📞

Cuộc đua vaccine phòng Covid-19: Trung Quốc có xưởng sản xuất lớn nhất thế giới, 'gã khổng lồ' Pháp phát ngôn gây tranh cãi

Thế Việt 13:53 | 15/05/2020
TGVN. Mới đây, công ty xây dựng số 4 Kỹ thuật Hệ thống Điện tử Trung Quốc (CEFOC) tuyên bố, dự án xưởng sản xuất y sinh P3 dùng cho người đầu tiên của Trung Quốc do công ty này xây dựng đã hoàn thành và bàn giao.

Theo đó, việc hoàn thành dự án này đã đánh dấu sự ra đời của xưởng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới, với năng lực sản xuất hàng năm có thể đạt 100 triệu liều, đáp ứng được các điều kiện sản xuất vaccine phục vụ nhu cầu sử dụng khẩn cấp quy mô lớn và tiêm ngừa thông thường.

Cũng theo công ty này, xưởng sản xuất y sinh an toàn sinh học cấp độ 3 này sau khi hoàn thành, mang ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc trong việc đảm bảo an toàn sinh học vaccine trong quá trình phòng chống các dịch bệnh lớn nghiêm trọng, cũng như việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thuốc và vaccine phục vụ Covid-19.

Trước đó, một doanh nghiệp Trung Quốc tuyên bố đang gấp rút xây dựng một xưởng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 ở thủ đô Bắc Kinh và dự kiến sản xuất thử nghiệm vào tháng 7 tới.

Cũng liên quan tới vaccine phòng dịch Covid-19, Bloomberg ngày 14/5 dẫn lời Giám đốc điều hành công ty dược phẩm khổng lồ Sanofi của Pháp Paul Hudson cho hay: “Chính phủ Mỹ có quyền đặt hàng trước lớn nhất bởi vì Mỹ đã mạo hiểm đầu tư. Họ đã đầu tư để cố gắng bảo vệ dân số và khởi động lại nền kinh tế của mình”.

Mỹ đã có mối quan hệ lâu dài với Sanofi. Thông qua Cơ quan nghiên cứu và phát triển nâng cao y sinh, Mỹ đã tài trợ 30 triệu USD cho Sanofi nghiên cứu với mục đích chế tạo 600 triệu liều vaccine hàng năm. Quan hệ đối tác giữa các hai đơn vị này đã được mở rộng vào tháng Hai

Ông Hudson cho biết, mối quan hệ nói trên sẽ đóng vai trò như một mô hình về cách thức hợp tác của chính phủ với ngành công nghiệp dược phẩm. Ông này đánh giá, Trung Quốc cũng là nước đi đầu trong việc huy động các nỗ lực phát triển vaccine, vì vậy, "hai nền kinh tế cường quốc này sẽ được tiêm phòng trước”.

Ngoài ra, ông Hudson kêu gọi các nước châu Âu "tăng cường tài trợ cho nghiên cứu thuốc để chống lại đại dịch Covid-19", cho đến nay đã khiến hơn 300.000 người tử vong trên toàn thế giới.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đang dẫn đầu những nỗ lực của các nước châu Âu cam kết chi 8 tỷ USD để phân phối hỗ trợ vaccine công bằng đã ngay lập tức vấp phải nhiều chỉ trích của các chính trị gia Pháp.

Thứ trưởng Kinh tế và Tài chính Agnes Pannier-Runacher cho rằng, việc một quốc gia được hưởng "đặc quyền" tiếp cận vaccine trước vì đã đổ nhiều tiền là "không thể chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại".

Theo Bộ trưởng Giáo dục, nghiên cứu và sáng tạo Pháp Frederique Vidal, một loại vaccine thành công phải đem lại lợi ích chung cho nhân loại.

Viết trên Twitter cá nhân, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh, vaccine ngừa Covid-19 phải đem lại lợi ích cho cả thế giới và quyền bình đẳng tiếp cận vaccine "là thứ không thể mặc cả".

Trước những phản ứng này, Trưởng văn phòng Sanofi ở Pháp khẳng định: "Nếu Sanofi tạo ra bước đột phá về vaccine Covid-19 và hiệu quả, nó sẽ được cung cấp cho tất cả mọi người", đồng thời nhấn mạnh, mục tiêu của Sanofi là cung cấp vaccine cho cả Mỹ, Pháp và châu Âu cùng lúc nhưng với điều kiện "người châu Âu phải làm việc rốt ráo như người Mỹ".

Theo AFP, Sanofi hiện đang có hai dự án sản xuất vaccine, trong đó có một dự án bắt tay với đối thủ GlaxoSmithKline và nhận tiền tài trợ từ Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ. Dự án còn lại hợp tác với Công ty Translate Bio của Mỹ và sử dụng công nghệ nghiên cứu khác. Đây là hai trong số hàng chục dự án nghiên cứu vaccine Covid-19 đang được tiến hành trên thế giới.

(tổng hợp)