Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chứng kiến cảnh các quan chức của cả hai nước trao đổi văn bản ký kết thỏa thuận tại Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 10/7. (Nguồn: Reuters) |
Đây là bước tiến tiếp theo trong quan hệ Trung Quốc-Solomon kể từ khi hai nước ký Hiệp ước an ninh từng làm dư luận “nổi sóng” hồi tháng 4/2022. Chiều sâu của mối quan hệ này có thể thấy ngay khi có tới chín thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm trên nhiều lĩnh vực, từ hợp tác phát triển, thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, hàng không dân dụng đến giáo dục, công an, hải quan, khí tượng…
Chắc chắn cái bắt tay mới này giữa Bắc Kinh và Honiara không làm Mỹ hài lòng. Kể từ khi Solomon cắt đứt quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc) để thiết lập quan hệ với Trung Quốc hồi năm 2019, Washington đã cảm nhận rõ sức nóng cạnh tranh từ phía đối thủ Bắc Kinh trong khu vực Nam Thái Bình Dương.
Vài năm gần đây, nhờ các khoản đầu tư mà Bắc Kinh cam kết, thế đứng chân của Trung Quốc trong khu vực này ngày càng vững thêm. Mới tháng Ba vừa rồi, Solomon đã trao cho Trung Quốc hợp đồng trị giá hàng triệu USD để nâng cấp cảng quốc tế ở thủ đô Honiara. Trước đó, Trung Quốc còn giành được hợp đồng xây dựng sân vận động đăng cai Thế vận hội Thái Bình Dương năm 2023, sự kiện mà Solomon đặc biệt quan tâm.
Không thể để bị tụt lại sau, Mỹ đã quyết định tung ra 810 triệu USD viện trợ cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong thập kỷ tới, trong đó có Solomon. Hồi đầu năm 2023, sau 30 năm gián đoạn, Mỹ đã mở lại đại sứ quán ở Solomon, một động thái mà báo chí mô tả là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng đang trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Không biết sau khi Trung Quốc và Solomon thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ sẽ có động thái gì để cân bằng lại ảnh hưởng với Trung Quốc. Nhưng rõ ràng là, cuộc đua giành ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương đang ngày càng nóng thêm.