Ảnh minh họa. |
Trong Chương trình “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức từ ngày 28/2-1/3, các diễn giả đều có chung quan điểm, để đạt được mục tiêu chính sách kinh tế xanh và bảo vệ môi trường, cần phải chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. Phát triển nền kinh tế xanh là hướng tiếp cận mới và phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu.
Bắt đầu từ chính sách
Phạm trù “kinh tế xanh” mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2010 (sau Hội nghị của chương trình môi trường Liên hợp quốc tại Kenya, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 tháng 6/2012 tại Brazil về phát triển bền vững), mặc dù chính sách về bảo vệ môi trường đã hình thành ở Việt Nam từ những năm 1990. Đến nay Việt Nam chưa có văn bản chính thức nào về chính sách phát triển kinh tế xanh, dù nội hàm của những văn bản liên quan đã được triển khai và đang hoàn thiện như Kinh tế Cacbon thấp, Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, Công nghệ xanh, Việc làm xanh…
Trên thực tế, khái niệm sản xuất sạch hơn ngày càng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp và thay dần các thuật ngữ giảm thiểu chất thải, phòng ngừa ô nhiễm. Đây được xem là hướng đi bền vững tạo “cuộc đua” tích cực cho các doanh nghiệp về giữ vững thương hiệu, bảo vệ môi trường trong thị trường đầy biến động, cạnh tranh như hiện nay. Tính riêng vài năm trở lại đây, Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam đã giúp cho 12 công ty tiết kiệm được gần 1 triệu USD, đóng góp vào việc cải thiện hiện trạng môi trường, trong đó tiết kiệm trên 2 triệu tấn nước, giảm 1.778 tấn chất thải rắn, giảm trên 120 tấn COD…
Đặc biệt, ngày 25/9/2013, Chính phủ đã thông qua Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Chiến lược thể hiện rõ quan điểm hướng tới sự phát triển theo hướng bền vững, với ba nhiệm vụ trọng tâm là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Vượt qua chính mình
Tuy nhiên, trong một thời gian dài nền kinh tế phát triển theo hướng "nâu hóa" đã và đang để lại nhiều hệ lụy.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Vũ Xuân Nguyệt Hồng chỉ rõ, tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua thiếu bền vững; tăng trưởng dựa nhiều vào tài nguyên và vốn đầu tư, cường độ sử dụng năng lượng ngày càng tăng và cao hơn mức trung bình thế giới. Cùng với đó, vấn đề môi trường ngày càng trở nên nhức nhối với các hiện tượng ô nhiễm công nghiệp, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu... Trong khi đó, chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng trong xã hội.
Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải quyết liệt thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, hướng tới kinh tế xanh.
Nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng xã hội cacbon thấp, tăng trưởng xanh, giải quyết vấn đề sinh kế gắn với phục hồi môi trường sinh thái… Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thế Chinh, hiện phần lớn công nghệ trong các doanh nghiệp của Việt Nam là công nghệ thế hệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn. Việc thay đổi hướng phát triển đòi hỏi nguồn lực lớn và sự trợ giúp về vốn và công nghệ của các nước đã có nền kinh tế xanh bền vững. Rõ ràng, chìa khóa của tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là công nghệ lại đang là thách thức lớn của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trong quá trình hướng đến phát triển bền vững.
Đặc biệt, hiện hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam là thuộc diện doanh nghiệp nhỏ và vừa với các điểm yếu về vốn và công nghệ. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Cao Sỹ Kiêm cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm cộng với nguồn lực của các doanh nghiệp còn nhỏ, việc chuyển đổi và bắt nhịp với tăng trưởng xanh, kinh tế xanh với nhiều doanh nghiệp sẽ là vô cùng khó khăn.
Dẫu biết rằng, không thể một sớm một chiều khắc phục được hết những bất cập do nền kinh tế tích tụ nhiều năm qua. Kinh tế xanh hay tăng trưởng xanh cũng là những khái niệm còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia phát triển sau, để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiếp cận với một nền kinh tế văn minh, ngoài một lộ trình và bước đi phù hợp, Việt Nam còn phải vượt được lên chính mình.
An Sinh