📞

Cuộc chơi “tất tay” của ông Macron

10:09 | 17/01/2019
Sau 9 tuần liên tiếp chứng kiến các cuộc biểu tình của “Phe áo vàng”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhượng bộ lần thứ ba khi đưa ra đề nghị tổ chức cuộc Đối thoại quốc gia từ 15/1-15/3.

Điều này hết sức cần thiết với nước Pháp “tan hoang” cứ sau mỗi ngày thứ Bảy – Áo vàng. Tuy nhiên, ngồi lại với nhau mới chỉ là khởi đầu câu chuyện. Mặc dù đang nắm trong tay những lợi thể nhất định, ông Macron sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới khi cuộc đối thoại bắt đầu.

Cuộc “Đối thoại quốc gia” đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hòa Pháp được ông Macron khởi xướng là dịp để tất cả công dân nước Pháp được tự do bày tỏ ý kiến. Họ được hỏi về 4 chủ đề lớn, từ chính sách thuế đến hệ thống tổ chức chính quyền nhà nước, chính sách chuyển đổi và phát triển nguồn năng lượng bền vững và nền dân chủ. Trước đó, trong lá thư dài 5 trang gửi đến người dân Pháp ngày 13/1, Tổng thống Macron đã kêu gọi các cử tri Pháp “biến tức giận thành giải pháp”, đồng thời tích cực tham gia cuộc thảo luận mà theo ông sẽ “không có đề tài cấm kỵ”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AP)

Có thể nói, sau cam kết tăng lương, giảm thuế cho người có thu nhập thấp, việc tổ chức Đối thoại toàn quốc là giải pháp lớn thứ hai nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng làm rung chuyển nước Pháp suốt thời gian qua. Bằng cách này, Tổng thống Macron đã mở ra cơ hội để được trực tiếp lắng nghe những bức xúc và cùng người dân tìm cách tháo gỡ. Theo đó, Phủ Tổng thống Pháp sẽ tổ chức thu thập kiến nghị tại các nhà ga, công sở hay thông qua các quầy thông tin di động, thậm chí có thể thảo luận qua thư từ.

Theo khảo sát của tờ Le Point của Pháp, 87% người dân nước này biết về Đối thoại quốc gia, nhưng 52% số người được hỏi sẽ không tham gia và chỉ có 4% thực sự tin rằng Đối thoại sẽ giải quyết được khủng hoảng hiện nay. Sự quan tâm của đông đảo người dân phần nào là lợi thế giúp chính quyền có thêm cơ hội để giải thích chính sách và thuyết phục công luận. Kết hợp lợi thế này với lợi thế cầm quyền, Tổng thống Macron đang chủ động lèo lái cuộc Đối thoại cũng như nỗ lực chứng minh sự hiểu biết của chính quyền đối với nhu cầu của người dân bằng các câu hỏi trong bức thư ngày 13/1.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại nhiều nguy cơ, như khả năng Đối thoại bị các đảng phái chính trị đối lập lợi dụng, thậm chí lũng đoạn. Tờ La Croix nêu ví dụ, vào năm ngoái, phong trào “Manif pour tous” chống quyền hôn nhân đồng tính đã bị chuyển hướng để dấn quá sâu vào đề tài đạo đức sinh học - một cuộc thảo luận “nóng” khác trong xã hội. Bên cạnh đó, cũng chưa biết chính xác những ai sẽ tham gia cuộc Đối thoại, và quy mô của các cuộc biểu tình “Áo vàng” sẽ ra sao. Một số đã tuyên bố lập trường rõ ràng, với việc lên án các “thủ đoạn” của chính quyền. Nhiều lực lượng chính trị đối lập cũng có thái độ tương tự. Đảng Nước Pháp Bất khuất cực tả đã lên án cuộc Đối thoại toàn quốc này là một “hành động lừa đảo”. Còn Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu nói rằng họ “không trông đợi gì” từ “cuộc độc thoại” của chính quyền. Nếu Đối thoại bất thành, có thể bị lợi dụng để hạ thấp uy tín của ông Macron ở Pháp mà kể cả đảng phái chính trị ông lập ra trong bối cảnh bầu cử Nghị viện châu Âu trong năm 2019.

Từ bỏ việc tăng thuế môi trường đánh vào xăng dầu, chi thêm 10 tỷ Euro để cải thiện thu nhập cho tầng lớp thu nhập thấp… nhưng chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề “phong trào Áo vàng”, ông chủ Điện Elysée đã buộc phải chấp nhận cuộc chơi “tất tay” với vòng Đối thoại trong suốt 2 tháng tới. Dù là tìm một lối thoát tạm thời cho khủng hoảng hay quyết tâm điều chỉnh đường lối quản trị quốc gia, kết quả Đối thoại lần này được cho là sẽ quyết định thành công nhiệm kỳ của ông Macron, đồng thời tác động không nhỏ tới tương lai của Pháp – một “đầu tàu” của Liên minh châu Âu.