TIN LIÊN QUAN | |
Chủ tịch Quốc hội hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sĩ | |
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt đoàn viên, thanh niên công an tiêu biểu |
Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử khi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Thụy Điển sau 24 năm, thăm Hungary sau 9 năm và thăm Cộng hòa Czech sau 8 năm. Đây cũng là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhằm tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới thăm ba nước châu Âu. |
Mang tính biểu tượng cao
Sau chuyến tiền trạm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh cho TG&VN biết cả ba nước đều dành cho Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam những nghi thức ngoại giao rất cao; thu xếp các cuộc gặp gỡ lãnh đạo nhà nước như Tổng thống, Thủ tướng. Tại Thụy Điển, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam còn gặp gỡ Công chúa kế vị. Năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin, Chủ tịch Quốc hội Hungary Kover Laszlo và Chủ tịch Thượng viện Czech Milan Stech sang thăm Việt Nam. Họ rất ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam và mời Chủ tịch Quốc hội ta sang thăm chính thức. Theo ông Mạnh, chuyến thăm lần này có thể nói là cuộc hội ngộ được chờ đợi từ lâu, đáp lại mong muốn của lãnh đạo hai bên.
Thụy Điển, Hungary và Czech đều là bạn bè truyền thống, có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Nhớ lại thời kỳ những năm 1970, người dân Thụy Điển tuần hành để phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Từ đó đến nay, Thụy Điển luôn ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam, trở thành một trong những nước viện trợ ODA lớn nhất. Quốc hội hai nước cũng có những hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn đào tạo tiếng Anh. Hungary và Czech đã từng là những nước xã hội chủ nghĩa có nhiều điểm tương đồng và hỗ trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, là nôi đào tạo cán bộ, sinh viên, nghiên cứu sinh cho Việt Nam. Sau này, những sinh viên này đều thành đạt, nhiều người trong số đó giữ vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam, trở thành những nhịp cầu hữu nghị giữa hai bên. Cộng đồng người Việt đã hội nhập khá thành công ở Hungary và Czech. Đặc biệt ở Czech, cộng đồng người Việt đã trở thành dân tộc thiểu số thứ 14, được chính quyền sở tại đánh giá cao.
Ông Mạnh chia sẻ, trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng sẽ thăm, gặp gỡ tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở cả ba nước để tận mắt thấy cuộc sống, cảm nhận tình cảm của bà con đối với đất nước cũng như những thành tựu, kết quả họ đạt được trong quá trình hội nhập vào nước sở tại. Với tư cách là người đứng đầu cơ quan lập pháp, đây cũng được coi là một hình thức tiếp xúc cử tri ở nước ngoài để lắng nghe nguyện vọng của bà con xa Tổ quốc.
“Đặc biệt, chuyến thăm còn mang tính biểu tượng cao khi lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội, thể hiện sự thành công của chính sách bình đẳng giới, nâng cao nữ quyền ở Việt Nam”, ông Mạnh khẳng định.
Khẳng định tính “độc nhất vô nhị”
Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg bày tỏ niềm vui mừng khi Thụy Điển là nước đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt chân tới trong chuyến thăm ba nước lần này. Trong bối cảnh quan hệ song phương đang có những tiến triển mới, ông hy vọng chuyến đi sẽ đánh dấu và đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Thủ đô Stockholm, Thụy Điển. |
Theo Đại sứ, tính “độc nhất vô nhị” trong quan hệ Việt Nam – Thụy Điển đã được khẳng định bởi nhiều thế hệ lãnh đạo của hai nước, khởi phát từ trong chiến tranh Việt Nam khi tinh thần đoàn kết ủng hộ người dân Việt Nam lên cao trong lòng xã hội Thụy Điển. Vì vậy, chuyến thăm một lần nữa biểu tượng hóa và khẳng định lại điều đó. Ngoài ra, Quốc hội hai nước vốn đã có quan hệ lâu dài. Chuyến thăm sẽ tiếp tục khẳng định và thúc đẩy hợp tác giữa hai Quốc hội trên các lĩnh vực khác nhau.
Gần 50 năm qua, hợp tác Việt Nam – Thụy Điển đã được thể hiện trong nhiều lĩnh vực, bắt đầu từ việc Thụy Điển hỗ trợ Việt Nam xây dựng các nhà máy giấy cho tới xây dựng các bệnh viện, sau đó là trong xây dựng thể chế, chính sách nâng cao năng lực cho Quốc hội, phòng chống tham nhũng… Ngày nay, hai nước là hai xã hội hiện đại, cùng trong quá trình đối mặt với toàn cầu hóa và cùng phải trăn trở về việc sử dụng công nghệ thông tin nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia của mình. Ở hai khu vực khác nhau song hai nước đều gặp phải những thách thức liên quan tới vấn đề môi trường, ô nhiễm không khí, nguồn nước, an toàn thực phẩm, vấn nạn ách tắc giao thông và chất thải đô thị… Do đó, Đại sứ Pereric Hogberg nhấn mạnh hai nước có thể học hỏi cũng như chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau đề ra giải pháp. “Năm 2017 là năm quan trọng và bản lề để chúng ta cùng nhau hướng về phía trước, đề ra chính sách, thể chế, môi trường tốt cho từng cá nhân, phát huy tối đa sáng tạo và có những đóng góp tích cực nhất cho quá trình phát triển đất nước”, Đại sứ Hogberg chia sẻ. Với ông, Việt Nam và Thụy Điển là những người bạn tốt, đáng tin cậy của nhau. Vì vậy, ông luôn hy vọng hai bên có thể tiếp tục chia sẻ cởi mở dựa trên sự chân thành về cả những điểm đồng và khác biệt.
Định hình tương lai đầy hứa hẹn
Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Czech được thiết lập từ tháng 2/1950. Czech tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam sau khi tách khỏi Liên bang Tiệp Khắc (năm 1993). Theo Đại sứ Czech Vitezslav Grepl, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần này là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ tốt đẹp và sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước. Đây cũng là một trong hai chuyến thăm quan quan trọng nhất của quan hệ Việt Nam - Czech trong năm nay, cùng chuyến thăm của Tổng thống MilosšZeman tới Việt Nam, dự kiến tháng 6 tới.
“Quan hệ Czech-Việt Nam không chỉ có quá khứ và hiện tại tuyệt vời mà còn có tương lai đầy hứa hẹn. Đó là lý do các lĩnh vực thương mại, đầu tư, quốc phòng, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân là những nội dung quan trọng nhất trong chương trình làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện và Thủ tướng Czech”, Đại sứ Vitezslav Grepl chia sẻ.
Trong những năm qua, việc trao đổi đoàn giữa hai nước diễn ra thường xuyên, nổi bật là các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vaclav Klaus tháng 10/2006, Thủ tướng Topolanek tháng 3/2008, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Karel Schwarzenberg tháng 3/2012. Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Czech tháng 9/2007, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm tháng 7/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm tháng 5/2015. Tổng thống Czech Milos Zeman dự kiến thăm Việt Nam tháng 6/2017.
Czech là nước Đông Âu đầu tiên cấp ODA cho Việt Nam. Quan hệ hợp tác lao động bắt đầu được khôi phục sau nhiều năm gián đoạn. Ngày 3/7/2013, Chính phủ Czech quyết định công nhận người Czech gốc Việt như một dân tộc thiểu số thứ 14. Cộng đồng người Việt tại Czech hiện tại có khoảng 60.000 người.
Quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư giữa Việt Nam – Czech trong những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều duy trì ở mức khá, năm 2015 đạt 248 triệu USD, năm 2016 đạt 249 triệu USD. Czech hiện có 34 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư là 89,9 triệu USD, đứng thứ 45/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Việc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Hungary sau gần một thập kỷ hứa hẹn sẽ mang tới làn gió mới trong quan hệ hai nước. Việt Nam – Hungary thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 2/1950. Trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của nhà nước và nhân dân Hungary. Năm 1990, Hungary thay đổi chế độ chính trị, tuy nhiên mối quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống vẫn được duy trì và gần đây có nhiều bước phát triển mới.
Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước phát triển năng động. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 là 195 triệu USD, năm 2016 đạt khoảng 200 triệu USD. Hungary có 15 dự án với tổng số vốn là 50,6 triệu USD, đứng thứ 55/116 nước đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, môi trường được duy trì và phát triển. Hai nước thường xuyên tổ chức các Tuần lễ văn hóa Việt Nam – Hungary để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau cả về văn hóa, xã hội.
Theo Đại sứ Hungary Csaba Ory, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước phát triển tích cực. Chủ tịch Quốc hội Kover Laszlo thăm Việt Nam tháng 11/2015, Phó Chủ tịch Quốc hội Gergely Gulyás thăm Việt Nam tháng 1/2017. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm Hungary tháng 6/2008, nhiều Đoàn cấp Ủy ban đã thăm Hungary trong những năm qua. Các lãnh đạo của Quốc hội Hungary cũng hứa hẹn sẽ chia sẻ cởi mở những kinh nghiệm và thực tiễn về lập pháp với Việt Nam. Do vậy, Đại sứ Csaba ŐOry cho rằng chuyến thăm là thời điểm thích hợp để lãnh đạo Quốc hội hai nước trao đổi về vai trò của lập pháp đối với nền kinh tế thị trường.
Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng về những kết quả tốt đẹp từ chuyến thăm kéo dài gần một tuần của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới ba nước châu Âu, vừa góp phần tăng thêm tình hữu nghị với ba nước Thụy Điển, Hungary, Czech, vừa mở ra những cơ hội hợp tác mới trong tương lai.
Năm 2017, WB dành 1,8 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực giảm nghèo Chiều 23/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc điều hành Ngân ... |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đại sứ Cộng hòa Séc Chiều 22/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Đại sứ Cộng hòa Séc Vitez Slav Grepl đến ... |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại tỉnh Điện Biên Ngày 12/3, tại tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác Trung ương đã tới thăm và làm ... |