Ấn Độ vượt Pakistan trong bảng xếp hạng kho vũ khí hạt nhân. (Nguồn: Hindustan Times) |
Tờ Economic Times đưa tin, theo báo cáo, được công bố hôm 16/6, tính tới năm 2024, New Delhi đã sở hữu 172 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn Islamabad 2 đầu đạn. Pakistan vốn từ lâu được đánh giá là có thị phần vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều so với Ấn Độ.
Tuy nhiên, về mặt này, Trung Quốc vẫn đang thống trị khu vực châu Á khi sở hữu 500 đầu đạn hạt nhân, tăng mạnh so với con số 410 năm 2023.
Bất chấp sự gia tăng đáng lo ngại của Trung Quốc trong việc sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân, phân tích cho thấy, cường quốc châu Á này vẫn kém xa Mỹ và Nga - hai quốc gia đang nắm giữ hơn 90% tổng kho vũ khí hạt nhân thế giới.
Báo cáo có đoạn viết: “Ấn Độ, mặc dù vẫn coi Pakistan là đối tượng chính trong nỗ lực răn đe bằng vũ khí hạt nhân, đã tăng cường chú trọng tới các loại vũ khí tầm xa, bao gồm cả những loại có khả năng tiếp cận các mục tiêu trên khắp Trung Quốc”.
Trong những năm qua, 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới - gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel - đã liên tục cập nhật kho vũ khí của mình với những tiến bộ công nghệ hiện đại.
SIPRI ước tính, tới tháng 1/2024, trong tổng số 12.121 đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới, có khoảng 9.585 đầu đạn được niêm cất để có thể sử dụng. Khoảng 2.100 đầu đạn hạt nhân được lắp lên tên lửa đạn đạo trong tình trạng sẵn sàng hoạt động cao.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo của SIPRI năm 2024 là 9 quốc gia này vẫn “tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí loại này, thậm chí có một số hệ thống vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân thế hệ mới hoặc đầu đạn hạt nhân trong năm 2023”.
Báo cáo của SIPRI kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “lùi lại và suy ngẫm”, trong bối cảnh quan hệ địa chính trị trên thế giới xấu đi vì 2 cuộc xung đột lớn ở Ukraine và Dải Gaza.
Giám đốc Chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI Wilfred Wan bày tỏ: “Chúng tôi chưa từng thấy vũ khí hạt nhân đóng vai trò nổi bật như vậy trong quan hệ quốc tế kể từ Chiến tranh Lạnh”.
Trong khi đó, Giám đốc SIPRI Dan Smith nhận định, xu hướng “vô cùng đáng quan ngại” nêu trên nhiều khả năng sẽ tiếp diễn và “có thể tăng tốc” trong những năm tới.