Dư luận quan tâm, cũng như nhiều đồn đoán về hàng loạt các vấn đề quan trọng như thương mại song phương Mỹ - Trung, sự hợp tác trong vấn đề Triều Tiên, những căng thẳng ở Biển Đông. Bản thân Tổng thống Donald Trump cũng dự báo đây sẽ là một cuộc gặp “hết sức khó khăn”.
Chiến tranh thương mại song phương?
Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một loạt sắc lệnh có liên quan đến vấn đề thương mại, và một trong số đó nhằm mục đích xem xét lại nguyên nhân của sự thâm hụt thương mại liên tục của Mỹ. Cuộc điều tra kéo dài 90 ngày về “sự lạm dụng thương mại” sẽ tập trung vào 12 đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Trung Quốc, và các số liệu điều tra sẽ được sử dụng nhằm định hình chính sách thương mại của chính quyền mới của Mỹ.
Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ cảnh báo Washington sẽ không tiếp tục chấp nhận những khoản thâm hụt thương mại khổng lồ và để mất nhiều việc làm vào tay Trung Quốc nữa. Ông cảnh báo, các công ty Mỹ sẵn sàng tìm kiếm các phương án thay thế, "bóng gió" ám chỉ các doanh nghiệp Mỹ đang đặt xưởng sản xuất tại Trung Quốc.
Trung Quốc hiện được cho là nguồn gốc lớn nhất của các thâm hụt thương mại đối với Mỹ. (Nguồn: Acumen.sg) |
Trung Quốc hiện được cho là nguồn gốc lớn nhất của các thâm hụt thương mại đối với Mỹ, với mức thâm hụt đạt 347 tỷ USD hồi năm ngoái. Tuy nhiên, theo Tân Hoa xã, con số này đang khiến người ta có suy nghĩ lệch lạc, bởi nó không phản ánh thực chất mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Các số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy trao đổi hàng hóa giữa hai nước trong năm 2016 đạt 519,6 tỷ USD, tăng 207 lần so với năm 1979 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Thương mại dịch vụ giữa hai nước cũng vượt trên mức 110 tỷ USD hồi năm ngoái và đầu tư hai chiều đạt 170 tỷ USD. Hiện Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, và rõ ràng là cả hai nước, đặc biệt là Mỹ, được hưởng lợi rất lớn từ một mối quan hệ thương mại gắn bó như vậy.
Hiện kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang chiếm 1/3 kinh tế toàn cầu, vì vậy một mối quan hệ thương mại phát triển bền vững và mạnh mẽ giữa hai nước mang ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế thế giới, vốn vẫn đang trên đà phục hồi.
Trong bối cảnh người đứng đầu chính quyền mới của Mỹ ngay từ những ngày đầu nhậm chức đã ra sức chỉ trích chính sách thương mại của Bắc Kinh, đã xuất hiện những lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai đầu tàu kinh tế thế giới, gây ra những hậu quả thảm khốc. Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại này, giới chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung vẫn tin tưởng rằng cuộc chiến này sẽ bị ngăn chặn.
Chuyên gia Douglas Paal, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng, hiện là Giám đốc Chương trình châu Á tại Viện Carnegie vì Hòa Bình Thế giới, tỏ ra lạc quan rằng một kịch bản như vậy sẽ không thể xảy ra: “Tôi cho rằng chúng ta sẽ không phải chứng kiến một cuộc chiến thương mại, bởi nếu Mỹ chiến tranh thương mại với Trung Quốc, có nghĩa là Mỹ chiến tranh thương mại với tất cả các nhà cung cấp của Trung Quốc, mà họ lại đang là những người bạn của chúng ta, có mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với chúng ta”, ông nói với Tân Hoa xã.
Ông Douglas nhấn mạnh rằng, chính quyền non trẻ của ông Trump vẫn đang trong quá trình hình thành chính sách Trung Quốc cùng với các chính sách khác, song “tôi cho rằng các nhân viên của ông Trump sẽ nỗ lực vạch ra đường lối hoạt động cho một sự hợp tác dài hạn có thể mang lại thêm nhiều lợi ích trong lĩnh vực kinh tế, cũng như tập trung cao độ vào mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên”, ông nói.
Cần khôi phục các cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên
Sau hàng loạt động thái thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Triều Tiên, chuyên gia Paal Douglas cho rằng để hai cường quốc có thể hợp tác nhằm kiềm chế những căng thẳng đang nổi lên ở bán đảo này, những nỗ lực đầu tiên cần thực hiện chính là khôi phục các cuộc đàm phán.
Đây là vấn đề cấp thiết mà Chính quyền Trump cần xử lý, song tính chất phức tạp của nó không cho phép một giải pháp nhất thời, mà phải mang tính lâu dài. Chuyên gia Paal nhận định: “Chính quyền Trump chưa sẵn sàng trong công tác kiện toàn nhân sự và các vấn đề trong nước để có thể tập trung vào các vấn đề khác bên ngoài. Ngoài ra, vấn đề Hàn Quốc còn thu hút sự chú ý nhiều hơn vấn đề Triều Tiên do Hàn Quốc đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và sắp bước vào một cuộc bầu cử quan trọng. Do vậy, Triêu Tiên có thể coi là một vấn đề cấp bách, nhưng chưa phải là vấn đề cần giải quyết ngay lập tức”.
Chuyên gia này kêu gọi các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nên thảo luận về vấn đề Triều Tiên với tầm nhìn dài hạn. Chỉ có các lãnh đạo hai nước mới đem lại sự tin tưởng lẫn nhau rằng hai bên sẽ không tìm cách đơn phương xử lý vấn đề này theo hướng có lợi cho bản thân.
Cần sớm cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Một trong số các vấn đề quan trọng khác dự kiến được đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới là vấn đề Biển Đông. Theo Chuyên gia Douglas Paal, trong ngắn hạn, khu vực này sẽ không chứng kiến sự bùng nổ căng thẳng. Ông cho rằng, tình hình tại đây đang “tương đối ổn định”. Ông cũng kêu gọi nhanh chóng tiến hành các cuộc đối thoại để cho ra đời một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ cũng được cho là những nhân tố có vai trò hàng đầu trong việc quản lý ngư trường khổng lồ trong khu vực để tất cả các bên liên quan đều được hưởng lợi.
Tổng thống Donald Trump cũng dự báo đây sẽ là một cuộc gặp “hết sức khó khăn”. (Nguồn: WSJ) |
Cho đến nay, bất chấp những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Trung Quốc trong suốt quá trình tranh cử lẫn trong những ngày đầu ở nhiệm sở, tân Tổng thống Mỹ Trump vẫn chưa có bất cứ hành động thực tế nào nhằm tấn công Trung Quốc. Cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước được coi là khá bất ngờ đối với những người nhận định rằng sự kiện này diễn ra quá sớm, song nó thực sự đã thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương của lãnh đạo hai bên.
David Gosset, một học giả nổi tiếng người Pháp chuyên về quan hệ quốc tế, nhận định: “Thực tế rằng cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Tập Cận Bình diễn ra ngay trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Trump đã cho thấy hai nước đều nhận thức được hợp tác và phối hợp song phương là điều không thể thiếu”. Theo Jia Qingguo - Chủ nhiệm khoa của trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng đây là một cơ hội để ông Trump bày tỏ chính sách Trung Quốc của mình.
Chuyên gia chính trị học của Mỹ Avery Goldstein cho rằng tầm quan trọng của cuộc họp cần phải được đánh giá đúng mực, bởi nó sẽ “vạch ra một đường tổng quát” để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Bắc Kinh và Washington hiện nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của sự hợp tác Mỹ - Trung trong việc đối phó các thách thức toàn cầu và duy trì sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như hòa bình thế giới.
Các chuyên gia đều tin tưởng, toàn bộ thế giới cũng sẽ được hưởng lợi nếu như Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một tinh thần tích cực cho sự hợp tác song phương.