TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink: Từ mẩu chuyện 'đời' tới chất keo nối hai đất nước | |
Đại sứ Hoa Kỳ: Cả thế giới đang biết đến Việt Nam là nơi rất tuyệt vời |
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Peterson trong một lần trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam. |
Nhìn lại những năm qua, ông cảm thấy thế nào về cột mốc 25 năm quan hệ Việt-Mỹ?
Đối với tôi, việc kỷ niệm cột mốc lịch sử này là điều vô cùng đáng mừng khi nhìn lại những trở ngại mà hai bên gặp phải để thỏa thuận bình thường hóa quan hệ được hai bên thông qua. Tôi nghĩ rằng nhiều người đã quên mất về những khó khăn ban đầu của hai bên, để vượt qua những đau đớn trong quá khứ và hàn gắn mối quan hệ rạn nứt. May mắn thay, các quan chức Việt Nam và Mỹ đã có thể vượt qua những ác cảm trong quá khứ và cật lực làm việc để thiết lập lại quan hệ ngoại giao, vì lợi ích chung của cả hai nước và thúc đẩy hòa bình, hợp tác toàn cầu. Tôi đặc biệt tự hào với những gì mà các nhân viên Đại sứ quán và Lãnh sự quán của hai nước đã làm được trong những năm qua để đưa quan hệ Việt Nam-Mỹ phát triển và trưởng thành như ngày hôm nay.
Người ta thường nói “Vạn sự khởi đầu nan”. Hẳn ông gặp nhiều khó khăn trên cương vị Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam. Làm thế nào ông vượt qua các thách thức này?
Đạt được thỏa thuận trên giấy tờ vốn đã khó khăn, nhưng để thực thi những gì viết ra trên thỏa thuận đó là một thách thức khác hẳn. Sau khi thỏa thuận chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt được ký kết, những công việc còn lại được đặt lên vai các nhà ngoại giao hai bên, khi phải tìm cách làm việc với nhau trên cả khía cạnh cá nhân và công việc, tạo cơ sở tin cậy vững chắc để thúc đẩy mối quan hệ. Việc thiết lập các nghi thức ngoại giao là khá dễ dàng do các công ước ngoại giao quốc tế đã được thiết lập.
Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn nhất mà chúng tôi phải đối mặt đó là việc xây dựng lại sự tin tưởng lẫn nhau, vốn là trung tâm của bất kỳ mối quan hệ nào và chỉ có thể đạt được từng bước thông qua việc thực hiện các cam kết và hành động thiết thực.
Khi đến Hà Nội với tư cách Đại sứ, tôi đã cảm nhận được sự thiếu tin tưởng giữa hai bên và ngay lập tức bắt tay vào việc để lấy lại được niềm tin đó từ phía Việt Nam. Cách tiếp cận chính của tôi là cực kỳ thẳng thắn trong tất cả cam kết với chính quyền Việt Nam. Tôi phải chắc chắn rằng mọi lời hứa mà mình đưa ra đều được thực hiện chính xác và kịp thời. Tôi cũng nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ không có bất kỳ mục tiêu ẩn nào và chỉ muốn thiết lập mối quan hệ song phương mạnh mẽ về ngoại giao, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Ban đầu, phía Việt Nam cũng có chút e ngại và đôi khi là nghi ngờ các hành động của tôi, nhưng sau vài năm, họ bắt đầu chấp nhận rằng những mục tiêu của tôi bắt nguồn từ sự chân thành nhằm xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ, hai bên cùng có lợi và đáng tin cậy. Phần còn lại thì ai cũng biết cả rồi.
Nhiều người Việt coi chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000, cụ thể là bức ảnh Tổng thống bắt tay người dân Việt Nam qua ban công, là biểu tượng cho sự hồi sinh quan hệ Việt Nam và Mỹ. Là Đại sứ Mỹ lúc đó, ông nghĩ gì về khoảnh khắc đặc biệt này?
Tôi đã tháp tùng đoàn của Tổng thống Bill Clinton và cũng có mặt khi bức ảnh lịch sử đó được chụp lại. Khi nhìn thấy bức ảnh này trên các tờ báo tại Việt Nam vào ngày hôm sau, tôi đã tự nói với mình rằng, ồ, Tổng thống Clinton đã làm tốt hơn công việc thắt chặt quan hệ Mỹ và Việt Nam chỉ trong một khoảnh khắc và nhiều hơn bất cứ những gì mà các quan chức hai bên đã làm trong suốt ba năm ngoại giao đầy thử thách vừa qua.
Tôi đã vô cùng hạnh phúc và tự hào bởi bức ảnh đóng vai trò là biểu tượng cho ý nghĩa của quan hệ song phương, sự lãnh đạo và tình người, bỏ lại phía sau xung đột và thù hận trong quá khứ.
Tổng thống Bill Clinton và bức ảnh gây "sốt" trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000. |
Kể từ thời điểm đặc biệt đó, quan hệ Việt Nam-Mỹ đã phát triển nhanh chóng và toàn diện, được duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ hơn qua các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Ông hình dung như thế nào về tương lai của mối quan hệ này?
Chính phủ Việt Nam xứng đáng nhận được những lời khen ngợi với cách quản lý cuộc khủng hoảng Covid-19. Việt Nam đã áp dụng các chính sách ngăn chặn hiệu quả ngay từ đầu, với việc xét nghiệm sớm, chuẩn bị các cơ sở y tế điều trị kịp thời cho các bệnh nhân và thực thi mạnh mẽ các chính sách được thiết kế để bảo vệ người dân Việt Nam khỏi căn bệnh này. Khi dịch bệnh qua đi, các phương án can thiệp sớm và kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được công nhận là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trên thế giới.
Giống như các cuộc khủng hoảng khác, đại dịch này cũng sẽ được giải quyết và mọi thứ sẽ trở lại như bình thường. Đại dịch chắc chắn khiến cả hai bên xem xét các ưu tiên ngắn hạn và có lẽ một số chương trình hợp tác và hoạt động hòa giải bị trì hoãn nhưng nhìn chung, tôi nghĩ rằng những kinh nghiệm được chia sẻ trong đại dịch sẽ củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Hai quốc gia đã sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau để chống lại đại dịch bằng cách cung cấp những hỗ trợ cực kỳ cần thiết về vật tư và công nghệ liên quan đến y tế.
Trong 25 năm qua, Việt Nam đã có một quá trình chuyển đổi đáng kinh ngạc, từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá trở thành một trong những quốc gia có thu nhập trung bình thành công nhất thế giới. Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới, sở hữu một trong những lực lượng lao động thông minh và năng suất nhất thế giới.
Việt Nam có một tương lai đầy hứa hẹn và người ta khó có thể tưởng tượng được quốc gia này sẽ phát triển như thế nào trong 25 năm nữa. Nền kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng, và lợi ích song phương của hai quốc gia sẽ ngày được gắn bó sâu sắc hơn. Việt Nam sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế và quan hệ Mỹ-Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và trở thành những đồng minh với các cam kết sâu rộng. Tôi nghĩ rằng, hai bên sẽ sớm đạt được điều đó.
Ông Pete Peterson và ông Nguyễn Danh Sinh, 70 tuổi, tại làng An Đoài, 70km về phía Đông Hà Nội ngày 10/9/1997. Ông Sinh là một trong hai người đã bắt giữ ông Peterson khi máy bay của ông rơi tại Hà Nội năm 1966. |
Ngoài công việc của mình, dường như ông có một mối liên hệ cá nhân sâu sắc với Việt Nam, trước và sau khi làm Đại sứ. Bản thân ông cũng đã trở về Việt Nam nhiều lần và tham gia nhiều dự án. Ông có điều gì muốn gửi gắm tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhân dịp này?
Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Tôi cũng không thể đếm được số lần vợ tôi, Vi, và tôi đã trở lại Việt Nam trong suốt 20 năm qua, có thể là hàng trăm lần.
Hơn 25 năm trước, cả hai chúng tôi đều thấy được tiềm năng phát triển to lớn của Việt Nam và ở một mức độ nào đó, đã cống hiến hết mình để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này. Những chuyến đi về Việt Nam của chúng tôi, đa phần là các hoạt động kinh doanh và từ thiện để giúp Việt Nam phát triển các lĩnh vực như y tế công cộng, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Chúng tôi đã tham gia vào việc phát triển các chương trình phòng chống thương tích ở trẻ em cũng như giới thiệu nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường Việt Nam. Chúng tôi rất thích làm việc với các đối tác Việt Nam và trong quá trình đó, đã có được những người bạn trên phạm vi toàn quốc. Việc được tham gia và theo dõi sát sao sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của Việt Nam trong những năm qua thực sự là trải nghiệm thú vị.
Sau khi đại dịch qua đi, chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp tục những hành trình tới Việt Nam, tiếp tục đẩy mạng các hoạt động thương mại và từ thiện. Đại dịch Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội mới và đổi mới sáng tạo công nghiệp. Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy cải cách kinh tế bền vững và tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất của đất nước để phù hợp với sự tăng trưởng sắp tới trong lĩnh vực sản xuất và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng và chúng tôi sẽ tiếp tục là đối tác mạnh mẽ với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc giúp họ đạt được mục tiêu, đạt được ước mơ và tận hưởng cuộc sống chất lượng cao.
Vào thời điểm này, chúng tôi chỉ có thể nói với Chính phủ Việt Nam và nhân dân Việt Nam: HÃY TIẾP TỤC LÀM TỐT NHƯ VẬY!
Xin cảm ơn ông!
Ông Pete Peterson, sinh năm 1935, từng tham chiến tại Việt Nam và máy bay chiến đấu F-4 Phantom II ông bị bắn rơi trên bầu trời miền bắc Việt Nam tháng 9/1966. Ông bị giam giữ 6 năm và được phóng thích vào năm 1973. Sau khi rời quân ngũ năm 1981 sau 26 năm phục vụ, ông Peterson đắc cử vào Quốc hội Mỹ. Ông trở lại Việt Nam với tư cách Đại sứ Mỹ đầu tiên năm 1997 và phục vụ cho tới tháng 7/2001. |
| Một nước Mỹ chân tình qua lời kể của Đại sứ Lê Công Phụng TGVN. Nhìn lại nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ năm 2008-2011, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng đánh ... |
| Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Viết tiếp câu chuyện 'phi thường' TGVN. Trong bài viết dành riêng cho Thế giới & Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã điểm lại đôi ... |
| Hoạt động đầu tiên kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ TGVN. Từ ngày 10-12/2, nhận lời mời của Chính quyền, Quốc hội bang Arizona, thành phố Phoenix và Viện McCain, Đại sứ Việt Nam tại ... |