại và là nước sản xuất dầu lớn (thứ 2 thế giới năm 2002), Iraq đã là nơi tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước và thế lực lớn trên thế giới hàng nghìn năm qua.

Cuộc chiến ở Iraq cách đây 20 năm được coi là cuộc chiến trên bộ lớn nhất đầu thế kỷ XXI. Nó nổ ra sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, với chính quyền của ông George W. Bush bắt đầu ưu tiên chiến lược chống khủng bố.

Trong Thông điệp Liên bang (ngày 29/1/2002), nhà lãnh đạo này coi Iraq là một phần của “Trục ma quỷ”. Khi đó, dư luận quốc tế coi câu hỏi lớn nhất của năm 2002 là liệu Mỹ có đánh Iraq không. Ngày 8/11/2002, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1441. Nguy cơ chiến tranh tiếp tục gia tăng. Tháng 2/2003, Mỹ đưa ra “Chiến lược giành chiến thắng ở Iraq” về chính trị, an ninh và kinh tế, cho rằng chính quyền Iraq liên quan vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD).

Tuy nhiên, sau khi Baghdad sụp đổ (9/4/2003), năm 2004, Uỷ ban 11/9 của Mỹ khẳng định không có liên hệ giữa Iraq và vụ 11/9/2001. Năm 2006, cựu Tổng thống Saddam Hussein chết. Năm 2011, Mỹ chính thức rút quân khỏi Iraq… Đến nay, sau 20 năm, tình hình Iraq vẫn tiếp tục khó khăn và đối mặt nhiều thách thức.

Đa dạng nguồn tin, không bị động chiến lược

Là nhà ngoại giao có thời gian công tác về địa bàn này khi đó, Đại sứ nhận định thế nào về tác động của sự kiện này tới môi trường phát triển của Việt Nam bấy giờ?

Cuộc chiến ở Iraq đã tác động mạnh tới nhiều khía cạnh của tình hình thế giới bấy giờ. Câu chuyện về chống khủng bố quốc tế căng thẳng và phức tạp hơn. Giá dầu và nhiên liệu gia tăng, đấu tranh tôn giáo, vấn đề di dân ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi biến động, phong trào chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình trên thế giới lên cao. Cuộc chiến tại Iraq cũng được nhiều được nhiều dư luận coi lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Tình hình đó khiến cho môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX (2001), trở nên phức tạp hơn, đan xen thách thức và cơ hội.

Cuộc chiến tại Iraq khiến cho môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX (2001), trở nên phức tạp hơn, đan xen thách thức và cơ hội.

Trước tình hình đó, Việt Nam đã làm gì để đối phó các biến động này?

Việt Nam đã làm nhiều việc khẩn trương trong tình hình này. Trong phạm vi này, tôi chỉ xin nêu mấy việc chính.

Trước hết, là một dân tộc yêu chuộng hoà bình và đã hy sinh vô hạn để chống chiến tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các quốc gia là phản đối chiến tranh, kêu gọi chấm dứt chiến tranh, khôi phục hoà bình, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Thứ hai, Việt Nam có biện pháp phù hợp để hỗ trợ, bảo đảm an ninh cho Đại sứ quán, cán bộ, công dân và doanh nghiệp Việt Nam cùng các lợi ích chính trị, kinh tế Việt Nam ở Iraq.

Thứ ba, Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội nghị quốc tế về đóng góp tái thiết Iraq theo lời mời của Ban tổ chức, ngày 23-24/10/2003, ở Madrid, Tây Ban Nha, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Đồng thời, Việt Nam cũng tham gia hỗ trợ nhân đạo cho Iraq.

Đại sứ Hà Huy Thông tại Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq cuối năm 2002. (Nguồn: NVCC)

Thứ tư, đó là tiếp tục đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) đề ra, giữ vững chủ trương độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, triển khai nhiều hoạt động đối ngoại. Trong báo cáo về tình hình thế giới và triển khai chính sách đối ngoại trước Quốc hội (tháng 5/2003), Chính phủ khẳng định chủ trương xử lý tác động của cuộc chiến với môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, đồng thời đề ra nhiều hoạt động đối ngoại ngay trong năm 2003, tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các đối tác hàng đầu.

Thứ năm, trên cơ sở thực tiễn tình hình thế giới và xử lý tác động đối với môi trường an ninh và phát triển, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương (2-12/7/2003) đã ra Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Nghị quyết đã thể hiện đổi mới tư duy về dựng nước và giữ nước, đặc biệt tư duy, linh hoạt trong xác định “đối tác” và “đối tượng” với nguyên tắc: Ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng Việt Nam. Bất cứ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của Việt Nam đều là đối tượng đấu tranh.

Mặt khác, trong tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có mặt cần tranh thủ, hợp tác. Tuy nhiên, trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của Việt Nam.

Đại sứ Hà Huy Thông (ngoài cùng bên trái), khi đó là Vụ trưởng Vụ Tây Á- hâu Phi, tham gia đoàn Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình tham dự Hội nghị quốc tế tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 23-24/10/2003 về tái thiết Iraq. (Nguồn: NVCC)

Lẽ phải và lợi ích

Theo Đại sứ, đâu là những bài học quan trọng nhất sau sự kiện này?

Đảng và Nhà nước đã có nhiều tài liệu, rút ra nhiều bài học cho Việt Nam sau những biến động trên thế giới hay mỗi đợt xử lý khủng hoảng. Trong phạm vi này, tôi chỉ xin nêu mấy cảm nhận cá nhân.

Trước hết, trong quan hệ quốc tế luôn biến chuyển nhanh, phức tạp và khó lường, việc nghiên cứu, đánh giá và dự báo đúng tình hình luôn là khâu cơ bản và quan trọng đầu tiên, nhưng lại khó nhất, là điều kiện đầu tiên để đề ra chủ trương và đối sách phù hợp. Để làm được điều này sẽ đòi hỏi nguồn thông tin, tham khảo quốc tế khách quan và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng.

Thực tế cho thấy từ cuối năm 2002 đến khi chế độ ở Iraq thay đổi, các cơ quan trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã có rất nhiều báo cáo về tình hình và kiến nghị đối sách khẩn trương. Nay nhìn lại, có thể thấy Việt Nam đã không bị bất ngờ chiến lược khi nổ ra cuộc chiến ở Iraq cách đây 20 năm.

Thứ hai, khủng hoảng hay chiến tranh thử thách tư duy và nỗ lực theo đuổi lợi ích lâu dài của đất nước-dân tộc, được cụ thể hoá trong bối cảnh và thời điểm đó.

“Là một dân tộc yêu chuộng hoà bình và đã hy sinh vô hạn để chống chiến tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các quốc gia là phản đối chiến tranh, kêu gọi chấm dứt chiến tranh, khôi phục hoà bình, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, phù hợp với xu thế chung của thế giới”. (Đại sứ Hà Huy Thông)

Thứ ba, khi cuộc chiến nổ ra ngày 20/3/2003, Iraq đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1968 và đang có quan hệ tốt và các dự án kinh tế-thương mại ý nghĩa với Việt Nam. Trong khi đó, dù đã gây ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng Mỹ đã rút ra quân (1973), bỏ cấm vận (1994), thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1995), ký Hiệp định thương mại song phương (BTA). Năm 2000, ông Bill Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam. Mỹ cũng tham gia đàm phán kết nạp Việt Nam vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)….

Thách thức lúc đó là đặt lợi ích quốc gia lên trên, vừa thể hiện lập trường nguyên tắc về bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh, đứng về phía lẽ phải chân chính phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, vừa duy trì và thúc đẩy quan hệ với các đối tác chủ yếu.

Cuối cùng, “thực tế là thước đo chân lý”. Trên cơ sở thực tế trong nước, quốc tế và quá trình triển khai chính sách, xử lý tình huống hay khủng hoảng, rút ra kinh nghiệm và bài học mới, khách quan và thực tế, để tiếp tục cập nhật và đổi mới tư duy, thích ứng linh hoạt trước tình hình quốc tế đang diễn ra nhanh chóng, phức tạp và khó lường.

(*) Đại sứ Hà Huy Thông là nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Á-Châu Phi (nay là Vụ Trung Đông-Châu Phi, Bộ Ngoại giao) giai đoạn 2002-2006, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Khóa XIII.