📞

Cuộc đua công nghệ bán dẫn: Mỹ đang ‘thất thế’ với châu Á?

Phúc Trường 08:00 | 25/10/2020
TGVN. Báo cáo mới nhất của tập đoàn Intel lưu ý một số vấn đề về năng lực cạnh tranh sản xuất bán dẫn và sự trỗi dậy lớn mạnh ở châu Á có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Intel là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Mỹ và là một trong những nhà sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới. Hay nói cách khác, năng lực của tập đoàn này có ý nghĩa quyết định đối với khả năng cạnh tranh công nghệ bán dẫn của Mỹ trên toàn cầu.

Chính phủ thông qua một số dự luận hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn, kể cả công ty nước ngoài.. (Nguồn: National Interest)

Năng lực cạnh tranh cốt lõi

Lĩnh vực bán dẫn được xem là ngành mang lại nhiều lợi ích và tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy đổi mới quy trình công nghệ, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp vi điện tử cung cấp các sản phẩm công nghệ nhanh và mạnh hơn.

Vậy nên chất bán dẫn đóng vai trò trung tâm giữa việc tạo ra phần cứng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng các phần mềm được phát triển dành cho thiết bị đó, bao gồm cả thiết bị Internet.

Ngoài ra, vật liệu bán dẫn còn là chìa khóa để tạo ra các thế hệ máy móc và thiết bị dân sự mới và hữu ích hơn rất nhiều trong tất cả các ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt là lĩnh vực phát triển hệ thống vũ khí hiện đại.

Trong khi châu Á đang chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong sản xuất bán dẫn thì sản lượng của Mỹ giảm mạnh trong vòng 20 năm trở lại đây. Từ năm 2001-2007, sản lượng sản phẩm máy tính và điện tử của Mỹ (theo danh mục hàng hóa bao gồm chất bán dẫn) tăng 160%. Nhưng trong giai đoạn 2009–2019, tốc độ tăng trưởng giảm xuống hơn một nửa, chỉ còn 73,68%.

Theo hiệp hội thương mại ngành công nghiệp Mỹ, khoảng 80% hoạt động sản xuất bán dẫn toàn cầu hiện đang diễn ra ở châu Á , chủ yếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chuỗi cung ứng xuất phát từ châu Á

Kể từ đầu năm 2000, các công ty Mỹ cắt giảm lực lượng lao động trong lĩnh vực bán dẫn gần 31%.

Nhiều người cho rằng việc cắt giảm nhân sự nằm trong chiến lược tận dụng công nghệ tự động sự để tăng năng suất. Tuy nhiên, chiến lược này hoàn toàn không phát huy hiệu quả như mong đợi.

Trong thời kì 2001-2007, năng suất của ngành bán dẫn và các lĩnh vực liên quan đạt 58,53%. Thế nhưng bước sang giai đoạn 2009-2019, mức tăng năng suất tụt giảm còn 24,18%.

Có thể giải thích cho nguyên nhân tụt giảm trên rằng hầu hết khách hàng của các nhà sản xuất chất bán dẫn trên thế giới hiện nay nằm ở châu Á. Đây là những công ty sản xuất sản phẩm điện tử, có nhiều loại hàng hóa kiểm soát bởi nhiều loại chip máy tính khác nhau. Hơn nữa, phần lớn chuỗi cung ứng của ngành sản xuất hiện nay cũng đều xuất phát từ châu Á.

Trước tình hình “thụt lùi” của ngành công nghệ bán dẫn và trỗi dậy của các nước châu Á, người ta lo sợ rằng các công ty như Intel có thể từ bỏ năng lực cốt lõi đã mang lại thành công lâu dài cho tập đoàn này. Tại châu Á, hai công ty sở hữa công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất là Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc.

Nếu nước Mỹ ngày càng thể hiện sự chậm chân trong cuộc đua bán dẫn, họ sẽ ngày càng khó tận dụng công nghệ này trong việc giải quyết các thách thức về trí tuệ nhân tạo, mạng viễn thông, an ninh mạng.

Nỗ lực kích thích sản xuất

Nước Mỹ đã tiến hành thảo luận các chính sách đối ngoại và các biện pháp phát triển trong nước để giải quyết những thiếu sót trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Ngay cả trước tuyên bố của Intel, lưỡng đảng Mỹ đã tiến đến một sự đồng thuận mạnh mẽ rằng Washington cần phải nghiêm túc trong việc phát triển sản xuất chất bán dẫn trong nước. Các công ty sản xuất chip và vi mạch (bao gồm cả các công ty nước ngoài hoạt động tại Mỹ) đã bày tỏ mong muốn nhận hỗ trợ từ các khoản giảm thuế và trợ cấp nhằm khuyến khích họ sản xuất trên lãnh thổ nước Mỹ.

Chậm chân hơn so với châu Á, Mỹ có thể mất đi nhiều ưu thế trong linh vực bán dẫn (Nguồn: National Interest)

Vào tháng Bảy vừa qua, cả Hạ viện, Thượng viện Mỹ - dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đều thông qua một số dự luật hỗ trợ tương tự nhằm tăng cường năng lực sản xuất vi mạch trong nước và các lĩnh vực liên quan.

Trong đó, nổi bật nhất là ba điều khoản liên quan đến sản xuất chung cho cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên đất Mỹ.

Một là cung cấp các ưu đãi thuế tín dụng có thể hoàn lại liên quan đến hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong vài năm tới.

Hai là thông qua chương trình kích cầu trị giá 10 tỷ USD kết nối chính sách khuyến khích của các tiểu bang và địa phương trong việc xây dựng các xưởng đúc vật liệu bán dẫn (sản xuất chip).

Cuối cùng thành lập chương trình hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn tại Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ.

(theo National Interest)