TIN LIÊN QUAN | |
CEO Ericson: Dưới tác động của Covid-19, gần 1/3 dân số thế giới dùng 5G vào năm 2025 | |
LG sẽ ra mắt điện thoại thông minh 5G trong tháng 5/2020 |
Khi thế hệ mạng di động 5G mới “chập chững” đi vào hoạt động, cuộc đua phát triển 6G đã được phát động. Trong đó hai “gã khổng lồ” công nghệ là Samsung và Huawei đang đi đầu, đặc biệt trong việc nghiên cứu, xây dựng các trạm phát sóng, được coi là “xương sống” của công nghệ này.
Những công ty này mang lợi thế dẫn đầu cho Hàn Quốc và Trung Quốc. Về phía Nhật Bản, nước này cũng đặt mục tiêu bắt kịp xu hướng, trong khi đó Mỹ đẩy mạnh phát triển công nghệ này nhằm chiếm lại vị trí số một trong đổi mới sáng tạo.
Bước đầu nghiên cứu
Công việc chuẩn hóa các thông số kỹ thuật cho mạng 6G dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2023. Nhờ đó, việc phát triển, sản xuất các thiết bị và bộ phận cần thiết cho cơ sở vật chất sẽ sớm được triển khai, dẫn đến quá trình thương mại hóa 6G có thể diễn ra sớm hơn dự kiến, vào khoảng năm 2027.
Về cơ bản, các trạm phát sóng 6G mới dự kiến là một bước tiến mới trong công nghệ mạng di động. Theo Tiến sĩ Mahyar Shirvanimoghaddam (Đại học Sydney), mạng 6G có thể mang lại tốc độ đáng kinh ngạc là 1TB/giây, hoặc 8.000 gigabits/giây.
6G được xem giống như 5G, nhưng tốc độ cao hơn, độ trễ thấp hơn và khối lượng băng thông siêu “khủng”. Các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng 6G sẽ vượt ra ngoài mạng có dây, với các thiết bị hoạt động như ăng ten sử dụng mạng phi tập trung, không thuộc quyền kiểm soát của một nhà khai thác mạng duy nhất. Với 6G, các thiết bị được kết nối miễn phí, vì tốc độ dữ liệu cao hơn và độ trễ thấp hơn, giúp kết nối giữa thiết bị gần như ngay lập tức.
Tuy nhiên, khoảng cách truyền mạng từ các trạm phát sóng 6G sẽ chỉ từ 200 mét trở xuống. Giáo sư Tetsuya Kawanishi (Đại học Waseda, Tokyo) cho biết, điều này có nghĩa sẽ cần xây dựng các trạm phát sóng với mật độ cao gấp 10 lần dân số, vì thế Nhật Bản dự kiến sẽ phải đặt 1 tỷ trạm phát sóng 6G trên toàn quốc và lên tới 100 tỷ trên toàn cầu. Hiện Nhật Bản chỉ có khoảng 600.000 trạm phát sóng.
Trong khi các trạm phát sóng 4G và 5G hiện tại có kích thước lớn, gần bằng một chiếc tủ lạnh, thì trạm phát sóng mạng 6G sẽ sử dụng bước sóng ngắn hơn nên chỉ cần ăng ten nhỏ hơn. Vì vậy, các trạm 6G có thể nhỏ như một chiếc điện thoại di động. Ngay cả thiết bị chiếu sáng, biển báo và xe công cộng cũng có thể đóng vai trò là một trạm phát sóng, hoạt động như các máy chủ và có thể xử lý dữ liệu ở tốc độ cao.
Cạnh tranh gay gắt
Theo Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, hiện nay có ba công ty đang kiểm soát khoảng 80% thị trường trạm phát sóng mạng di động bao gồm Huawei, Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan). Ngoài ra, châu Âu dự định phát triển các tiêu chuẩn 6G với 3GPP, tổ chức quốc tế giám sát các tiêu chuẩn di động và các tổ chức khác.
Tổng thống Donald Trump cũng muốn Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc phát triển công nghệ 6G. Không chỉ vậy, Mỹ dường như còn đang muốn thống trị lĩnh vực sản xuất con chip bằng cách khai thác Intel và các công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ.
Hàn Quốc và Trung Quốc, hai công xưởng sản xuất điện thoại di động và linh kiện điện tử của thế giới, đang khai thác chuyên môn của các công ty công nghệ hàng đầu của nước mình và đặt mục tiêu dẫn đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ 6G thông qua nỗ lực hợp tác công – tư.
Hàn Quốc đang muốn trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai dịch vụ thương mại 6G, thông qua việc thành lập trung tâm nghiên cứu do hai công ty Samsung và LG Electronics điều hành. Seoul cũng đang cân nhắc đầu tư 976 tỷ won (800 triệu USD) cho dự án này.
Bắc Kinh đã công bố thành lập một nhóm nghiên cứu dành riêng cho 6G tháng 11/2019. Huawei, tập đoàn công nghệ số một của Trung Quốc đã cho ra mắt nhóm nghiên cứu tương tự. Nhà mạng China Unicom và nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE đã nhất trí về việc nghiên cứu và phát triển mạng 6G.
Nhật Bản nỗ lực chiếm vị trí tiên phong trong cuộc đua 6G. (Nguồn: Nikkei) |
Nhật Bản đang trở lại trong cuộc đua 6G khi tuyên bố ý định tiên phong trong nỗ lực tiêu chuẩn hóa và các thách thức nghiên cứu đối với 6G vào tháng 1 vừa qua. Bộ Truyền thông Nhật Bản công bố mục tiêu đầy tham vọng trong chiến lược “Vượt lên 5G” hồi tháng 4/2020: Chiếm 30% thị phần trạm gốc và cơ sở hạ tầng khác, tăng từ 2% hiện tại.
Tokyo cũng muốn 10% bằng sáng chế liên quan trên toàn thế giới đến từ các công ty Nhật Bản. Lúc này, Samsung dẫn đầu cuộc đua 5G khi chiếm 8,9% bằng sáng chế, tiếp theo là Huawei 8,3% và Qualcomm 7,4%. NTT Docomo của Nhật Bản đứng thứ sáu với 5,5% thị phần, theo Cyber Creative Institute.
Các gã khổng lồ công nghệ đã hình dung về dịch vụ mới sử dụng trạm gốc. Amazon hợp tác với nhà mạng Nhật Bản KDDI trên dịch vụ AWS để cung cấp điện toán biên, xử lý dữ liệu tại các địa điểm gần người dùng hơn để nâng cao tốc độ và tiết kiệm băng thông.
Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc đua về mạng 5G vẫn còn chưa hết “nóng hổi” do cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, cũng như về tính áp dụng thực tiễn. Tuy vậy, cuộc đua 6G đã bấm nút “xuất phát” với những hứa hẹn về việc biến khoa học viễn tưởng trở thành khoa học thực tiễn.
| Huawei khẳng định nguồn cung thiết bị 5G không bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 TGVN. Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc ngày 20/2 cho biết, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến nguồn ... |
| Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu mạng 6G, tốc độ gấp 8.000 lần so với 5G TGVN. Trong khi mạng 5G vẫn còn chưa phổ biến và đi vào cuộc sống người dân, Trung Quốc cho biết họ đã chuẩn bị ... |
| Smartphone 5G sẽ bùng nổ trong năm 2020 TGVN. Cuộc cách mạng 5G đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, chủ yếu nhờ vào việc mở rộng mạng lưới ở Trung Quốc. Và ... |