📞

Cuộc sống ở ngôi làng bị cô lập ở Nga

Minh Nhật 16:29 | 09/10/2022
Nhiếp ảnh gia người Serbia Ranko Đurović đã có chuyến đi đến Tofalaria, nơi có tộc người Tofalar sống ở vùng núi bị cô lập phía Đông Siberia, Nga đầy thú vị và đáng nhớ.
Ranko Đurović (áo đen) lần đầu đến ngôi làng Tofalaria - nơi sinh sống của tộc người Tofalar ở vùng núi bị cô lập phía Đông Siberia (Nga) vào năm 2014 và trở lại vào năm 2016.

Chưa từng biết đến tộc người Tofalar cũng như ngôi làng Tofalaria, chính vì vậy, trước khi lên đường, Ranko Đurović đã lên mạng để tìm hiểu, tuy nhiên, anh cũng không thể thu thập được mấy thông tin về nơi đây. Điều này càng thôi thúc chàng trai trẻ bắt đầu hành trình.

Để đến được Tofalaria, Ranko Đurović đi từ Novi Sad (Serbia) - Budapest - Moscow – Irkutsk – Tulun – Nizhneudinsk. Từ đó, anh đi tiếp đến Pushkinskoye, sau đó đi thêm 250 km ngược sông Uda bằng thuyền qua các khu định cư Kuitun, Irgei, Kilim và Nirkha để đến Đông Sayan và Alygdjer. Và cuối cùng, anh đã có mặt tại ngôi làng của tộc người Tofalar.

Trong suốt chuyến đi, Ranko Đurović ngủ qua đêm trong lều trong hoàn cảnh nhiệt độ ban ngày là từ 30-35 độ C, nhưng vào ban đêm chỉ còn 0 độ C.
Người dân nơi đây vô cùng hiếu khách và nhiệt tình. Đặc biệt, khi biết anh đến từ Serbia thì họ chào đón anh như một thành viên trong gia đình.
Trong khoảng thời gian ở Tofalira, điều gây ấn tượng đối với Ranko Đurović là những nụ cười luôn nở rộ trên môi của người dân. "Tôi cảm nhận, người dân nơi đây dường như không có bất kỳ điều gì lo lắng", nhiếp ảnh gia cho biết.
Anh cho biết, cuộc sống nơi đây so với ở thành thị không thực sự tốt, nhưng dường như người dân không quan tâm đến điều đó. Họ luôn ý thức trong việc giữ gìn bản sắc và truyền thống.
Được Liên Xô cũ công nhận vào năm 1926, và là một trong những "dân tộc thiểu số được đánh số nhỏ ở phía Bắc", Tofalar còn có tên gọi khác là Tofa hoặc Karagas. Khu vực họ sinh sống được gọi là Tofalaria.
Những người dân ở đây có tư cách pháp nhân đặc biệt và nhận được hỗ trợ kinh tế từ Nga. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ việc làm, nhà cửa.
Hiện có khoảng 750 người Tofalar, khoảng 5% dân số nói tiếng Tofa như một ngôn ngữ bản địa (số liệu năm 2002). Mặc dù dân số của Tofalaria dường như đang tăng lên, nhưng số lượng người chính gốc Tofalar có vẻ đang giảm dần.
Tofalaria có điện, kết nối điện thoại di động và Internet vào năm 2014.

Sau chuyến đi, Ranko đã tổ chức một cuộc triển lãm tại Ngôi nhà Nga - Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga ở Belgrade và Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Novi Sad, Serbia.

Nhiếp ảnh gia người Serbia cho biết, anh rất muốn đến thăm Tofalaria một lần nữa, cũng như đến thăm nhiều vùng khác trên đất nước Nga thân yêu.
(theo RBTH)