Thách thức của chính quyền
Đứng trên một bãi cỏ lầy lội ở Mathare – một quận ở phía Đông thành phố Nairobi, Kevin đang khảo sát thành quả của mình. Từ chỗ anh đứng, có thể nhìn thấy những sợi dây điện treo thành từng búi loằng ngoằng, lủng lẳng trên một căn nhà lợp mái tôn, từ đó toả ra hàng tá những cuộn dây khác tương tự. Có những sợi rơi ngang tầm mắt ngay trên miệng cống mở. Đó chính là nguồn điện được dùng để cung cấp cho các bóng đèn, phích đun nước và cả những chiếc loa phóng thanh ở nơi đây.
Để đổi lấy điện, Kevin và 6 người bạn phải tích góp mỗi tháng 200 shilling/hộ (khoảng 2 USD) từ gần 100 căn nhà lợp tôn ở khu ổ chuột của anh. Để bảo vệ công việc làm ăn của mình, các băng đảng trả tiền cho cảnh sát và đe doạ các đối thủ cạnh tranh. Kevin nhấn mạnh, điện ở đây rẻ và an toàn hơn so với nguồn điện chính thức. Vậy nhưng, xác một con chuột chết gần đường dây điện dường như cho thấy điều ngược lại.
Khu ổ chuột Mathare ở ngoại ô Nairobi, Kenya. (Nguồn: Legatum Foundation) |
Đó là hiện trạng dịch vụ công ở những quận nghèo nhất của Nairobi. Theo một khảo sát gần đây của Ngân hàng Thế giới, các khu nhà lụp xụp này chính là nơi ở của 40% cư dân thành phố. Sự bùng nổ dân số - từ khoảng 300.000 người khi Kenya giành độc lập vào năm 1963 lên hơn 4 triệu người vào hiện tại, là nguyên nhân khiến các khu ổ chuột mọc lên trong thành phố.
Rải rác trên khắp châu Phi, các khu ổ chuột là nơi ở của hàng trăm ngàn người lên thành phố sống để thoát khỏi cách khỏi cảnh nghèo đói ở nông thôn. Đến năm 2030, khoảng một nửa dân số châu Phi sẽ sống ở thành phố. Theo Liên hợp quốc, 2/3 số dân thành thị tăng thêm sẽ sống trong các khu ổ chuột. Giữa năm 1990 và năm 2014, dân số ở các khu ổ chuột của lục địa này đã tăng hơn gấp đôi, lên khoảng 200 triệu người. Tìm cách để nâng cấp và cải thiện các khu ổ chuột này sẽ trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất của thế kỷ 21 đối với các chính phủ châu Phi.
Địa bàn của các băng đảng
Các khu ổ chuột châu Phi phát triển bởi vì chúng có một yếu tố mà người nghèo cần: đó là nhà ở giá rẻ gần nơi làm việc, trường học và các dịch vụ công cộng. Trớ trêu thay, đối với một lục địa nghèo như châu Phi, các thành phố đều mở rộng quy hoạch khá lộn xộn và việc di chuyển phần lớn phụ thuộc vào ô tô. Từ Lusaka đến Lagos, các khu nhà ở ngoại ô và trung tâm mua sắm đang mọc lên ở ven thành phố tương tự như ở Houston và Atlanta của Mỹ. Vậy nhưng phần lớn người dân nơi đây không đủ khả năng để mua ô tô. Khu ổ chuột ở Nairobi nằm trong số ít những khu vực ở gần nơi làm việc mà người dân vẫn có thể đi mua sắm, xem phim và ăn trưa ngay bên đường mà không cần phải đi xe.
Việc những người dân nghèo cần sống gần nơi làm việc chính là nguyên nhân những khu ổ chuột thường mọc lên ngay cạnh các khu giàu sang của thành phố. Khu ổ chuột ở Mathare nằm ngay giữa trung tâm thương mại sầm uất Eastleigh và câu lạc bộ Muthaiga sang trọng của những người Kenya da trắng. Hay thị trấn Alexandra, Johannesburg – nơi tập trung của những khu nhà lợp mái tôn, nằm ở ngay rìa của Sandton – khu văn phòng "sang chảnh" của thành phố. Thành phố Lagos của Nigeria là một siêu đô thị với 2/3 dân số sống trong các khu nhà ổ chuột. Nơi đây có một ngôi làng tên là Makoko với những căn nhà lợp được xây trên các cây cọc ở đầm phá, và ngôi làng này nằm ngay dưới chân cầu Third Mainland dẫn tới các tòa nhà văn phòng đắt đỏ.
Thị trấn ổ chuột Alexandra nằm không xa khu văn phòng cao cấp của thành phố Johannesburg. (Nguồn: Well-travelled postcard) |
Ở các khu ổ chuột, người dân thiếu gần như cả những tiện ích thiết yếu nhất. Không chỉ điện mà cả vấn đề về nước, thu góp rác và an ninh cũng đều bị quản lí bởi các nhóm độc quyền ở địa phương. Nhà nước hầu không can thiệp đến nơi đây. Ở hầu hết các khu ổ chuột, y tế và giáo dục được cung cấp bởi tư nhân hoặc các tổ chức từ thiện. Bệnh dịch như tả và HIV tràn lan khắp mọi nơi. Gần như không có hệ thống pháp luật nào để bảo vệ quyền sở hữu tài sản cho người dân. Thay vào đó, những địa chủ có mối quan hệ tốt với các băng đảng tranh thủ kiếm lời bằng cách cho thuê những miếng đất nhỏ cho những người dân không có nơi nào khác để đi.
Tại Nairobi, các băng đảng giao tranh giành giật lãnh địa. Các khu ổ chuột ở Lagos như làng Makoko chịu sự cai quản của các ông trùm ở địa phương. Họ ăn mặc như các trùm băng đảng và nhận cống nạp của người dân. Các băng đảng cũng thu nạp những thanh niên thất nghiệp để đe doạ các đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, cảnh sát thì không muốn đi vào khu vực này, ngoại trừ để nhận hối lộ hoặc bắn nghi phạm.
Khó xóa bỏ khu ổ chuột
Thế nhưng, tồn tại một nghịch lí hết sức trớ trêu ở các khu ổ chuột này là giá cả đắt đỏ của chúng. Ở Mathare, một chỗ ở trong căn nhà gỗ ngay phía trên miệng cống, không có điện và nước, có giá 700 shilling/tháng, trong khi một căn phòng sạch sẽ với một bóng đèn và nhà vệ sinh chung ngoài trời thì có giá 3.000 shilling. Thoạt đầu thì nghe có vẻ rẻ, nhưng những địa chủ ở đây đang bắt chước cách làm của các doanh nghiệp phương Tây ở châu Phi: họ đóng gói các sản phẩm với kích cỡ nhỏ để những người nghèo có đủ khả năng chi trả. Như hàng trăm gói bột giặt nhỏ với được bán với giá cao hơn nhiều so với một hộp bột giặt lớn, họ cũng làm tương tự với đất đai. Theo Jacqueline Klopp, một nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, với mỗi mét vuông đất, người dân ở khu ở chuột Nairobi phải trả tiền thuê cao hơn nhiều so với người dân lao động giàu có ở thành phố.
Mặc dù rất muốn nhưng chính quyền ở châu Phi không thể xoá bỏ các khu ổ chuột này. Bởi lẽ khi chính quyền lấy đất hoặc phá bỏ khu ổ chuột, người dân sẽ buộc phải tìm nhà mới và điều này sẽ khiến những nơi khác trở nên đông đúc. Những nơi ở mới này thường sẽ quá đắt đỏ hoặc thiếu những tiện ích cơ bản nhất cho người dân sử dụng.
Theo Sumila Gulyani, một nhà nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, khu ổ chuột sẽ được cải thiện nếu người dân nơi đây có tiền và động lực để đầu tư. Khi họ có nơi ở của riêng mình, hoặc thuê ở một chỗ lâu dài, họ sẽ dùng tiền để cải thiện môi trường sống của mình. Qua thời gian, điều này sẽ giúp nâng cấp các khu ổ chuột. Nhưng vấn đề với các khu ổ chuột ở châu Phi là người dân thường chỉ sống cố định ở một nơi trong vài năm. Và khi ở đó, họ lại bị bóc lột bởi các địa chủ và băng đảng địa phương. Những cải tạo được hỗ trợ, đóng góp từ bên ngoài, như đường ống nước, cũng bị xâm chiếm bởi các băng đảng.
Khu ổ chuột Mathare tách biệt với phần còn lại của thành phố Nairobi đến mức người ta gọi đây là "thung lũng Mathare". (Nguồn: Vimeo) |
Nếu chính phủ đối xử với những khu ổ chuột như một phần của thành phố thì nơi đây sẽ được cải thiện đáng kể. Người dân ở Mathare có lí do để hi vọng vào điều này. Mặc dù các khu nhà ở đây vẫn bị kiểm soát nhưng các căn nhà cao tầng hơn đang dần mọc lên, với diện tích rộng rãi hơn. Crispin Adero, một công nhân 20 tuổi, treo trên tường nhà mình một tấm poster của đội tuyển Manchester City. Trong nhà có tiếng nhạc phát ra từ một chiếc TV kết nối vệ tinh. Bên cạnh đó là chiếc thang dẫn lên căn phòng ở tầng trên, nơi ở của anh và vợ. Anh đã tự xây cho mình căn nhà này sau khi thoả thuận với chủ nhà về việc chia sẻ chi phí. Anh nói cuộc sống của mình khá ổn. Nhưng không phải ai cũng được may mắn như vậy. Bên ngoài phố, tiếng nước thải vẫn đang chảy róc rách.