📞

Cuộc sống rất khác ở Tây Nguyên (kỳ I): Phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục

Quang Minh 12:45 | 10/12/2020
TGVN. Những ngày này, con đường gập ghềnh xuống các buôn làng Tây Nguyên nhuộm sắc vàng rực của hoa dã quỳ. Có lẽ, gam màu tươi sáng ấy không chỉ bắt nguồn từ những bông hoa đầy sức sống ven đường, mà còn là từ những suy nghĩ và hành động rất khác, rất mới của chính đồng bào nơi đây.
Ông Y Ngăm Ayun, một điển hình làm kinh tế giỏi ở buôn Pan B, xã Ea Yông, huyện Krông Păk , tỉnh Đăk Lăk.

Tây Nguyên lúc này đang vào mùa thu hoạch cà phê. "Lạc" vào vựa cà phê những ngày này, bắt gặp niềm hân hoan của người nông dân gặt hái thành quả suốt một năm chăm bẵm, những suy nghĩ trước đây về một vùng đất nghèo khó, lạc hậu tan biến.

Những thay đổi trong suy nghĩ và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thể hiện rõ ngay trong chính cuộc sống và sinh hoạt đời thường - một cuộc sống khác, rất mới, rất thực tế, là kết quả của hàng loạt chính sách hỗ trợ phù hợp.

Trong chuyến công tác cùng Đoàn Văn phòng Thường trực về Nhân quyền và phóng viên các cơ quan báo chí tìm hiểu về chính sách cho đồng bào DTTS ở địa phương, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh thông tin, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã liên tục giảm, hiện còn 5,54% (giảm 11,96% so với năm năm 2015).

Tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào DTTS chiếm 4,16% (giảm 7,34%), tỷ lệ hộ cận nghèo là người đồng bào DTTS chiếm 2,02% (giảm 0,44%).

Đổi mới tư duy, chuyển đổi mô hình sản xuất

Với 23 dân tộc cùng sinh sống, huyện Krông Păk trong những năm gần đây nổi lên là “thủ phủ sầu riêng” của tỉnh Đăk Lăk. Hiện, sầu riêng của Krông Păk đang được làm các thủ tục đăng ký thương hiệu, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

“Tiếc là Đoàn về khi mùa sầu riêng vừa kết thúc, không thì đi tới vườn nhà nào cũng ngào ngạt hương sầu chín”, ông Y Guk Bkrông, mục sư nhiệm chức của điểm nhóm Tin Lành buôn Puân A, chủ của 150 gốc sầu riêng, một trong những người có uy tín trong đồng bào DTTS ở buôn Puân A, xã Ea Phê, nói vui với chúng tôi.

Câu chuyện của bác Y Guk Bkrông, người đàn ông có nước da nâu bánh mật đặc trưng của đồng bào ở cao nguyên đầy nắng và gió đã cuốn hút chúng tôi khi ông say mê nói về kỹ thuật trồng cây sầu riêng cũng như kỹ thuật trồng xen canh cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn trái để mang lại sản lượng và chất lượng cung cấp ra thị trường cả trong và ngoài nước.

Chúng tôi cảm nhận niềm vui dâng đầy trong mắt khi ông chia sẻ ngày càng có nhiều hộ đồng bào dân tộc Ê Đê ở buôn Puân A đã vươn lên thoát nghèo.

Những bước chân lặng lẽ của vị mục sư nhiệm chức này đã bền bỉ tới vận động từng nhà, tới thăm từng rẫy cà phê bị chết khô, tuyên tuyền để đồng bào chịu học, chịu nghe cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện về phổ biến cách trồng và chăm sóc; đưa giống cây sầu riêng về nhân giống...

Những vườn cây xen canh, những vườn sầu riêng đặc sản cơm vàng, hạt lép nhiều hoa trái đã hồi sinh, buôn Puân A của ông vì thế mà nhộn nhịp, rộn ràng vào mùa thu hoạch.

Sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, phổ biến, chuyển giao kỹ thuật trồng đa canh cũng đã khiến nhiều gia đình đồng bào DTTS như ông Y Ngăm Ayun ở buôn Pan B hay ông Y Bin Byă, buôn Jung, xã Ea Yông vươn lên trở thành những hộ làm kinh tế giỏi của địa phương, mỗi năm thu nhập bình quân 300 triệu đồng.

Ông Y Ngăm Ayun còn là Bí thư Chi bộ buôn Pan B với 11 đảng viên là đồng bào DTTS. Ba người con đều đỗ đại học và có việc làm ổn định. Buôn Pan B của ông nhiều năm liền giữ danh hiệu “Buôn văn hóa”, hơn 80% hộ dân có nhà kiên cố, trẻ em được tạo điều kiện thuận lợi để đến trường.

Nếu như buôn Puân A của ông Y Guk Bkrông hay buôn Pan B của ông Y Ngăm Ayun là những buôn hình thành từ lâu, được đầu tư điện, đường, trường, trạm khang trang thì ở buôn Ea Su, một buôn mới thực hiện giãn dân từ năm 2008 vẫn còn nhiều khó khăn.

Chúng tôi tìm đến nhà của anh Y Như A yun, sinh năm 1986, người đã vượt khó vươn lên thoát nghèo được 2 năm nay. Vợ chồng anh Y Như A yun vào định cư ở buôn mới thành lập với hai bàn tay trắng, được địa phương cấp cho 5 sào ruộng để sản xuất.

Những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới, vườn cà phê đầu tiên của hai vợ chồng bị bão phá sạch. Sau đó, anh được hỗ trợ vay vốn, được đi học hỏi mô hình trồng xen canh, hai vợ chồng đã áp dụng thành công trên 2,5 sào ruộng trồng xen canh cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái; 2,5 sào ruộng còn lại chuyên trồng cây ăn trái, thu nhập bình quân mỗi năm đạt 50 triệu đồng.

Đứng giữa vườn cà phê sai trĩu quả, anh Y Như A yun chỉ cho chúng tôi căn nhà bằng ván gỗ sát vườn. Đấy là căn nhà thuở ban đầu anh chị dựng lên để có chỗ sinh hoạt. Giờ thì hai vợ chồng đã dựng được căn nhà kiên cố, một phần được hỗ trợ theo Chương trình 167, một phần kinh phí do anh chị tự bỏ ra. Cuộc sống thực sự đã sang một trang mới.

Phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục

Cũng trong dòng chảy cảm xúc đầy nhiệt huyết của những người gắn bó với đồng bào DTTS ở xã Ea Phê, ông Lương Văn Sáng lại mang đến cho chúng tôi cái nhìn lạc quan về đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Nùng ở thôn 6.

Người dân tộc Nùng chủ yếu di cư từ miền Bắc vào Tây Nguyên làm ăn kinh tế, đã được Đảng, Nhà nước quan tâm dành nhiều chính sách ưu đãi để bảo đảm cuộc sống.

Ông Sáng cho biết, đồng bào Nùng trước đây được chia đất sản xuất, đất ở, những năm gần đây còn được nhà nước cho vay vốn phát triển sản xuất, được nhà nước làm đường, điện, trường học đến tận từng thôn.

“Đến nay, đời sống kinh tế của bà con phát triển vượt bậc so với 5 năm trước. Nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi lắm, còn biết trồng nấm xuất bán đi khắp nơi”, ông Sáng nói, đọc vanh vách tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn 2,5%.

Những hộ nghèo này đã được chính quyền xã và huyện đang tạo điều kiện để được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ mỗi gia đình một cặp bò và phổ biến kỹ thuật nuôi trồng để sớm thoát nghèo.

“Hiện nay, con em đồng bào đi học không phải đóng học phí, được mua bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh thông thường không phải mất tiền. Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, đồng bào được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí vật liệu xây dựng, có trường học khang trang”, ông Sáng hồ hởi khoe.

Rời quân ngũ về với cộng đồng đồng bào Nùng ở thôn 6 từ những năm 1990, đến giờ chẵn 30 năm, ông Sáng, người được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban mặt trận thôn suốt nhiều năm qua, vẫn đi thăm hỏi bà con đều đặn, để nắm bắt hoàn cảnh của từng nhà, để biết bà con đang nghĩ gì, đang thiếu gì và đang cần gì để kịp thời phản ánh với chính quyền địa phương có những hỗ trợ phù hợp và cần thiết nhất.

Như một nhân chứng - người chép sử của đồng bào Nùng ở thôn 6, ông Sáng vui mừng nói rằng, mình là người may mắn được chứng kiến những thay đổi từng ngày của đồng bào.

Nhờ có kinh tế khấm khá, những hủ tục lạc hậu trong đồng bào Tày, Nùng đã dần được loại bỏ như hủ tục ma chay, cưới hòi. Giờ thì những hủ tục này không còn nữa, đám cưới đã được thực hiện theo nếp sống mới, đám tang cũng không còn rình rang như trước. Thôn 6 có tới 95-97% đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Các chính sách nhà nước đầu tư trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Păk được triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định, theo kế hoạch và nguồn cấp, bao gồm Chương trình 135, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; triển khai các chương trình về giảm nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã, thị trấn. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 45,30 triệu đồng/người/năm.